Ngày 30/10, UBND TP Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch 282 thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của người dân và tổ chức để đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm phát huy quyền làm chủ, vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thành phố. Thông qua việc khảo sát, đánh giá, các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân/tổ chức để có những giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công; nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân/tổ chức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức được sử dụng là một trong những nội dung để đánh giá xác định Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023 của các sở, ngành, UBND các quận, huyện.
Lần đánh giá này gồm 20 sở, ngành và 15 UBND quận, huyện thuộc UBND Thành phố.
Công dân ở độ tuổi đủ 18 trở lên và cá nhân, người đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (bao gồm cả các Hiệp hội doanh nghiệp) đến làm việc hoặc có thực hiện giao dịch thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã và đã nhận kết quả tính từ 01/01/2023 đến thời điểm khảo sát năm 2023 được lấy ý kiến đánh giá.
Cá nhân, người đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (bao gồm cả các Hiệp hội doanh nghiệp) đến làm việc hoặc có thực hiện giao dịch thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các Sở, ban, ngành và đã nhận kết quả tính từ 01/01/2023 đến thời điểm khảo sát năm 2023 cũng đều được lấy ý kiến.
Năm 2023, việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức tập trung vào việc lắng nghe, nhận định, đánh giá mức độ hài lòng, mức độ mong đợi của người dân với việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và đối với việc cung ứng dịch vụ công nói chung.
Việc khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước dự kiến sử dụng các phương pháp: Khảo sát qua thư điện tử (được gửi kèm theo thông báo kết quả giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ toàn trình);
Sử dụng điều tra viên điều tra trực tiếp đối với đối tượng điều tra (điều tra viên phỏng vấn, người trả lời tích phiếu điện tử trong phần mềm cài trên thiết bị diện tử của điều tra viên); Khảo sát trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố; Khảo sát trực tuyến qua ứng dụng Hải Phòng Smart (thử nghiệm).
UBND TP Hải Phòng yêu cầu việc triển khai phải đảm bảo đúng kế hoạch, phương pháp, công tác khảo sát, đo lường phải thực hiện chính xác, khoa học, khách quan, phù hợp, công khai và minh bạch.
Kết quả đảm bảo phản ánh sát thực tế về hoạt động cung cấp dịch vụ công của cơ quan, đơn vị, địa phương được khảo sát. Nội dung thông tin trên phiếu điều tra đảm bảo đơn giản, dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ đưa ra phương án trả lời.
Phương pháp điều tra, khảo sát, thu thập thông tin đa dạng, phù hợp thực tế của cơ quan, đơn vị, đối tượng khảo sát, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo việc đo lường kịp thời, chính xác và khách quan.
Bình luận