- Là gương mặt thân quen trên ghế nóng các cuộc thi tài năng nhiều năm qua nhưng vì sao trong năm nay chị lại vắng bóng?
Tôi luôn tâm niệm một điều, khi làm bất cứ công việc gì thì đều phải nghiêm túc, tâm huyết với nó. Nếu không thể làm được hết sức, hết lòng, tôi thà nhường lại chiếc ghế nóng cao quý nhưng cũng đầy trọng trách này cho người khác, hơn là cứ cố gắng nhận, để lên truyền hình, để có độ phủ truyền thông cho mình, nhưng rồi chẳng làm được gì cho các bạn.
Gần đây, tôi vừa khai trương cơ sở thứ 2 của học viện âm nhạc Young Hit Young Beat (YHYB) - đứa con tinh thần mà tôi đã và đang ấp ủ. Tâm huyết, thời gian của tôi dường như đã dành hết cho YHYB mất rồi nên đành từ chối nhiều lời mời. Thời gian tới, nếu như có cơ hội, tôi sẵn lòng là người đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm và truyền lửa cho các bạn.
- Trọng trách của người cầm cân nảy mực có thực sự lớn như chị nói? Họ có thực sự có tác động nhiều đến con đường nghệ thuật của các thí sinh trong và sau cuộc thi?
Trọng trách là do chúng tôi, những người nhận lời làm người hướng dẫn, truyền lửa tự đặt lên mình. Có thể từ phía khán giả hay thí sinh, việc này không nặng nề đến như vậy, nhưng tôi thì luôn đặt cho mình yêu cầu rất cao trong từng công việc mình làm.
Trong công việc làm giám khảo, tôi tin rằng, không nhiều thì ít, tôi đã có được những tác động không nhỏ lên các thí sinh, ít nhất là trong các cuộc thi. Tôi tin không ít những lời cám ơn của những thí sinh trong phần phỏng vấn của cuộc thi dành cho những người làm giám khảo là thật.
Tuy nhiên, sự tác động của chúng tôi chỉ đến với thí sinh trong một chặng đường, còn tuỳ vào khả năng tiếp thu, thấu hiểu và tự nhận thức, hành động của các bạn nữa. Còn sau cuộc thi, tôi nghĩ thành công sẽ đến với những người có thực lực và sự cầu tiến. Họ còn cần cả yếu tố may mắn nữa.
Giám khảo dễ tính quá, tung hô quá sẽ khiến các thí sinh “chân không chạm đất”, điều này đặc biệt nguy hiểm.
Diva Mỹ Linh
- Trong các show truyền hình thực tế hiện nay, để tăng thêm kịch tính của chương trình, có 2 dạng lời nhận xét từ các giám khảo, huấn luyện viên (HLV): Cực khó tính và cực dễ tính. Chị tự nhận mình thuộc dạng nào?
Tôi chia show truyền hình thực tế ra làm hai loại, tuỳ theo tính giải trí và chuyên môn của mỗi cuộc. Với các cuộc thi giải trí, tôi sẽ dễ dãi hơn, còn trong các cuộc thi chuyên môn, tôi sẽ khắt khe hơn khi đưa ra lời nhận xét. Nhưng dù dễ dãi hay khắt khe, những lời tôi nói ra đều là thật lòng, chỉ khác nhau ở cách diễn đạt cho phù hợp với tính chất của từng chương trình.
Tôi nghĩ các giám khảo, HLV không nên quá khó tính, cũng không nên quá dễ tính. Khó tính quá dễ khiến thí sinh có ác cảm hoặc tự ti, không còn ý chí cố gắng hoặc nảy sinh tâm lý phản kháng. Giám khảo dễ tính quá, tung hô quá sẽ khiến các thí sinh “chân không chạm đất”, điều này đặc biệt nguy hiểm.
- Khán giả cho rằng, nhiều người ngồi ghế nóng thời gian vừa qua tung hô các thí sinh quá đà, hứa hẹn đưa họ nổi tiếng toàn thế giới, thành ngôi sao lớn...để lôi kéo thí sinh về đội của mình, nhưng không có nhiều người hứa mà giữ lấy lời. Chị thấy sao về lời tổng kết này?
Tôi nghĩ các giám khảo, HLV có thể đã cao hứng, bốc đồng quá thôi. Và những lời nói trong lúc bốc đồng thì không có giá trị lắm.
- Việc tung hô thí sinh có phải do một phần tác động từ phía nhà sản xuất, muốn xây dựng những câu chuyện “zero to hero” (vịt hoá thiên nga) để thu hút sự chú ý không, thưa chị?
Tôi có xem một bộ phim của Ấn Độ. Trong phim, một người đàn ông đã quyết định bán hết tất cả tài sản của mình để có thể hưởng cuộc sống thượng lưu trong vòng một đêm. Bi kịch là ngày mai thức giấc, ông phải đối diện với chính mình, với cuộc sống nghèo túng và khổ sở. Cảm giác lúc đó chắc hẳn bẽ bàng và ê chề lắm.
Nhưng ở đời, tôi nghĩ người khổ nhất là người không biết mình là ai, bị ngộ nhận và rơi vào hoàn cảnh khá trớ trêu. Tôi không nói rằng tất cả những người này đều sẽ thất bại. Với bàn đạp là danh hiệu sau một cuộc thi, cũng có những người thành công chứ, nhưng số này rất ít ỏi, nếu như không muốn nói là cực hiếm.
Chính vì thế, tôi luôn tâm niệm, làm gì thì làm, nói gì thì nói, nhưng luôn cần phải chân thành với các thí sinh, từ những lời nói nhỏ nhất. Bởi những người nghệ sĩ, họ cần có cái đầu lơ lửng trên mây để sáng tạo, thăng hoa cùng cảm xúc, nhưng "chân thì phải chạm đất", phải rất thực tế về khả năng của mình. Có như vậy, họ mới có thể tồn tại, nỗ lực để vươn đến thành công.
- Nhiều thí sinh được giám khảo, HLV hứa hẹn nhưng sau đó bị bỏ rơi, dẫn đến chuyện thầy trò trở mặt, tố cáo lẫn nhau ồn ào, chị nghĩ sao về điều này?
Thí sinh đừng dựa dẫm vào lời hứa hẹn nào của bất kỳ ai.
Diva Mỹ Linh
Việc này là việc không hay. Bởi không ai nên phó mặc cuộc đời mình cho một người khác và rồi đổ lỗi khi mọi thứ không theo ý họ. Tôi thấy đó là một sự thụ động đáng buồn của các thí sinh.
Các giám khảo, HLV cũng không phải bố mẹ. Họ chỉ có thể làm hết lòng, hết sức, tận tâm thôi, còn việc thành công hay không 90% là do thí sinh họ tự quyết định.
Vậy nên, họ không thể trách các giám khảo, HLV dựa trên 10% yếu tố quyết định sự thành bại của bản thân. Như vậy là vô lý. Ngay cả khi HLV có vô trách nhiệm, thì bạn vẫn phải là người chịu trách nhiệm, là người cầm trong tay quyền quyết định cuộc sống của mình, chứ không chỉ trong một cuộc thi hay công việc.
Tóm lại, dù có được hỗ trợ hay không, thí sinh vẫn phải nỗ lực hơn 100% khả năng để có được thành công, chứ đừng dựa dẫm vào lời hứa hẹn nào của bất kỳ ai.
- Là người từng làm giám khảo các cuộc thi tài năng nhiều độ tuổi và có trường đào tạo riêng, chị cũng là người có khả năng để biến những thí sinh thành sao hoặc đầu tư cho họ, nhưng vì sao chị chọn cách đưa ra những lời nói thẳng, thật, ít khi tung hô để kéo “gà” mạnh?
Tôi nghĩ việc biến một người thành ngôi sao là rất khó. Trở thành ngôi sao cần có nhiều yếu tố: Rất nhiều thực lực, rất nhiều tiền bạc và rất nhiều may mắn. Bạn có thể thành công dựa trên một trong ba yếu tố này, hoặc cả ba yếu tố.
Tôi có công ty và một đội ngũ tốt để có thể hỗ trợ các thí sinh làm ra các sản phẩm mà họ có thể tự hào ngẩng cao đầu, không cảm thấy hổ thẹn với ai, thế thôi, và tôi chỉ dám hứa đến như vậy thôi. Còn những lời hứa “thành sao”, “triệu người hâm mộ”, tôi không dám.
Hơn nữa, tôi nghĩ, công việc giám khảo, HLV không chỉ là ngồi trên “ghế nóng”, khen chê vài câu là xong, mà còn phải làm một người bạn, một người thày, một người kề vai, sát cánh bên các bạn thí sinh.
Thời gian chúng tôi ở bên nhau lại rất ngắn, chỉ có vài tháng thôi là hết một cuộc thi rồi. Trong khi đó, mỗi thí sinh cần được phân tích kỹ càng để phát triển ưu điểm và hạn chế nhược điểm. Khối lượng kiến thức và kinh nghiệm cần được truyền tải, thấu hiểu và thực hành thực sự là rất lớn. Vì thế, khi làm một HLV có tâm, ai cũng hao tổn nhiều tâm sức lắm.
- Cám ơn chị về những chia sẻ.
Video: Diva Mỹ Linh truyền lửa cho các thí sinh team Tóc Tiên tại "The Voice 2017"
Bình luận