Cách truyền thông Mỹ đưa tin về cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 dưới thời Trump và Biden có sự khác biệt lớn.
Phân biệt giữa Trump và Biden
Trong bài báo đăng tải hồi tháng 3/2020, CNN đăng tải hình ảnh cựu Tổng thống Trump gạch từ “Corona” và sửa thành “Chinese” (Trung Quốc) trước từ virus trong tờ ghi chú tại cuộc họp với lực lượng tác chiến chống COVID-19.
Tờ báo Mỹ khi đó khẳng định đây là nỗ lực của Tổng thống và một số người trong chính quyền nhằm đánh lạc hướng công chúng trước thất bại của ông đối với việc kiểm soát sự lây lan dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ.
Cùng thời điểm này, nhiều tờ báo Mỹ khác dẫn lại loạt tuyên bố từ các cố vấn y tế công cộng Nhà Trắng khẳng định việc gắn SARS-CoV-2 với cái tên virus Vũ Hán là không phù hợp và không chính xác.
"Sắc tộc không phải là nguyên nhân gây ra virus gây dịch COVID-19", Forbes dẫn lời Alex Azar - Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ khi đó cho hay.
Tờ Vox thì cho rằng việc ông Trump liên hệ COVID-19 theo vị trí địa lý là nguy hiểm vì nó khơi dậy tâm lý bài ngoại.
CBS News nhấn mạnh các tuyên bố liên quan tới "virus Trung Quốc" của nhà lãnh đạo Mỹ chỉ làm dấy lên làn sóng kỳ thị người Mỹ gốc Á.
Theo thống kê của trang web cơ sở dữ liệu Factbase, ông Trump sử dụng cụm từ "virus Trung Quốc" hơn 20 lần trong khoảng thời gian từ ngày 16/3 đến ngày 30/3.
Trước loạt chỉ trích từ truyền thông và dư luận, ông bớt nhắc tới cụm từ này nhưng chưa bao giờ "giảm tông" khi khẳng định có bằng chứng cho thấy nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán nhiều tháng sau đó.
Khác với người tiền nhiệm, không lâu sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden ký sắc lệnh cấm liên hệ COVID-19 theo vị trí địa lý.
Vài tuần trở lại đây, giả thiết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán nóng trở lại khi tờ Wall Street Journal đưa tin 3 chuyên gia nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán phải nhập viện điều trị vào đầu tháng 11/2019. Tờ báo Mỹ khẳng định những người này có "các triệu chứng tương tự bệnh COVID-19".
Vài ngày sau thông tin Wall Street Journal đăng tải, Tổng thống Biden chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ tăng cường nỗ lực điều tra nguồn gốc COVID-19 và báo cáo với ông trong vòng 90 ngày.
Động thái này của nhà lãnh đạo Mỹ được truyền thông Mỹ hoan nghênh. Hàng loạt tờ báo Mỹ bắt đầu nghiêm túc phân tích khả năng virus lọt khỏi phòng thí nghiệm, dẫn lời các chuyên gia nhấn mạnh cần phải có một cuộc điều tra khoa học về vấn đề này.
CBS News dẫn lời cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice khẳng định việc sớm loại bỏ giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là sai lầm. Trong khi đó New York Times cho biết nhiều nhà khoa học hoan nghênh lời kêu gọi của Tổng thống Biden về một cuộc điều tra sâu rộng hơn với phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Nhiều tờ báo khác đua nhau đăng tải thông tin về báo cáo của phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, California, Mỹ về nguồn gốc của COVID-19 trong đó nhấn mạnh giả thuyết virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán là chính xác và cần được điều tra thêm.
Cùng một vấn đề nhưng ở hai thời điểm, cách đưa tin của truyền thông Mỹ dưới hai đời tổng thống có vẻ khác biệt. Dù so với cách đây 1 năm, giả thiết COVID-19 lọt từ phòng thí nghiệm Vũ Hán chỉ nhiều hơn 1 tình tiết như Wall Street Journal đăng tải.
Các cơ quan tình báo trên thế giới, kể cả ở Mỹ hiện vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức nào về nguồn gốc của nCoV.
Những người ủng hộ Trump chỉ trích truyền thông Mỹ. Nhiều ý kiến nói tâm lý chống Trump khiến không ít tờ báo mất đi cái nhìn khách quan khi chỉ chăm chăm đi ngược lại những gì nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố.
Mỹ chưa từng từ bỏ điều tra nguồn gốc COVID-19
Kể cả dưới thời Trump hay Biden, Mỹ vẫn chưa từng từ bỏ cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19. Washington chỉ trích Trung Quốc từ chối để các điều tra viên quốc tế tiếp cận phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và không giải thích được một số điểm mâu thuẫn trong giả thuyết virus nhảy từ động vật sang người.
Theo tờ DW của Đức, Mỹ đang tận dụng mọi cơ hội để nhắc nhở thế giới rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ tình trạng lộn xộn của thế giới hiện tại. Dù là Trump hay Biden, họ muốn người dân Mỹ tin rằng căn bệnh cướp đi hơn 600.000 sinh mạng của người dân Mỹ xuất phát từ Trung Quốc và họ đã làm mọi cách để tìm kiếm sự thật mà Bắc Kinh che giấu.
Đổ lỗi cho Trung Quốc cũng làm giảm bớt sự bất mãn của người dân với những thiếu sót của chính quyền trong việc đưa ra các biện pháp chống dịch.
Không thể phủ nhận Trung Quốc đã chống COVID-19 tốt, sớm kiểm soát được dịch bệnh. Bắc Kinh cũng bận rộn với việc quảng bá câu chuyện thành công của họ và dìm xuống các chỉ trích của thế giới về việc nước này "để lọt" nCoV ra thế giới.
Nhưng sự thiếu minh bạch của Trung Quốc cũng làm dấy lên đồn đoán rằng Bắc Kinh đang che giấu điều gì đó. Điều này cung cấp mảnh đất màu mỡ cho các thuyết âm mưu.
"Thật không may, chúng tôi đang gặp phải một tình huống trong đó câu hỏi về nguồn gốc của COVID-19 và các chiến lược khác nhau trong việc chống lại đại dịch trở thành chủ đề của một cuộc chiến tuyên truyền giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc", nhà khoa học người Đức Felix Wemheuer cho hay.
Các chuyên gia cho rằng trong khi nỗ lực nhắc tới Trung Quốc như một quốc gia thiếu trách nhiệm, làm lây lan dịch bệnh nhưng nhất mực chối bỏ, Mỹ xây dựng mình là quốc gia đi đầu trong việc tìm ra sự thật, sẵn sàng đứng lên vì công lý.
Các tuyên bố gắn trách nhiệm cho Trung Quốc về COVID-19 của Mỹ cũng nhằm chống lại nỗ lực tuyên truyền của Bắc Kinh rằng virus này không bắt nguồn từ nước này.
Sau khi khống chế thành công dịch bệnh, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng dư luận từ các chỉ trích nhằm vào nước này sang những đóng góp của Bắc Kinh trong đại dịch.
Bắc Kinh từng đặt giả thiết virus có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc sau khi một nghiên cứu công bố năm 2020 cho thấy các kháng thể chống COVID-19 hoặc một biến thể được phát hiện tại Italia vào năm 2019. Trung Quốc cũng kêu gọi WHO điều tra giả thiết virus rò rỉ từ các phòng thí nghiệm trên thế giới, nhắc đến khả năng mầm bệnh có thể do quân nhân Mỹ mang đến Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 10/2019.
Nếu chứng minh COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Mỹ sẽ phá hủy hình tượng mà Trung Quốc xây dựng, đồng thời gây áp lực buộc Bắc Kinh phải gánh vác gánh nặng tiêm chủng cho thế giới.
Các cáo buộc mà Mỹ gắn lên Trung Quốc cũng có thể khiến các quốc gia khác có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc yêu cầu mở một cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 dưới cái ô bảo hộ từ Mỹ. Thực tế là tình báo Anh gần đây bất ngờ thay đổi quan điểm, từ việc cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm "khó xảy ra" tới nhận xét giả thuyết này là "hoàn toàn có thể".
Với Mỹ, một cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh có thể trở thành đòn bẩy gia tăng sức ép lên Trung Quốc và là một phần trong cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa Trung Quốc và phương Tây. Nếu có thể nắm được những bằng chứng về việc Bắc Kinh che giấu đại dịch, Washington có thể dùng đó làm đòn bẩy để mặc cả trong các cuộc đàm phán.
Cuộc điều tra đang bị chính trị hóa?
Trước sức ép từ Mỹ, Trung Quốc và các quan chức WHO nhiều lần kêu gọi Washington ngừng chính trị hóa, "đầu độc" cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19.
"Những nỗ lực của Mỹ nhằm chính trị hóa nghiên cứu về nguồn gốc COVID-19 phá hoại nghiêm trọng sự hợp tác quốc tế và tạo ra những khó khăn, trở ngại cho các nỗ lực chống virus cũng như cứu người", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Theo DW, việc Mỹ đang sử dụng COVID-19 như "vật tế thần" cũng như cách Trung Quốc chưa thực sự minh bạch về việc cung cấp thông tin thời gian đầu dịch bùng phát đang biến khoa học trở thành nạn nhân chính trị của đại dịch.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mắc kẹt trong trò chơi đổ lỗi, thúc đẩy bởi các giả thiết về nguồn gốc COVID-19. Các chuyên gia lo ngại điều này có thể làm sai lệch cuộc điều tra về nguồn gốc dịch vốn được kỳ vọng sẽ dựa trên cơ sở khoa học.
"Các nhà phân tích đang chịu áp lực chính trị về việc họ phải bám theo lý thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm", nhà phân tích Jeffery Wright cho hay.
Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO từng khẳng định "khoa học cần phải là trung tâm và khoa học sẽ tìm ra câu trả lời".
Tiếc rằng các tuyên bố của WHO dường như đang phần nào mất đi trọng lượng bởi những cáo buộc trước đó của chính quyền Trump nói WHO là "con rối của Trung Quốc" và tổ chức này lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Các hoài nghi với WHO cũng gia tăng khi cuộc điều tra của tổ chức này về nguồn gốc COVID-19 hồi tháng 3 không đưa ra kết luận rõ ràng.
Báo cáo điều tra đề cập giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm nhưng khẳng định kịch bản này "cực kỳ khó xảy ra".
Bình luận