Những quy hoạch “nguội lạnh”
Giãn dân nội đô là nhiệm vụ bức thiết mà chính quyền Hà Nội đặt ra từ nhiều chục năm nay để giải bài toán đất chật người đông, hạ tầng quá tải và môi trường ô nhiễm. Nhiều đề án, quy hoạch đã được xây dựng nhưng khi triển khai thì mãi vẫn chỉ nằm trên giấy.
Năm 1998, thành phố khởi động “chiến dịch” di dân phố cổ sang phường Việt Hưng, quận Long Biên. Đến nay, sau hơn 2 thập kỷ, công tác di dời dân vẫn giậm chân tại chỗ do bản thân những cư dân tuy đang phải sống chen chúc, nghẹt thở trong những khu nhà ở chật chội, tối tăm cũng không mặn mà với việc chuyển đến nơi ở mới mà thành phố bố trí.
Một quy hoạch khác của Hà Nội cũng trong tình trạng “đắp chiếu” suốt nhiều năm đó là quy hoạch phát triển 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên và Xuân Mai được phê duyệt từ năm 2008, tuy nhiên, sau gần 15 năm, vẫn chưa ai thấy hình hài của 5 đô thị vệ tinh này.
KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ngay cả các chủ đầu tư BĐS còn không quan tâm đến 5 đô thị vệ tinh, chưa nói gì đến người dân.
“Khi chúng ta không làm được hệ thống kết nối và hạ tầng thì chúng ta không có con người. Một đô thị không có dân hay di dân bằng kiểu cưỡng bức thì đô thị đó không tồn tại”, ông Tùng nhận xét.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, đánh giá 5 khu vực được quy hoạch làm đô thị vệ tinh của Hà Nội chưa đủ sức sống để trở thành một đô thị trung tâm, một cực phát triển mới. Điểm mấu chốt dẫn đến thất bại của những quy hoạch như giãn dân phố cổ, đô thị vệ tinh là tư duy duy ý chí trong hoạch định chính sách.
“Con người luôn lựa chọn nơi ở có điều kiện sống tốt nhất, sinh hoạt thuận tiện nhất và kiếm tiền được nhiều nhất. Khi người dân thấy di dời không bằng ở lại thì họ lựa chọn ở lại, khi di dời tốt hơn ở lại thì họ di dời. Quy luật cuộc sống là như vậy”, GS. Đặng Hùng Võ lý giải.
Đô thị đa trung tâm - lời giải hoàn hảo cho bài toán phát triển đô thị Hà Nội
GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra rằng, trong khi những ý chí quy hoạch không thể đi vào cuộc sống thì thực tế đã có những lựa chọn hoàn toàn khác. Những năm qua, Hà Nội chứng kiến xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ của các luồng cư dân theo 2 hướng, một sang khu phía Tây và một sang khu phía Đông.
Vị chuyên gia kỳ cựu nhận định, đi về phía Tây là bắt nhịp với định hướng phát triển khi nơi này từ lâu đã được quy hoạch và trên thực tế đã hình thành một trung tâm hành chính quốc gia mới quy mô, hiện đại. Trong khi đó, đi về phía Đông là sự lựa chọn phù hợp quy luật tự nhiên của cả người dân và các nhà phát triển BĐS nhằm khai thác tiềm năng vượt trội về cảnh quan và điều kiện thiên nhiên của khu bờ Đông sông Hồng.
Theo GS. Võ, thế giới có nhiều mô hình phát triển đô thị khác nhau như: Mô hình siêu đô thị (megacity), mô hình mạng lưới gồm nhiều đô thị nhỏ kết nối với nhau và mô hình đô thị đa cực hay đa trung tâm với nhiều đô thị cỡ vừa. Trong đô thị đa trung tâm, mỗi trung tâm đều đủ sức vận hành độc lập và đóng vai trò là một cực phát triển của TP. Hà Nội và TP.HCM hiện đang đi theo mô hình đa trung tâm này.
Với Hà Nội, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, hướng phát triển tốt nhất là bám sát 2 bên sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục trung tâm. Một bên sông Hồng là “Hà Nội cũ” với các giá trị lịch sử, một bên sông Hồng là “Hà Nội mới” năng động, triển vọng với đầy đủ hạ tầng xã hội hiện đại. Kết nối giữa “Hà Nội cũ” và “Hà Nội mới” là những cây cầu bắc qua sông Hồng.
“Các đô thị trung tâm như các cực phát triển mới nằm dọc theo sông Hồng, như vậy sẽ phù hợp với thực tế cuộc sống hơn”, GS. Võ nhấn mạnh.
Về mặt quy hoạch, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần phát triển theo xu hướng đa cực, gồm khu nội đô cũ và 2 chuỗi đô thị ở phía Tây và phía Đông. Chuỗi đô thị phía Tây gồm các khu vực giáp ranh giữa Đan Phượng, Hoài Đức với Từ Liêm, giáp ranh giữa Hà Đông, Từ Liêm và Thanh Oai, giáp ranh giữa Thanh Trì và Thường Tín. Chuỗi đô thị phía Đông sông Hồng bao gồm Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.
“Mục tiêu quan trọng của quy hoạch là giãn dân, có thể coi quá trình giãn dân chính là quá trình hiện đại hóa, văn minh hóa thủ đô”, ông Chính nói.
Để một đô thị mới thực sự có sức sống, có sức hút với cư dân và có thể vận hành độc lập, GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra có 4 tiêu chí sống còn mà đô thị đó cần đáp ứng. Đầu tiên là điều kiện tự nhiên phải đủ sức tải cho một không gian đô thị. Thứ hai là khả năng tạo việc làm của đô thị mới. Thứ ba là khả năng kết nối địa kinh tế với các trung tâm kinh tế khác theo nguyên tắc cộng sinh. Cuối cùng là hạ tầng, tiện ích của đô thị mới để cuộc sống ở đó tiện nghi hơn.
Thực tế, hiện nay khu phía Đông và phía Tây đã hình thành các đại đô thị như Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm). Chủ đầu tư đưa vào các khu đô thị này những “đại tiện ích”, biến hóa trở thành “một trung tâm mới” với công viên, biển hồ, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... Chính vì vậy, các “trung tâm mới” này đã tạo nên một cuộc đại dịch chuyển, thu hút hàng chục nghìn cư dân sinh sống.
“Chúng ta quy hoạch Hà Nội đi về phía Tây và đã tạo nên sức phát triển đô thị mạnh trên địa bàn Từ Liêm. Còn phía Đông, có thể thấy một số đại dự án của nhà phát triển BĐS hàng đầu đang góp sức phát triển đô thị khi tạo nên một thành phố mới sầm uất. Dân Hà Nội đang dịch chuyển sang phần phía Đông như một xu hướng tự nhiên mà không cần bất kỳ một chính sách cưỡng bức di dời nào cả”, GS. Võ phân tích.
Bình luận