• Zalo

Định để giá điện 'cõng' cả chi phí hiếu hỷ: Lãnh đạo EVN lên tiếng

Kinh tếThứ Tư, 18/05/2016 01:55:00 +07:00Google News

Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN, EVN đã đề nghị Bộ Tài chính bỏ quy định tiền hiếu hỷ, ma chay vào chi phí sản xuất của đơn vị.

(VTC News) - Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN, EVN đã đề nghị Bộ Tài chính bỏ quy định tiền hiếu hỷ, ma chay vào chi phí sản xuất của đơn vị.

Ngay sau khi Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được công bố, trong đó đưa chi phí phúc lợi như chi đám hiếu, hỷ, chi nghỉ mát, khen thưởng cho con em lao động... vào chi phí sản xuất kinh doanh, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cho rằng, việc làm này là không hợp lý.
EVN muốn bỏ tiền hiếu hỷ khỏi chi phí sản xuất
EVN muốn bỏ tiền hiếu hỷ khỏi chi phí sản xuất 
Theo Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến: "Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác.


Trước nội dung của dự thảo này, lãnh đạo của EVN đã lên tiếng cho rằng, về chính sách hiếu hỷ, xưa nay EVN vẫn thực hiện theo Thông tư 96/2015 của Bộ Tài chính. Theo nội dung của thông tư này, chi hiếu hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị…) là các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, văn bản không đề cập đến việc doanh nghiệp được hạch toán các khoản này vào chi phí sản xuất kinh doanh.

 
Tôi đã nói với lãnh đạo Bộ là bỏ cái đó đi. Đã là quy định chung cho cả nước rồi việc gì phải đưa vào quy chế tài chính của đơn vị
Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN
 
Theo ông Tri, tổ soạn thảo dự thảo Nghị định đã lấy nội dung trên từ Thông tư 96 của Bộ Tài chính để đưa vào Dự thảo Nghị định.


"Tôi đã nói với lãnh đạo Bộ là bỏ cái đó đi. Đã là quy định chung cho cả nước rồi việc gì phải đưa vào quy chế tài chính của đơn vị", ông Tri cho hay

Theo lãnh đạo của EVN, chế độ chi hiếu hỷ của cơ quan chỉ từ 1 - 2 triệu đồng/người trong trường hợp bố/me/vợ/chồng của nhân viên EVN. Việc chi tiền này là tùy tâm của từng đơn vị.

"Tôi toàn bỏ tiền túi ra để lo việc hiếu hỷ cho anh, em cơ quan, còn chế độ cơ quan thì chỉ chi trong một số trường hợp thôi", ông Tri cho biết thêm.

Liên quan đến các khoản chi này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chi này là không hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu tất cả các khoản phí đó được tính vào giá điện, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.

Các khoản chi phí này không phải là chi phí sản xuất điện, vì vậy không thể tính vào phần chi phí sản xuất được. Như thế việc hiếu hỷ của nhân viên EVN, khách hàng dùng điện sẽ phải gánh chịu. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nào cũng tính như vậy thì giá thành sẽ được đẩy lên rất cao.  

Ngoài ra, theo ông Doanh, quỹ khen thưởng lấy từ quỹ đầu tư phát triển là không được. Bởi lẽ việc khen thưởng không liên quan gì đến đầu tư phát triển.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, đưa chi phí ma chay, hiếu hỷ vào chi phí sản xuất thì tính toán giá thành rất khó. Ở mỗi đơn vị thường có rất nhiều quỹ khác nhau, tuy nhiên quỹ phúc lợi thường do lãnh đạo cơ quan quản và họ lấy tiền từ đó để trang trải các khoản phúc lợi cho người lao động chứ ít khi tính tiền đó vào chi phí kinh doanh.

Ngọc Vy




Bình luận
vtcnews.vn