• Zalo

Đình chỉ dự án nghỉ dưỡng cao cấp xâm hại rừng phòng hộ

Bất động sảnChủ Nhật, 15/03/2020 13:48:11 +07:00Google News

Chủ đầu tư bị phát hiện đã cho chặt hạ, san ủi, tác động trái phép gần 3.000m2 rừng phòng hộ tại dự án thuộc Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt).

Đình chỉ dự án nghỉ dưỡng cao cấp xâm hại rừng phòng hộ - 1

Khu vực xảy ra sai phạm của doanh nghiệp Hồng Đức.

Ngày 15/3, cơ quan chức năng cho biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đình chỉ thi công dự án Khu điều dưỡng, nghỉ dưỡng và an dưỡng của Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức (doanh nghiệp Hồng Đức) tại Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, đồng thời cũng là di tích quốc gia hồ Tuyền Lâm.

UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải nghiêm túc chấp hành việc đình chỉ thi công, khẩn trương tháo dỡ các công trình, hạng mục công trình đã đầu tư, xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng tại dự án trên; đồng thời phải thực hiện bồi thường giá trị tài nguyên rừng đối với số lâm sản đã chặt hạ trái phép.

Đình chỉ dự án nghỉ dưỡng cao cấp xâm hại rừng phòng hộ - 2

Nơi có diện tích rừng phòng hộ bị xâm hại.

Trước đó, UBND TP. Đà Lạt cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 40 triệu đồng đối với doanh nghiệp Hồng Đức vì đã thi công xây dựng 17/18 công trình sai nội dung giấy phép và bản vẽ thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong khuôn khổ dự án.  

Đình chỉ dự án nghỉ dưỡng cao cấp xâm hại rừng phòng hộ - 3

Các công trình thuộc dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Ngoài việc xử phạt hành chính, UBND TP. Đà Lạt còn yêu cầu doanh nghiệp Hồng Đức ngừng thi công công trình, trong thời hạn 60 ngày (kể từ ngày bị lập biên bản vi phạm hành chính) phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế theo quy định. Trường hợp cơ quan chức năng từ chối hoặc cấp phép, doanh nghiệp phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm không phù hợp theo giấy phép xây dựng và thiết kế được duyệt.

Tháng 12 năm ngoái, lực lượng kiểm lâm phát hiện trong quá trình thi công mặt bằng xây dựng dự án này, doanh nghiệp Hồng Đức đã cho san ủi làm biến dạng địa hình, chặt phá cây rừng trên diện tích hơn 4.200m2 rừng phòng hộ, trạng thái rừng thông hỗn giao với cây tạp lá rộng thường xanh. Trong khi đó, diện tích mà công ty được cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng 5 biệt thự chỉ có 1.300m2.

Cụ thể, chủ đầu tư đã sử dụng máy múc để ủi, phá toàn bộ số cây tạp dưới tán rừng thông; gốc, thân và cành cây bị vùi lấp hoặc gom thành đống. Số cây bị triệt hạ có đường kính gốc từ 6 - 18cm, dài từ 5 - 12m. Căn cứ hiện trạng rừng liền kề, cây tạp hỗn giao với rừng thông bị san ủi có mật độ khoảng 1.700 cây/ha.

Hiện vụ việc vẫn đang được Hạt Kiểm lâm Đà Lạt phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn