Đó là nhận định của PGS, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội.
- Phiên điều trần về Thông tư 16 (hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ) của Bộ Xây dựng tại Ủy ban Pháp luật của QH là nét rất mới trong hoạt động nghị trường. Ông đánh giá thế nào về hoạt động này?
Tôi đã có mặt tại phiên giải trình của Bộ Xây dựng ngày 26/2 và nhận thấy rõ là không khí buổi giải trình rất cởi mở, rất dân chủ. Có thể thấy chúng ta đã đạt được những mục tiêu lớn trong việc tiến tới thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân theo đúng tinh thần Hiến pháp mới.
Trong Luật giám sát 2003 có quy định 5 hình thức để giám sát, trong đó chỉ mới có chất vấn và trả lời chất vấn chứ chưa có giải trình. Hiện cũng chưa có bổ sung nên một vài phiên giải trình mà chúng ta đang làm cũng chỉ là thí điểm.
Tuy nhiên hiện nay, tại điều 77 của Hiến pháp mới đã có quy định về vấn đề giải trình, về trách của QH và các cơ quan của QH về việc tổ chức các phiên giải trình này.
Tất nhiên hiện chưa có cụ thể hóa vấn đề này bằng luật. Tới đây có thể đưa quy định giải trình vào Luật giám sát hoặc sẽ có một luật riêng, khi đó chắc chắn các phiên giải tại các Ủy ban của QH sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, hiệu quả hơn.
- Các phiên chất vấn và các phiên điều trần (hay còn gọi là giải trình) khác nhau như thế nào, thưa ông?
Chất vấn và điều trần (giải trình) khác nhau cả ở mục đích tiến hành, thủ tục tiến hành và đương nhiên là khác ở kết quả tiến hành.
Chất vấn là hình thức giám sát cả các nhân các đại biểu QH, diễn ra tại các phiên họp toàn thể của QH và nhằm truy đến cùng trách nhiệm người giữ các chức vụ, quyền hạn do QH bầu hoặc phê chuẩn mà cụ thể là các thành viên chính phủ, người đứng đầu bộ máy tư pháp.
Sau chất vấn, khi thấy cần thiết, QH có thể ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Còn giải trình được tiến hành mang tính chuyên sâu, cụ thể hơn và là cơ sở để các Ủy ban đưa ra các kiến nghị, giúp QH xem xét, thông qua các dự án luật, thực hiện chức năng giám sát hay quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia.
Các phiên giải trình không khí cởi mở hơn, người dân được tham gia rộng rãi hơn, trực tiếp hơn. Đây là hình thức không hề mới ở nhiều nước, nhưng với Việt Nam thì trước đây do chưa có cơ sở pháp lý, chưa quen nên mới chỉ thực hiện được theo kiểu ‘thí điểm’, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm các nước. Sắp tới chắc chắn sẽ khác.
- Vậy hiện nay các cơ quan hữu quan đã có dự kiến gì về việc xây dựng, ban hành luật điều trần?
Viện Nghiên cứu Lập pháp của QH cũng đang có một công trình nghiên cứu về vấn đề này, dự kiến sẽ có kiến nghị xây dựng một luật giải trình riêng.
Nếu chưa có luật thì có thể xây dựng pháp lệnh quy định về trách nhiệm giải trình, điều đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân bên cạnh quyền dân chủ gián tiếp thông qua các đại biểu QH.
- Rõ ràng các phiên giải trình với sự tham gia rộng rãi của nhiều đối tượng sẽ nâng cao tính dân chủ, mang lại hiệu quả lớn. Nhưng tại sao lâu nay chúng ta không làm, thưa ông?
Ở nhiều nước, các phiên điều trần được làm thường xuyên, phổ biến và họ thực hiện từ lâu rồi, rất hiệu quả. Việt Nam chưa làm được thứ nhất là vì chưa có luật, thứ hai là chúng ta cũng phải tìm hiểu và học tập các nước. Sau một vài phiên thí điểm, thấy hiệu quả nên giờ chúng ta mới thực hiện đó thôi.
Trong Hiến pháp mới đã đưa vào 2 từ “giải trình” chứ trước đây chúng ta làm gì có. Trong Luật giám sát cũng chưa có. Nên có thể coi đây là bước tiến lớn trong thực hiện quyền dân chủ của nhân dân.
- Ông có cho rằng việc đưa vấn đề giám sát nên được luật hóa càng sớm càng tốt?
Đương nhiên. Đây là vấn đề đang rất được quan tâm. Chúng ta sớm làm thì sẽ có cơ sở pháp lý để các Ủy ban của QH, Hội đồng dân tộc thực hiện thường xuyên hơn. Người dân cũng có điều kiện hơn để tham gia vào việc xây dựng luật của các cơ quan lập pháp…
Hiện các cơ quan của QH cũng đang rất quan tâm vấn đề này. Tôi cho rằng muộn nhất là trong năm 2015, chúng ta sẽ có luật về điều trần.
- Cũng có ý kiến lo ngại việc giải trình có thể chỉ là hình thức, không thực sự góp phần giải quyết được các vấn đề nóng nảy sinh trong đời sống xã hội. Theo ông, để các phiên giải trình đạt hiệu quả cao nhất, cần các điều kiện gì?
Tôi đã tham gia một số phiên giải trình của Bộ GTVT, rồi mới đây là Bộ Xây dựng, thấy không khí giải trình kiểu “bàn tròn” rất cởi mở, dân chủ và kết luận các buổi giải trình đó rất rõ ràng. Vì vậy tôi cho rằng chắc chắn sẽ không lo bệnh hình thức. Đặc biệt khi đã được luật hóa rồi thì kết quả sẽ tốt hơn nữa.
Tất nhiên, để đạt được hiệu quả mong muốn, điều quan trọng là phải có quy trình thủ tục rõ ràng, ví dụ về thành phần tham gia, nếu mời đại diện người dân thì như thế nào. Trước mắt, theo quy định pháp luật hiện hành, các hoạt động giải trình nói chung nên mời người dân có liên quan và báo chí tham dự.
Khi có sự tham gia của truyền thông đại chúng, hàng vạn cử tri sẽ nắm được nội dung các vấn đề giải trình. Thậm chí chúng ta có thể làm trực tuyến, để người dân nào quan tâm cũng được tham gia vào phiên giải trình đó. Tôi cho rằng như thế sẽ rất hiệu quả, không lo hình thức.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận