• Zalo

Định kiến sắc tộc giết chết nỗ lực hạnh phúc của người Mỹ gốc Á

Tư liệuThứ Sáu, 26/03/2021 07:51:17 +07:00Google News
(VTC News) -

Người châu Á nhập cư vào Mỹ vì hy vọng về cuộc sống tốt hơn, nhưng bất kể họ cố gắng thế nào, đạt được thành tựu ra sao, cũng không thoát khỏi định kiến.

"Khi xuất ngoại, chúng tôi không ngại khó khăn, bởi chúng tôi còn phải nuôi dạy con cái, chúng tôi muốn làm rạng danh tổ tiên của mình", ông Sue-ling Wang, một người Mỹ gốc Á 68 tuổi, giám đốc điều hành công ty Gold Hotlanta, nói.

Gold Hotlanta là một trong những công ty điều hành Gold Spa ở Atlanta, nơi xảy ra vụ xả súng đẫm máu làm làm 8 người chết, bao gồm 6 phụ nữ gốc Á.

Định kiến sắc tộc giết chết nỗ lực hạnh phúc của người Mỹ gốc Á - 1

Gold Spa ở Atlanta, nơi xảy ra vụ xả súng đẫm máu làm làm 8 người chết, bao gồm 6 phụ nữ gốc Á. (Ảnh: The New York Times)

Ông Wang xuất thân là con trai của một nông dân ở Đài Loan, ông đến Mỹ du học nhờ học bổng và lấy được bằng tiến sĩ. Ba mươi năm trước, ông Wang bắt đầu xây dựng công ty riêng của mình ở Atlanta.

Sau khi gặt hái được thành công và danh tiếng, ông thường xuất hiện tại nhiều sự kiện cộng đồng, quyên góp cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa và tham gia vào một câu lạc bộ độc quyền ở phía Đông Bắc Atlanta. Tại đây, ông sở hữu hai căn nhà sang trọng trị giá khoảng 1 triệu đô la mỗi căn.

Tại Gold Spa, nơi liên kiết với công ty của ông Wang, có nhiều nhân viên là người gốc Á. Dù không có điều kiện tốt nhưng cũng giống như ông, họ làm việc hết mình mà không ngại khó khăn để gia đình có được cuộc sống tốt hơn. Nhưng vụ xả súng tại ba tiệm spa ở Atlanta tuần trước đã tước đi quyền được sống của những con người đó.

Định kiến sắc tộc giết chết nỗ lực hạnh phúc của người Mỹ gốc Á - 2

8 người chết và một người bị thương trong vụ xả súng ở Atlanta. (Ảnh: The New York Times)

Giấc mơ Mỹ

Câu chuyện về các nạn nhân ở Gold Spa phản ánh cuộc sống của phần lớn người gốc Á ở mọi tầng lớp tại Mỹ. Những người nhập cư thế hệ đầu tiên đã chuyển tới sống tại một nơi xa lạ, rào cản về ngôn ngữ và việc không được giáo dục tại Mỹ thường khiến họ phải làm những công việc lương thấp. Dù vậy, họ vẫn phấn đấu để con cái có cuộc sống tốt hơn. 

Bà Suncha Kim, 69 tuổi, rời Hàn Quốc đến Mỹ vào năm 1980. Tại đất nước bà còn không hề thông thạo ngôn ngữ, bà đã làm đủ loại công việc, từ rửa bát đĩa cho tới dọn vệ sinh. Dù vậy, bà không hề phàn nàn vì tin rằng những việc mình làm sẽ giúp con cái có cuộc sống tốt hơn tại Mỹ.

Bà Kim làm việc tại Gold Spa cùng bà Park Soon-chung, 74 tuổi, bà quán xuyến mọi việc tại spa và nấu ăn cho đồng nghiệp. Bà Park, một góa phụ có 5 người con, từng sống bằng nghề buôn bán trang sức tại New Jersey và New York trước khi chuyển đến Georgia một thập kỷ trước. Ông Lee Gwangho, chồng sau của bà Park, cho biết bà bắt đầu làm việc tại Gold Spa từ năm 2018.

Ông Lee nói rằng vợ chồng ông đã kiếm được khoảng 30,000 USD vào năm ngoái. Bà Park mong muốn được nghỉ hưu sớm và chuyển đến New Jersey để ở gần gia đình sau khi hợp đồng thuê nhà của bà hết hạn.

Bà Yong Ae-yue, 63 tuổi, rời Hàn Quốc vào năm 1979 và cưới ông Mac Peterson, một cựu quân nhân Mỹ. Hai người định cư ở Fort Benning, bà Yue làm nhân viên thu ngân tại một cửa hàng tạp hóa trong khi nuôi hai con trai, một trong số hai người theo học tại trường cao đẳng Morehouse. 

"Mẹ giảng về giáo dục, mẹ giảng về sự chăm chỉ, về cơ hội", ông Elliott Peterson, người con trai 42 tuổi của bà Yue, nói. 

Sau ly dị chồng vào đầu những năm 1980, bà Yue làm thêm nhiều việc, có lúc bà phải làm cả tuần, một trong những người bạn thân của bà kể lại. Sau hai thập kỷ, bà mua được một ngôi nhà với giá 138.000 USD ở ngoại ô Atlanta. Bà cũng rất biết ơn vì vẫn có việc làm trong đại dịch.

Định kiến sắc tộc giết chết nỗ lực hạnh phúc của người Mỹ gốc Á - 3

6 nạn nhân trong vụ xả súng ở Atlanta. (Ảnh: The New York Times)

Cả ba spa trong vụ xả súng tuần trước vẫn bị nhắm vào dù không phải cơ sở kinh doanh lớn.

Một nạn nhân khác trong vụ xả súng là Hyun Jung Grant, 51 tuổi. Bà là một người mẹ đơn thân phải làm việc cật lực để trả học phí đại học cho con cái. Dù vậy, bà vẫn lo cho các con cuộc sống đầy đủ.

Anh Randy Park, con trai 22 tuổi của bà Grant, kể rằng mẹ mình thường qua đêm tại nơi làm việc và ngủ vì kiệt sức khi về đến nhà. Anh hiểu và không bao giờ trách vì mẹ thường xuyên vắng mặt.

Bà Grant kể với các con rằng mình từng làm giáo viên ở Hàn Quốc trước khi đến Washington làm phục vụ bàn. Bà và các con chuyển đến Atlanta hơn một thập kỷ trước. Gần đây, gia đình họ đã chuyển từ một căn hộ sang thuê nhà trên phố, gần hơn một bước tới cuộc sống mà bà Grant mong muốn.

Anh Park nói rằng mẹ anh hy vọng có thể công việc trong tương lai: "Bà chẳng bao giờ có thời gian để theo đuổi những đam mê của mình hoặc tìm kiếm những việc mà bà muốn làm".

Bà Xiaojie Tan là chủ sở hữu của Young's Asian Massage, nơi cũng là mục tiêu của vụ xả súng Atlanta. Bà Tan là con gái của một thợ sửa xe đạp, bà rời Trung Quốc tới Mỹ để lập nghiệp. Sau nhiều nỗ lực, bà mở được hai spa, trong đó có Young's Asian Massage. Ở tuổi 49, bà Tan vẫn làm việc 12 giờ mỗi ngày, con gái của bà kể lại.

Bà Daoyou Feng, 44 tuổi, là nhân viên của bà Tan tại Young's Asian Massage. Bà Feng mới làm việc một thời gian ngắn và chưa có địa chỉ tại Mỹ. Bà là nạn nhân duy nhất không có người nhà lên tiếng, cuộc sống của bà hiện còn nhiều điều chưa rõ.

Cả bà Tan và bà Feng đều thiệt mạng khi kẻ xả súng tới Young's Asian Massage.

Delaina Ashley Yaun, 33 tuổi, là nhân viên tại chuỗi nhà hàng Waffle House, cô thường ủng hộ trứng và bột cho người vô gia cư. Yaun đến spa ở Atlanta lần đầu tiên cùng chồng vào ngày cô bị giết. Một nạn nhân khác là ông Paul Andre Michels, 54 tuổi, người giúp việc ở Young's Asian Massage.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đang "hỗ trợ cho các gia đình của người quá cố". 

Họ chỉ đang cố gắng làm những gì tốt cho gia đình mình và tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp”, một chủ doanh nghiệp có quen biết với một số nạn nhân cho biết.

Định kiến sắc tộc giết chết nỗ lực hạnh phúc của người Mỹ gốc Á - 4

Câu chuyện về các nạn nhân ở Gold Spa phản ánh cuộc sống của phần lớn người gốc Á tại Mỹ. (Ảnh: The New York Times)

Môi trường làm việc không an toàn 

Robert Aaron Long, 21 tuổi, thủ phạm gây ra vụ xả súng tại ba spa nơi các nạn nhân làm việc, đã tự mô tả mình là một người nghiện tình dục và tuyên bố hành động của hắn là để loại bỏ cám dỗ. Aaron Long nói với các nhà điều tra rằng trước đây tên này từng đến trị liệu tại các spa hắn xả súng.

Bạn cùng phòng Long cho biết tay súng kể rằng hắn thường xuyên đến các spa để quan hệ tình dục, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Long đã quan hệ tại ở một trong những spa bị hắn tấn công. Những năm gần đây, chính quyền ở Atlanta và các vùng lân cận đã xử lý nhiều vụ án liên quan đến mại dâm nhằm vào nhân viên tại các doanh nghiệp dịch vụ massage. 

Trước đây Gold Spa cũng là nơi xảy ra nhiều vụ tấn công đáng ngờ. Năm 2012, một nhân viên bảo vệ tại spa bị bắn chết trong khi vòng ra sau tòa nhà để kiểm tra một người khả nghi.

Chính quyền thờ ơ

Hồ sơ cảnh sát Atlanta cho thấy có 11 vụ bắt giữ mại dâm ở Gold Spa từ năm 2011 đến năm 2013. Một số người bị bắt đã cung cấp địa chỉ nhà là Gold Spa. Đội cảnh sát tiến hành các cuộc đột kích vào spa này đã bị giải tán vào năm 2015, theo sở cảnh sát Atlanta.

Sở Y tế Công cộng Georgia cho biết họ không can thiệp vào việc liên quan đến các tiệm spa này vì đây là công việc của cơ quan chính phủ tại bang Georgia. Tuy nhiên, văn phòng bang cho biết đây không phải chức trách của mình vì họ chỉ cấp phép cho các cá nhân thực hiện trị liệu mát xa, chứ không phải các doanh nghiệp. 

Trần Trang(Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp