Kỳ 2 (kỳ cuối): Vương quốc thuốc phiện
Thời điểm đó, Đồng Văn được coi là “vương quốc thuốc phiện”. Ngoài địa bàn chiến lược, thì nguồn lợi thuốc phiện béo bở cũng là lý do Đồng Văn biến thành mồi ngon cho các cuộc chiến tranh khốc liệt.
Nhưng khi đã trở thành Vua Mèo, thì Vương Chính Đức có toàn quyền quyết định với nguồn lợi thuốc phiện. Người Pháp đã phải chấp nhận mua thuốc phiện của Vua Mèo với giá rất cao, nếu không thuốc phiện sẽ bị bán cho người Hoa. Chính vì bán được giá cao, nên thời điểm đó người Mông ở Đồng Văn cực kỳ no ấm, và Vương Chính Đức thì trở nên giàu có vô kể, tiền vàng chất đống trong nhà, chôn kín lòng đất.
Dinh thự nhà Vương ở Sà Phìn được xây dựng vào thời kỳ hùng mạnh nhất của mình. Tương truyền, ông đã sử dụng hàng vạn đồng bạc cho công trình đó. Số tiền đó, quy đổi thời giá bây giờ, là khoảng 150 tỷ đồng.
Có nhiều giai thoại xung quanh việc xây dựng dinh thự này. Dân gian vùng Đồng Văn kể rằng, hồi còn là cậu bé, Vàng Dúng Lúng suốt ngày đi lang thang, ngày vào rừng săn thú, bẫy chuột kiếm miếng ăn, đêm ngủ trên cây tránh cọp dữ. Sáng sớm tỉnh dậy trên cành cây, thì thấy một đoàn lái buôn ngồi dưới gốc cây, trên tảng đá, có một người chỉ trỏ mảnh đất hình mu rùa dưới thung lũng Sà Phìn, mà rằng: “Thế đất hình mu rùa quá đẹp. Sau này, ai làm nhà, hoặc đặt mộ ở đó, thì đều xưng vương, đời đời no ấm”.
Điều người thương lái đó nói đã in vào đầu Vàng Dúng Lùng, cho nên, khi đã giàu có, ông chọn luôn mảnh đất vồng lên như mu rùa ở Sà Phìn để dựng nhà.
Tuy nhiên, theo lời ông Vương Chí Bảo, gọi Vua Mèo Vương Chính Đức là cụ, thì việc chọn đất xây nhà cầu kỳ hơn nhiều.
Vào năm 1890, Vương Chính Đức đã cho mời thầy địa lý người Hán tên là Trương Chiếu ngụ ở xã Phố Là, tìm địa điểm xây nhà.
Sau cả năm trời đi khắp Đồng Văn, ông Trương Chiếu đã chọn mảnh đất Sà Phìn. Theo lời nhà phong thủy này, thì giữa cánh đồng Sà Phìn nổi lên một quả đồi hình con rùa, xung quanh là những dãy núi cao bao bọc, nên xây nhà trên lưng con rùa thì sẽ giàu sang phú quý suốt đời.
Sau lưng con rùa có dãy núi hình ghế tựa, có đất để coi duỗi chân. Bên phải có núi cao chọc trời, bên trái núi to ngang trời, phía trước có hai quả núi chẳng khác gì văn võ đứng hầu. Phía sau hai quả núi “văn – võ” là dãy núi như rồng uốn lượn. Thầy địa lý cắm mảnh đất đó và xác định luôn hướng nhà.
Chọn đất và hướng nhà xong, Vương Chính Đức giao cho cụ Hoàng, người Kinh gốc Nam Định, là mưu sĩ của ông, cùng Cử Chúng Lù, nghiên cứu phác họa tòa nhà trên mảnh đất này.
Phác họa xong, Vương Chính Đức mời Tống Bách Giao là người Hán ở huyện Tây Thọ (Vân Nam, Trung Quốc) thiết kế và thi công. Toàn bộ các hạng mục của công trình rộng 3 ngàn mét vuông này đều được làm thủ công.
Phải đến 8 năm sau đó, tức là 1898, dinh thự mới khởi công xây dựng và năm 1903 mới khánh thành.
Vương Chính Đức sống ở dinh thự này 44 năm, sau đó giao lại cho con út là Vương Chí Sình.
Khu dinh thự nhà Vương này là kiểu nhà pháo đài phòng thủ, xung quanh được bao bọc bởi lớp tường đá dày gần 1m, cao 2m, có nhiều lỗ châu mai. Phía sau nhà có 2 lô cốt kiên cố. Nhà thiết kế theo kiểu nhà của người Hán, các lò sưởi trong phòng kiểu Pháp, các tảng đá kê chân cột có hình quả thuốc phiện. Rất nhiều hoa văn gỗ trong nhà cũng có hình hoa và quả thuốc phiện nhằm tôn vinh thứ mang lại giàu sang, thịnh vượng cho “vương quốc” này.
Là người cực kỳ thấu hiểu tộc người Mông, nên năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông Hoàng Việt Hưng, là cán bộ Việt Minh từ cao Bằng sang Sà Phìn gặp gỡ Vua Mèo Vương Chính Đức. Nhận thấy việc đi theo cách mạng là đúng đắn, nên Vua Mèo đã theo Bác Hồ chống lại quân Tưởng Giới Thạch và Thực dân Pháp.
Năm 1947, Vương Chính Đức qua đời, Bác Hồ đã cử nhiều nhân vật quan trọng từ chiến khu Việt Bắc lên tổ chức đám tang. Vua Mèo được chôn cất trong một công trình nghệ thuật bằng đá trên đỉnh núi La Gia Động cách thung lũng Sà Phìn 3km.
Sau khi Vương Chính Đức qua đời, thì con trai út là Vàng Seo Lử, tức Vương Chí Sình kế tục sự nghiệp.
Lử thông minh, ham học, quảng giao, nên từ nhỏ Vương Chính Đức đã lưu tâm và định hướng cho kế tục sự nghiệp. Ông Đức đã gửi cậu con út sang Vân Nam (Trung Quốc) học hành chữ nghĩa đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, Lử thích tư tưởng phương tây, nên kết giao khá rộng với người Pháp, học cả tiếng Pháp.
Có trình độ, giao du rộng, nên Vương Chí Sình quản lý toàn bộ hoạt động buôn bán của “vương quốc”. Ông ta áp tải hàng tấn thuốc phiện xuống Hà Nội, Hải Phòng bán, rồi chở các nhu yếu phẩm lên đồng văn cung cấp cho toàn cao nguyên đá. Chính vì thế, Vương Chí Sình nhanh chóng giàu có khủng khiếp.
Năm 1930, Vương Chí Sình cho xây dựng tại thị trấn Phó Bảng một tòa nhà kiến trúc theo kiểu lai giữa Pháp và Trung Quốc, thường gọi là “Tòa Nhà Trắng”. Tòa nhà này to ngang với dinh thự tại Sà Phìn. Tại tòa nhà này, Vương Chí Sình điều hành hoạt động buôn bán với Côn Minh (Trung Quốc). Sau này, ông cùng cả 3 bà vợ sống ở đây. Tiếc là, năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Năm 1935, để mở rộng việc buôn bán, Vương Chí Sình đã mua ngôi nhà số 55 Hàng Đường, Hà Nội, để làm nơi trung chuyển giữa Hà Giang và Hải Phòng. Đây cũng là nơi ở của ông khi trở thành Đại biểu Quốc hội.
Năm 1945, Bác Hồ có thư mời Vương Chính Đức về Hà Nội, nhưng tuổi cao sức yếu, không đi lại được, nên ông Đức cử con trai là Vương Chí Sình đi thay.
Gặp Bác ở Hà Nội, Vương Chí Sình rất ngưỡng mộ Bác Hồ với con đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Ông nhận kết nghĩa anh em với Bác Hồ và được bác đặt cho tên mới là Vương Chí Thành. Tại buổi gặp gỡ, Vương Chí Thành hứa sẽ bảo vệ mảnh đất Đồng Văn, lãnh đạo người Mông theo Việt Minh và khi nào đánh Tây, đuổi Nhật xong, sẽ trả lại mảnh đất Đồng Văn cho Bác.
Sau buổi gặp Bác Hồ, Vương Chí Sình trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và được giao trọng trách Chủ tịch huyện Đồng Văn.
Năm 1946, khi Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngân khố Chính phủ gần như cạn kiệt. Ông Vương Duy Bảo, cháu Vua Mèo Vương Chí Sình nhớ lại: “Có bao nhiêu gia sản ông hiến hết cho Nhà nước. Gia tộc nhà tôi đào lên không biết bao nhiêu là chum lớn dưới nền nhà, trong vườn, chứa toàn bạc trắng và tiền Quốc dân Đảng. Các cụ cuộn tiền thành bó để trong chum. Lúc đó tiền này không còn giá trị, nên đem đốt. Còn bạc đổ ra sân, cả nhóm cán bộ ngân hàng kiểm kê suốt một ngày mới xong. Mọi người phải dùng xẻng xúc bạc già đóng vào bao, rồi một đoàn xe tải của ngân hàng chở về Hà Nội. Sau này tôi mới biết tổng số tiền ông Vương Chí Sình hiến cho nhà nước là 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 7kg vàng”.
Cũng trong năm 1946, để khẳng định tình cảm và lòng tin của Bác với Vương Chí Sình, Bác đã cử ông Bùi Công Trừng mang 2 kỷ vật lên Sà Phìn tặng ông, gồm tấm áo trấn thủ của Hội phụ nữ tỉnh Hải Dương tặng Bác và một thanh đao do xưởng Quân giới Việt Bắc rèn. Chính tay Bác Hồ viết 8 chữ Hán lên vỏ đao: Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ. 8 chữ này cùng với biểu tượng thanh đao giờ hiện diện trên bia mộ Vua Mèo Vương Chí Sình dưới rặng sa mộc ngay trước dinh thự.
Suốt từ năm 1947 đến 1954, là thời điểm chiến sự vô cùng khốc liệt ở Đồng Văn. Thực dân Pháp, Tưởng Giới Thạch tranh nhau lôi kéo các dân tộc theo chúng để chống lại cách mạng. Nhưng cuối cùng, Vương Chí Sình vẫn quyết tâm theo Bác Hồ, giữ đúng lời hứa: Giữ mảnh đất Đồng Văn cho cách mạng.
Video: Không có chuyện hiến tặng dinh thự nhà Vương cho Nhà nước
Bình luận