• Zalo

Đo đếm thời tiết trên đỉnh Sapa khắc nghiệt ra sao?

Thời sựThứ Hai, 26/10/2015 03:20:00 +07:00Google News

Yêu cầu tính chính xác của công việc dự báo thời tiết được đề cao tối đa, bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Trạm khí tượng Sa Pa nằm trên đỉnh núi cao ngút ngàn của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Thời tiết khắc nghiệt, quanh năm mây mù bao phủ… Nơi ấy có những con người thầm lặng "đếm gió, đo mưa", “bắt mạch ông trời” vì cuộc sống bình yên của bao người.

Trạm khí tượng Sa Pa có 5 cán bộ, trong đó có tới 4 cán bộ nữ. Ngoại trừ Trạm trưởng Lê Thị Liên đã gần 50 tuổi, với 28 năm trong nghề; còn lại hầu hết tuổi đời đều rất trẻ. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau và cùng bám trụ trên đỉnh non cao nơi cổng trời Tây Bắc.

Hầu hết họ bén duyên với nghề là để nối nghiệp cha mẹ, anh chị em trong gia đình và cả vì niềm đam mê với vườn khí tượng, với tủ nhiệt kế, con quay đo gió, quả cầu nhật quang trong suốt như pha-lê…
 
Công việc của các quan trắc viên khí tượng ở Trạm khí tượng Sa Pa là ghi chép những thông số lên giản đồ chuyên dụng, mã hóa số liệu để kịp truyền về Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Lào Cai, rồi từ đó chuyển về Đài khí tượng - thủy văn Việt Bắc, đóng tại TP Việt Trì (Phú Thọ), rồi chuyển tiếp về Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia (Hà Nội), tập hợp thành bản tin dự báo thời tiết để dự báo, cảnh báo tới mọi người.

Chị Lê Thị Liên tâm sự, công việc của người làm nghề khí tượng vừa buồn lại vừa khắc nghiệt, nhất là ở nơi “đèo heo hút gió” và khắc nghiệt như nơi này. Nhưng chúng tôi lại thấy yêu và vinh dự vì công việc của mình đang góp phần phục vụ lao động sản xuất và cuộc sống bình yên của đất nước mỗi ngày.

Công việc khí tượng không phải mất nhiều sức hay độc hại gì nhưng áp lực về thời gian rất ghê gớm, đến mức ám ảnh. Tay đeo đồng hồ mà lúc nào cũng giật mình thon thót, chỉ sợ chậm hoặc quên giờ “ốp”.

Chị Trần Tuyết Mai tâm sự: hiếm có ngành nào, mức kỷ luật đối với việc quên và muộn lại nghiêm khắc như nghề quan trắc khí tượng. Quy định về giờ đi “ốp” như một sự bắt buộc, tất cả các quan trắc viên phải tuân thủ một cách chính xác.

Máy móc đã mặc định các khung giờ, mọi người đi “ốp” và báo cáo số liệu không được nhanh hay chậm một phút. Trong quá trình "làm khí tượng", chỉ được phạm lỗi tối đa ba lần: lần đầu thì cảnh cáo, lần hai bị kỷ luật và lần ba là thuyên chuyển công tác.

Trạm trưởng Lê Thị Liên chia sẻ, tưởng chừng đơn giản nhưng công việc quan trắc khí tượng rất tỷ mỷ. Trước giờ quan trắc 30 phút, quan trắc viên phải kiểm tra máy nhật quang ký, thêm nước cho ẩm kế, chuẩn bị sổ sách và phương tiện thông tin, đồng thời nêu nhận định và dự kiến mã hóa một số hạng mục quan trắc bằng mắt thường.

Tiếp đó, trước giờ quan trắc 15 phút, quan trắc viên xem tuyết (nếu có) và quan trắc gió, sau đó quan trắc trạng thái mặt đất, nhiệt độ mặt đất, mây, gió, độ ẩm không khí, rồi đổi thùng đo mưa.

Đến đúng khung giờ quy định, nhân viên khí tượng bắt đầu đọc áp và tiến hành thảo mã điện để chuyển dữ liệu về trung tâm. Cuối cùng, các quan trắc viên khí tượng thay giản đồ, lên giây máy tự ghi. Cứ như vậy, một ngày, quan trắc viên phải “ốp” bốn lần để báo cáo số liệu, với các khung giờ là: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ.

Trạm trưởng Lê Thị Liên tâm niệm: “Mình luôn phải nhắc nhở bản thân rằng, nếu thông số chuyển về Trung tâm mà sai, có thể phải trả giá bằng hàng trăm sinh mạng con người cho nên không bao giờ dám lơ là. Làm việc phải cẩn trọng từng chi tiết để đưa ra số liệu chính xác nhất và thao tác nhanh nhất.

Mỗi khi những thông tin của mình chuyển về để phục vụ cho những bản tin thời tiết chính xác cho người dân, tránh được thiệt hại, là trong lòng cảm thấy rất hạnh phúc, vì việc làm của mình có ý nghĩa thiết thực. Yêu cầu tính chính xác của công việc dự báo thời tiết được đề cao tối đa, bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường”.

Nguồn:
TN&MT
Bình luận
vtcnews.vn