• Zalo

Định kỳ hàng tháng cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí

Đời sốngThứ Tư, 25/05/2016 04:00:00 +07:00Google News

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí.

Hội nghị là dịp để đại diện các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo Nhân quyền và các chuyên gia gặp gỡ, trao đổi với báo chí để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục về nhân quyền, tuyên truyền về thành tựu đảm bảo quyền con người và phản bác các luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Đây là buổi gặp đầu tiên giữa các thành viên Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ với nhà báo chuyên viết về quyền con người, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trực tiếp khởi động cơ chế cung cấp thông tin về nhân quyền cho báo chí.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị ngày 25/5. Ảnh: ĐT
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị ngày 25/5. Ảnh: ĐT 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, những năm qua, Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền. Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực thi quyền con người đã được ban hành. Việc đảm bảo, phát huy quyền con người ở Việt Nam có nhiều bước tiến đáng khích lệ. Hệ thống pháp luật đảm bảo thực thi quyền con người ngày một hoàn thiện.

Đời sống nhân dân ổn định, an sinh xã hội đảm bảo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng cao trên các diễn đàn quốc tế về quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận... Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ làm công tác tuyên truyền về nhân quyền.


Tuy vậy, công tác tuyên truyền về quyền con người trên báo chí thời gian qua vẫn bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, việc phối hợp tuyên truyền trong nhiều vụ việc còn thiếu chặt chẽ, chưa nhịp nhàng, việc cung cấp thông tin cho báo chí tuyên truyền về nhân quyền chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, thông tin tuyên truyền, đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên báo chí còn lúng túng, bị động và sức thuyết phục chưa cao. Thông tin đối ngoại trên báo chí còn thiếu chọn lọc, còn dùng sai khái niệm, thuật ngữ, đặc biệt một số báo điện tử chưa quản lý chặt chẽ các bình luận (comment),...


Một hạn chế nữa cũng được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhắc đến, đó là nguồn lực đầu tư cho báo chí viết về nhân quyền còn ít, dàn trải với lực lượng phóng viên còn mỏng…Những tồn tại này dẫn đến tuyên truyền về quyền con người thời gian qua ở Việt Nam chưa tương xứng với những thành tựu đạt được.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Thông tin đối ngoại làm cầu nối phối hợp tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về nhân quyền hàng tháng và sớm tổ chức các Hội nghị tập huấn cho phóng viên, qua đó tạo sự kết nối giữa cơ quan chức năng với các nhà báo, phóng viên chuyên viết về nhân quyền, cung cấp thông tin về quyền con người cho báo chí.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mong các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí tích cực trao đổi ý kiến, đề xuất kiến nghị các bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin định hướng tuyên truyền trong lĩnh vực nhân quyền. Qua các hội nghị định kỳ, thúc đẩy kết nối các mạng lưới hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, phương thức tác nghiệp, xử lý vấn đề, tiếp cận thông tin để đẩy lùi, phản bác, vô hiệu hóa thông tin sai trái của các thế lực thù địch.

Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ đã thông tin về Kế hoạch công tác nhân quyền năm 2016 và ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao báo cáo chuyên đề “Công tác nhân quyền trong hoạt động đối ngoại và yêu cầu thông tin tuyên truyền trong tình hình mới”.

Trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu kiến nghị, cần nâng tầm hoạt động chỉ đạo thông tin tuyên truyền về nhân quyền; có cơ chế, bộ máy thống nhất trong việc cung cấp thông tin về nhân quyền cho các cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo thực thi quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm đến người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Nguồn: dangcongsan.vn
Bình luận
vtcnews.vn