“Cháy hàng” vì ngon rẻ
Trên nhiều diễn đàn cũng như các trang mạng xã hội (facebook, shopee…) gần đây không khó để bắt gặp những mẩu quảng cáo kèm hình ảnh hấp dẫn về những loại đồ ăn vặt như: bánh ngọt, chân gà muối, sữa chua uống… với lời quảng cáo “hàng nội địa Trung Quốc”.
Chị Nguyễn Phương, chủ một shop bán lẻ (ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày, chị bán khoảng 20-25kg bánh ngọt “nội địa Trung Quốc” các loại, chưa kể những món ăn vặt khác như chân gà muối, hạt dẻ mật ong...
Theo chị Phương, cách đây vài năm, cứ nói đến hàng Trung Quốc là mọi người thường e ngại, sợ độc hại nên rất khó bán. Song, gần đây, bánh kẹo Trung Quốc được nhiều người ưa chuộng, nhất là các loại bánh phomai, bánh việt quất nhân chảy, bánh dứa mini, bánh chuối mềm mịn hay hạt dẻ mật ong thơm ngon bùi béo… nhiều thời điểm còn “cháy hàng”.
“Đây là hàng nội địa Trung Quốc, sản xuất để bán cho người Trung Quốc ăn, có tem mác, có thương hiệu và được kiểm định đàng hoàng. Cả nhà mình, thậm chí cả con mình cũng rất thích và thường xuyên ăn những loại này mà không vấn đề gì”, chị Phương cho hay.
Với sức hút lớn từ quảng cáo hấp dẫn, không ít người đổ xô đi mua đồ ăn vặt Trung Quốc vì tin vào lời người bán hàng “hàng nội địa sản xuất cho dân họ ăn nên đảm bảo tuyệt đối về chất lượng”. Có nhiều người mua ăn vì thấy ngon, hương vị khác lạ mà không cần quan tâm quá nhiều đến nguồn gốc.
Chị Ngọc Oanh, nhân viên văn phòng (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trước đây chị thường có tâm lý ngại hàng Trung Quốc, đặc biệt là đồ ăn uống, nhưng nghe giới thiệu là hàng nội địa nên chị đánh liều ăn thử rồi thành “nghiện”. Hiện tuần nào chị cũng mua về cho cả gia đình ăn.
“Bánh Trung Quốc giá khá rẻ, chỉ khoảng 5.000 đồng/cái, vị lại lạ miệng nên tôi thường mua cả thùng về để cả nhà ăn. Hồi đầu họ bán nguyên thùng 1 loại bánh nhưng giờ nhiều người mua nên có thể mua loại trộn lẫn 1 thùng cả chục vị, tha hồ chọn, vị nào cũng ngon”, chị Oanh bật mí.
Không chỉ bánh ngọt, khoảng 1 tháng trở lại đây, rất nhiều “tín đồ kem” tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc truyền tai nhau về loại kem được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc với khoảng 10 vị khác nhau. Đáng chú ý, loại kem này được rao bán với giá rất rẻ, chỉ khoảng 120.000 – 180.000 đồng/thùng 40 que tùy theo người bán (tương đương 3.000 – 4.500 đồng/que).
Theo quảng cáo của người bán, kem này là hàng nội địa Trung Quốc nên bao bì toàn tiếng Trung, hạn sử dụng được 5 tháng, một thùng kem có 40 que đủ 10 vị gồm vị ngô, socola, đậu xanh, dâu, vani…
“Mấy hôm nay trời nắng nóng nên kem “nội địa Trung Quốc” bán rất chạy, mỗi ngày tôi bán cả chục thùng. Có nhà mua thùng 40 que, ăn vài ngày đã hết, lại quay lại mua tiếp. Có nhiều người cùng công ty hoặc hàng xóm rủ nhau mua mấy thùng về chia ra ăn dần. Kem Trung Quốc nhiều vị mà giá rẻ nên năm nay bán chạy hơn cả kem trong nước mình sản xuất”, chị Lê Quyên, chủ cửa hàng bánh kẹo (ở Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Chất lượng nguồn gốc mập mờ
Mặc dù các sản phẩm “nội địa Trung Quốc” được “truyền tai” nhau về độ ngon rẻ, tuy nhiên chất lượng, nơi sản xuất cụ thể lại hoàn toàn chưa qua kiểm tra đánh giá. Trên bao bì sản phẩm, 100% đều bằng tiếng Trung, không có tiếng Anh hay dán tem phụ về thành phần, hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, dòng số in trên vỏ màu in nhòe nhoẹt, lộn xộn, không rõ là ngày sản xuất hay hạn dùng.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, thường hàng nội địa là hàng xách tay, không phải hàng nhập chính ngạch. Do đó, sẽ không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Bởi, trên bao bì nhãn mác chỉ có tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt.
“Họ quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc là đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, tin là hàng sản xuất cho người dân Trung Quốc ăn nên an toàn thì sẽ dễ bán được hàng vì người mua tin tưởng. Nhưng chất lượng của những “hàng nội địa Trung Quốc” đến nay vẫn chưa có cơ quan nào kiểm soát được”, ông Phú nói.
Giữa “ma trận” các loại thực phẩm trên thị trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang nóng trên tất các các diễn đàn, quan niệm của nhiều người cho rằng “của rẻ là của ôi” hay hàng đắt mới chất lượng, song điều này cũng hoàn toàn không đúng. Chất lượng sản phẩm không chỉ dựa trên giá thành, nước sản xuất mà do nguồn gốc, thành phần, quy trình chế biến và công nghệ sản xuất.
Với các sản phẩm “nội địa Trung Quốc” đang tràn lan trên thị trường hiện nay, rất cần các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá về chất lượng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần thận trọng, không nên mua hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng để tránh tiền mất tật mang./.
Video: Du khách Trung Quốc mặc áo in đường lưỡi bò, Bộ Ngoại giao nói gì?
>>> Đọc thêm: Bộ Công thương chính thức điều tra dấu hiệu phạm pháp thương vụ Grab mua lại Uber
Bình luận