• Zalo

Đỗ Nhật Nam: Mèo máy Doraemon thời hiện đại

Tổng hợpThứ Sáu, 14/06/2013 12:39:00 +07:00Google News

...Nhịp sống của Nam không có gì thay đổi. Cậu bé coi chuyện đã qua như một cơ hội để tự nhìn lại mình, và động viên bố mẹ rất nhiều.

   Khi nhấc điện thoại hẹn Nhật Nam, tôi lo rằng gia đình cậu bé sẽ từ chối. Trái với suy nghĩ của tôi, gia đình Nam vẫn rất hiếu khách và sinh hoạt bình thường. Nhịp sống của Nam không có gì thay đổi. Cậu bé coi chuyện đã qua như một cơ hội để tự nhìn lại mình, và động viên bố mẹ rất nhiều. Ngoài câu chuyện đã cũ về một cậu bé thông minh sớm, còn là câu chuyện về kỹ năng sống lạc quan và vượt qua khủng hoảng của thời hiện đại… Nam vừa ra mắt cuốn tự truyện thứ hai mang tên “Những con chữ biết hát”, kể lại những kỷ niệm ấu thơ ở Nhật Bản, về cách bố mẹ giúp Nam phát triển khả năng ngôn ngữ, và quan trọng nhất, là để độc giả cùng tuổi có thể hiểu hơn về Nam.

 

 Lý do tôi gọi Nhật Nam là chú mèo máy Doraemon, trước hết bởi vì hình dáng cậu bé. Nam ăn uống ngon miệng và cũng rất ham thể dục. Cậu bé có lẽ là mơ ước của các bà mẹ Việt Nam vốn mê hình dáng bụ bẫm. Nhờ thể chất tốt mà tinh thần của Nam cũng sảng khoái. Thêm vào đó, Nam lại có sự lạc quan và hiếu khách. Những gia đình cả hai bố mẹ làm việc trong ngành sư phạm như nhà Nam không hiếm. Nhưng để có một cậu con trai như Nam, trở thành sức hút tự nhiên với cộng đồng phụ huynh trẻ muốn khai phá những tiềm năng to lớn của con trẻ là không nhiều. Lần này quay trở lại nhà Nam, tôi bất ngờ vì gia đình có thêm nhiều thành viên mới. Những cô cậu bé họ hàng từ nhiều miền quê đến ở cùng để đi học. Môi trường học hỏi và tích lũy kiến thức ở nhà Nam thật tự nhiên và dễ lan truyền. Có cậu bé vì quá mê anh Nam, gia đình đã thuê nhà trọ để bé được ở gần Nam, thường xuyên sang học tập và trò chuyện với anh. Sự ham học của Nam có một sức lan tỏa thầm lặng nhưng mạnh mẽ. Phải chăng đó là một hiệu ứng mà các nhà giáo dục, nhà sư phạm luôn mơ ước và hướng tới?

 

 

Lắng nghe và cảm nhận

Nghỉ hè nhưng lịch của Nam vẫn khá kín. Những chuyến du lịch, trong đó có một số chuyến bố mẹ được đi ké Nhật Nam nhờ những giải thưởng của cậu bé trong năm. Tập thể thao những môn em yêu thích như trượt ván, bơi. Những giờ tự học tiếng Anh để nâng cao trình độ, vì Nam yêu thích tự thử thách bản thân. Những buổi tham gia từ thiện để giúp đỡ các bạn nhỏ thiệt thòi hơn mình. Và buổi tối, sau tất cả những bận rộn đó, Nam viết sách và thiết kế website về lịch sử Hà Nội theo dòng thời gian. Cậu bé cứ cặm cụi tự học tự làm như vậy. Những cuốn tự truyện đã lần lượt ra đời sau những buổi tối tranh thủ ấy. Khác với nhiều cô cậu cày cuốc bài tập về nhà sau giờ học, Nam hoàn thành bài tập ở lớp hoặc ngay sau giờ đi học về. Ăn cơm tối xong, em dành thời gian còn lại cho những sở thích riêng. Có lúc là những thì thầm không dứt với bố mẹ. Khi là nhiều giờ chơi các mô hình phương tiện giao thông với cậu em. Lúc đọc những cuốn sách về nhiều lĩnh vực em quan tâm, khoa học, địa lý, sinh vật học… Nhiều cuốn Nam cố gắng đọc bằng nguyên bản tiếng Anh để cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

 

 

Nhật Nam khôn lớn qua những lần gặp gỡ

Lần đầu tiên tôi đến nhà Nam cách đây khoảng 3, 4 năm. Khi đó, Nam đang học trường Tiểu học Dân lập Lê Quý Ðôn. Ở lớp, Nam không làm cán bộ lớp. Cậu bé chỉ là một học sinh ham học rất được cô giáo và bạn bè yêu quý. Ðược nhận xét là “ông cụ non” nhưng trong lớp học, Nam rất hòa đồng với các bạn. Nhìn Nam nói chuyện với bạn bè cùng lứa tuổi, thấy cậu bé vẫn nguyên vẹn cái ngô ngố đáng yêu của học sinh tiểu học. Ở cái tuổi mà nhiều bạn nhỏ còn phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, Nam đi học và về nhà theo xe của trường. Tan học, về đến nhà, Nam tự mở cửa và lên gác lấy bài tập ra làm. Nhiều hôm mẹ về hơi muộn, Nam đã làm xong bài tập và xuống tủ lạnh tự chuẩn bị bữa phụ với bánh và sữa. Phải chăng các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình có tính tự lập cao như vậy?

Không phải Nam không có lúc ngố và vụng về một cách đáng yêu. Nam từng tả mẹ em giống cây chuối trong những bài văn đầu đời. Cậu bé cũng có rất nhiều tâm sự và sẻ chia với bố mẹ trong những buổi tối thứ 7 được cả nhà đặt tên là “Tái tạo năng lượng, gắn kết yêu thương”. Lúc đó, đèn sẽ được tắt hết và tạm biệt các thiết bị di động hay quấy rầy. Cả nhà rủ rỉ với nhau những vui buồn, hờn giận, khó khăn trong tuần và cùng chia sẻ cách giải quyết. Bố mẹ Nam, mặc dù đều là những giảng viên rất bận rộn, nhưng cố gắng dành dụm thời gian buổi tối để sum vầy gia đình.

 

Nam đang ở lứa tuổi lớp 6, nhưng ở trường cấp 2, em được đặc cách học chương trình lớp 8. Học nhảy lớp là một khái niệm quen thuộc ở nước ngoài, nhưng có lẽ còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Dường như nhiều người vẫn chưa chấp nhận được sự thật rằng nhiều đứa trẻ có khả năng tư duy, trí nhớ và suy luận vượt trội so với lứa tuổi của mình. Tất nhiên, việc áp dụng học nhảy lớp như vậy không thể khiên cưỡng. Lắng nghe và trò chuyện với bố mẹ Nam, tôi cảm thấy cậu bé hoàn toàn ổn với môi trường học tập cùng các anh chị lớn tuổi hơn.

Và khả năng nói trước ống kính, trước đám đông của Nam có thể khiến nhiều người lớn phải ao ước. Phỏng vấn Nam không bao giờ cần trao đổi trước câu hỏi. Miễn là câu hỏi tốt và có trọng tâm, cháu sẽ nắm bắt ý chính và trả lời nhanh. Ở lứa tuổi 12, cách sử dụng văn phong tiếng Việt của Nam đã rất lưu loát, có nhiều cách sử dụng từ linh hoạt, tạo hình ảnh sống động và truyền cảm xúc. Vượt ra khỏi hình ảnh một cậu bé cụ non, mặt búng ra sữa mà lời nói lại già dặn, Nam đã trở thành một thiếu niên có khả năng làm chủ ngôn từ của mình.

 Nhật Nam với “Những con chữ biết hát”

Nhật Nam cùng bố mẹ ở Nhật Bản cho đến khi em được 5 tuổi. Ấu thơ trôi qua ở đất nước Mặt trời Mọc đã giúp Nam được hưởng nắng, gió, thiên nhiên, khí trời của một trong những đất nước sạch đẹp nhất thế giới. Tuổi còn rất nhỏ nên khi trở về Việt Nam, Nhật Nam không ghi nhớ được nhiều. Tuy nhiên, thật may là bố Nam lại có sở thích chụp ảnh. Và PGS.TS Xuân Thảo thường chộp mọi khoảnh khắc của Nam dẫu là cười, khóc, nhí nhố, đang nhăn nhó, hay trầm ngâm… Với kho ảnh ấy, mỗi lần muốn nhắc Nam nhớ lại những kỷ niệm, bố Nam lại lấy ảnh ra và gợi ý lại khung cảnh ngày đó. Cậu bé yêu thích các phương tiện giao thông này rất thích cảm giác được ngồi trên những con tàu của Nhật Bản, dí mũi nhìn ra khung cửa sổ bằng kính để ngắm phong cảnh lướt qua. Phần thưởng giản dị cho những cố gắng của cậu bé đôi khi chính là những chuyến tàu hai mẹ con đi không chủ đích, chỉ đơn giản là để ngắm phong cảnh, mở ra khả năng tưởng tượng cho Nam.

 

Chuỗi kỷ niệm về thời gian ấu thơ ở Nhật Bản đã nuôi lớn ý tưởng viết tự truyện “Những con chữ biết hát”. Theo chị Phan Thị Hồ Ðiệp, mẹ của Nhật Nam, những cuốn tự truyện của Nam ban đầu khá hỗn độn. Ðó là những trang ghi chép kéo dài không dứt mà cậu bé hì hụi tự viết ra vào những buổi tối. Nhưng cách làm đó cũng có ưu điểm, đó là dòng cảm xúc của cậu bé rất thật và chân thành trên những trang viết. Khi nhận được những bản thảo đầu tiên đó, bố mẹ sẽ giúp Nam định hướng về kết cấu, cách sắp xếp các chương mục cho mạch lạc. Còn lời văn và cách tư duy vẫn là của cậu con trai nhỏ. Các biên tập viên của Thái Hà Books cũng làm việc trên tinh thần tôn trọng tối đa văn phong hồn nhiên của con trẻ.

Với bộ sách dịch đầu tay “Cu Tí khám phá thế giới”, Nam được ghi nhận là dịch giả nhỏ tuổi nhất thế giới là một cuộc khám phá, dạo chơi, thử sức qua thế giới ngôn ngữ nước ngoài. Ðến lần dịch thứ hai, Nam đã được Thái Hà Books tin tưởng giao cho một cuốn sách khó dịch mang tên “Tôi tư duy, tôi thành đạt”.

Trong các cuốn tự truyện của mình, Nam xưng “tớ”, có lẽ vì đối tượng quan trọng nhất Nam hướng đến là độc giả cùng lứa tuổi. Ðó là những dòng tâm sự và chia sẻ giữa những đứa trẻ ham học với nhau. Nếu như cuốn tự truyện đầu tiên “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?” là chia sẻ về cách học tiếng Anh thì cuốn thứ hai “Những con chữ biết hát” lại là cách Nam và bố mẹ cùng học tiếng Việt. Nhiều bậc cha mẹ cho con tập trung học tiếng Anh mà thiếu bồi dưỡng vốn tiếng Việt sẽ khiến trẻ dễ bị lẫn lộn về ngôn ngữ. Nếu được giáo dục hài hòa cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ có cơ hội được phát triển tối đa. Ðó là lý do mà bố mẹ Nhật Nam, với chuyên ngành ngôn ngữ của mình, đã rất chú trọng bồi dưỡng sự trau chuốt tiếng Việt cho Nam.

 

Song song với cuộc dạo chơi trên cánh đồng chữ, cuốn tự truyện thứ hai của Nam còn là bài ca hân hoan của một cậu bé 12 tuổi về niềm hạnh phúc của tuổi thơ. Hạnh phúc được sống trong ngập tràn tình thương yêu của gia đình, thầy cô, bạn bè, hạnh phúc được khám phá thế giới cùng những khả năng của bản thân và trên hết là niềm hạnh phúc được học ở nhà và ở trường trong những năm đầu đời. Ðó dường như là kết quả của chiến lược dạy học lạc quan, là kết quả của mong muốn con trở thành con người thành công và hạnh phúc của các bậc cha mẹ.

Nam không đánh mất tuổi thơ như nhiều người từng lo ngại cho em, mà trái lại, em đã không để uổng phí tuổi thơ của mình – quãng thời gian đẹp nhất không quay lại lần thứ hai.

NHẬN XÉT VỀ CUỐN “NHỮNG CON CHỮ BIẾT HÁT”:

“Lát sau Nhật Nam về. Hóa ra cậu bé đi chơi thể thao. Người vẫn còn mồ hôi nhưng cậu bé lao vào tôi – đúng phong cách rất tình cảm của Nhật Nam. Tôi yêu Nam và yêu cả sự hồn nhiên của cháu lẫn mùi mồ hôi đang tỏa ra từ cậu bé thích thể thao. Câu chuyện cả nhà nói hôm nay là về tình yêu thương và giáo dục. Nhật Nam tham gia như một thành viên…

TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HÐQT Công ty sách Thái Hà

 

Ðọc “Những con chữ biết hát”, lòng tôi ngập tràn niềm vui vì đã được sờ thấy, chạm đến một hạnh phúc có thực, sờ thấy, chạm đến một cách làm giáo dục của gia đình và nhà trường đầy nhân ái, dân chủ, đề cao học vấn, đề cao sự tích cực, độc lập, tự do, sáng tạo của con người. Gấp quyển sách lại, tôi vẫn thấy ánh mắt lấp lánh niềm vui, khuôn mặt rạng ngời hân hoan vì được học của một cháu bé 12 tuổi.

GS. TS Lê Phương Nga


Diệu Ngân

Bình luận
vtcnews.vn