• Zalo

Đình chỉ cô giáo làm bé gái 5 tuổi thâm tím hai tay

Giáo dụcThứ Bảy, 26/11/2011 12:03:00 +07:00Google News

Cô Hồ Thị Nhật Bình (giáo viên hợp đồng trường mầm non Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) vừa bị nhà trường tạm đình chỉ công tác để viết bản tường trình

Cô Hồ Thị Nhật Bình (giáo viên hợp đồng trường mầm non Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) vừa bị nhà trường tạm đình chỉ công tác để viết bản tường trình, bản kiểm điểm về hành vi đã gây ra những vết thâm tím ở hai cánh tay của cháu Trần Thị Kim Ngân.

Thông tin trên được cô Hồ Nguyễn Diệu Thy, phó hiệu trưởng Trường mầm non Phú An (xã Phú An, huyện Phú Vang) cho biết vào ngày 25/11. Trong bản tường trình của mình, cô Bình đã viết mình đã sai vì giữ tay cháu Ngân quá chặt dẫn đến việc cháu bị thâm tím hai cánh tay.

Dù PV đã đặt lịch làm việc với cô Huỳnh Thị Bích Thuận, hiệu trưởng Trường mầm non Phú An, và cô Hồ Thị Nhật Bình vào hơn 9h sáng ngày 25/11 và đã được sự đồng ý của cô Thuận. Tuy nhiên, khi chúng tôi về trường vào gần 9h30 thì không thấy cả hai cô giáo này. Điện thoại gần một chục cuộc điện thoại vào máy cô Thuận thì cô này không bắt máy. Phải đến khi PV đổi số điện thoại và điện thoại lại thì cô Thuận mới nối máy và nói ...bận. Sau đó, cô Thuận đã chỉ đạo cho cô Thy - phó hiệu trưởng đến tiếp xúc với PV.

Trường đã không quản lý học sinh theo đúng quy định


Theo lời cô Thy, cô Hồ Thị Nhật Bình (SN 1987) là giáo viên (GV) dạy lớp mẫu giáo nhỡ. Trong ngày 22/11, vì cô giáo lớp cháu Ngân (lớp lớn) bận đi dự giờ nên cô Bình dạy thay. Trong buổi sáng hôm đó, bố cháu Ngân chở cháu tới trường nhưng cháu khóc nhiều nên chở về. Sau đó, mẹ tiếp tục chở Ngân đến lớp nhưng cháu cũng khóc dữ.

Cô Bình lúc đó nói: “Chị để cháu lại đi cho chúng tôi lo”. Yên tâm, mẹ cháu Ngân ra về. Ngay sau đó, cháu Ngân vùng vẫy, cô Bình giữ chặt cháu lại. Ngân bèn gào thét, chửi và cào, cắn cô Bình. Tức mình, cô Bình giữ chặt hai cánh tay cháu và kéo vào sạp ngủ. Cô Bình đã giang hai tay cháu Ngân đè vào sạp ngủ và giữ cháu trong tư thế đứng rồi nhắc nhở cháu không được hỗn. Cùng lúc đó, cô Thòa - nhân viên nấu ăn thấy Ngân (Ngân là cháu họ hàng xa của cô Thỏa - PV) có hành động không được với cô Bình bèn đến tát tai một cái vào mặt.

Ngân sau đó đã vùng chạy về nhà trên quãng đường gần 1km. Hai bên đường là vùng sông nước rất nguy hiểm nhưng cô Bình không chạy theo dẫn cháu. Ở đây có một mâu thuẫn trong lời khai giữa hai bên là: Bình đã bị vấp ngã trên đường chạy từ trường về nhà (lời mẹ Ngân) và: Bình bị vấp ngã trong ngày hôm sau - tại nhà (lời cô giáo trường Phú An khi hỏi mẹ Ngân).

Cô Hồ Nguyễn Diệu Thy - phó hiệu trưởng Trường mầm non Phú An trao đổi với PV. 


Khi được đặt câu hỏi: “Tại sao nguyên tắc quản lý học sinh (HS) mầm non là không được để HS ra về tự do trong giờ học; nếu ra về phải có người của trường đi kèm. Đằng này cháu Ngân vùng chạy về nhà mà không có bất cứ 1 GV nào theo?”, cô Thy trả lời: “Cô Bình đã sai. Đáng lẽ ra cô phải có biện pháp giữ cháu lại hay đi theo cháu. Chúng tôi sẽ kiểm điểm thêm cô Bình vì chuyện này”.

PV đặt câu hỏi tiếp: “Thế những vết thương mà cháu Ngân đã có sau khi từ trường về nhà thì nhà trường phải chịu những trách nhiệm như thế nào?”, cô Thy trả lời: “Nhà trường luôn nhắc nhở GV là khi đưa - đón cháu phải kiểm tra sức khỏe các cháu. Vết bầm tím ở hai cánh tay cháu Ngân thì cô Bình không hề hay biết vì buổi sáng xảy ra giằng co, Ngân mặc áo tay dài. Chỉ sau đó, thấy Ngân nghỉ học, cô Bình về nhà thăm mới thấy có bầm tím ở hai tay.

Điều này, theo cô Bình phỏng đoán là do cô đã giữ tay cháu Ngân quá chặt. Vì da tay cháu mới chỉ 5 tuổi, còn non nên đã bị bầm tím. Dù gì đi nữa, nhà trường chúng tôi nhận thấy có trách nhiệm về việc đã có một HS bị thương trong trường nên đã thăm hỏi gia đình”.

Về việc cháu Ngân và gia đình nói cô Bình đã dùng thước gỗ đánh vào phần trong hai cánh tay của Ngân, cô Thy khẳng định là trong trường không có bất cứ một cây thước nào huống chi là thước gỗ. Theo cô Thy, vóc dáng người của cô Bình là khá nhỏ. Liệu với vóc dáng như vậy, những vết bầm tím to ở 2 tay cháu Ngân là do bàn tay cô Bình “nắm chặt” hay không hay do những tác động từ vật cứng khác?
Cô Thy cũng cho biết thêm là tại cơ sở Định Cư của trường, HS đa số đều thuộc dân vạn đò. Trong 50-60 HS ở đây thì chỉ có 5-6 HS được cha mẹ đưa đón, còn lại là tự đi bộ đến học và đi bộ ra về.

Nhà trường phải chịu toàn bộ trách nhiệm

Trao đổi với PV xung quanh chuyện quản lý của Trường mầm non Phú An với cháu Ngân về hậu quả gây ra thương tích cho cháu, ông Lê Đình Phong, Phó phòng GD-ĐT huyện Phú Vang, khẳng định “Nhà trường phải chịu toàn bộ trách nhiệm”.

“Theo nguyên tắc ngành mầm non, từ lúc học sinh đến trường cho đến khi ra về, cô giáo phải quán xuyến mọi hoạt động kể cả việc ăn - ngủ - vệ sinh. Người ta nói “Cô giáo như mẹ hiền” - câu nói này có ý chỉ về cô giáo bậc mầm non, là người rất mật thiết trong việc trực tiếp chăm sóc HS. Vì thế, khi các em lên học lớp 1, gần như toàn bộ GV chủ nhiệm thường được bố trí là cô giáo để các em quen.

Ngay cô Thy nói tại cơ sở Định Cư có chuyện đa số cha mẹ HS không đưa đón HS mà nhà trường vẫn cho các em tự do ra về như vậy đã sai. Vì GV mầm non theo quy định phải là người trực tiếp bàn giao HS cho cha mẹ hay người thân HS có xác nhận từ nhà các em sau mỗi giờ học. Việc này tránh để xảy ra những điều đáng tiếc mà đặc biệt gần đây có nhiều vụ bắt cóc trẻ em.

Nếu cháu ra về giữa chừng, GV phải đi kèm hay phải chở cháu về tận nhà hoặc liên hệ với bố mẹ lên đón cháu. Trong câu chuyện này, về nguyên tắc, GV Hồ Thị Nhật Bình đã sai vì chưa quan tâm đến cháu Ngân nhiều. Cô Bình đã chưa chăm sóc cháu đến nơi đến chốn.

Khác với bậc tiểu học và THCS, mầm non là một ngành rất đặc thù vì HS mới chập chững vào trường học, những ý thức các em chưa có nên cô giáo phải luôn để mắt đến trẻ nhỏ” - ông Phong cho biết ý kiến.

Ông Lê Đình Phong, Phó phòng GD-ĐT huyện Phú Vang khẳng định nhà trường phải chịu toàn bộ trách nhiệm vì đã để cháu chạy về nhà một mình và những ,vết thương trên tay xảy ra trong giờ học. 


PV đặt lại câu hỏi như đã hỏi cô Thy là: “Cháu Ngân bị thương tích trong thời gian học ở trường thì nhà trường phải chịu trách nhiệm như thế nào?”, ông Phong trả lời: “Cháu bị thương ở trường hay kể cả ở nhà thì nhà trường, GV phải quan tâm thăm hỏi. Trường mầm non Phú An phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc này”.

Ông Phong cũng cho biết, qua chuyện cháu Ngân sẽ là một bài học cho ngành mầm non huyện Phú Vang. Với số lượng 7 trường mầm non ngoài công lập và 18 trường công lập, số lượng học sinh hàng ngàn cháu, sau chuyện này Phòng GD-ĐT sẽ ra văn bản chỉ đạo về 25 trường là khi HS ra về tuyệt đối phải có người đón đưa, có thể là cha mẹ, người thân các em hay cô giáo. Vì đây là huyện có địa hình sông nước nhiều nên nếu các cháu đi một mình sẽ rất nguy hiểm. Nếu phòng GD-ĐT phát hiện ra có trường hợp nào làm không đúng theo chỉ đạo thì Hiệu trưởng trường đó phải chịu toàn bộ trách nhiệm trước ngành.


Đại Dương
Theo
Dân trí

Bình luận
vtcnews.vn