Thị trường
Trong quá khứ, thị trường chứng khoán Mỹ từng trải qua một phen hỗn loạn khi cựu Tổng thống Richard Nixon đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Chỉ số S&P 500 giảm 14% năm 1973 và sau đó là 26% năm 1974. Nhưng tình trạng bất ổn khi đó không chỉ xuất phát từ vụ Watergate mà còn do cuộc khủng hoảng giá dầu và đồng USD năm 1973.
Khi cựu Tổng thống Bill Clinton bị luận tội vào năm 1998 và suýt bị phế truất, chỉ sổ S&P 500 thậm chí còn tăng 27% vào năm 1998 và sau đó tăng thêm 20% vào năm 1999 bất chấp những thông tin chính trị bất ổn.
Tình hình hiện nay có những khác biệt đáng kể.
"2019 không phải là 1974. Mọi thứ rất khác nhau", Nicholas Colas, người đồng sáng lập DataTrek Research cho hay.
Giá cổ phiếu và trái phiếu cao hơn mức trung bình dài hạn dù không nhiều. Tuy nhiên những căng thẳng trong thương mại quốc tế, dấu hiệu chững lại của tăng trưởng toàn cầu cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ làm cho mọi thứ trở nên khó dự đoán.
Tổng thống Trump từng cảnh báo nếu ông bị luận tội, thị trường Mỹ sẽ sụp đổ và nhiều người sẽ nghèo đi.
Tuy nhiên, theo các nhà giao dịch và quản lý tiền tệ ở Phố Wall, thị trường Mỹ có thể sẽ bị sụp đổ sau một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ, một sai lầm trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hay một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng chứ không phải do một vụ luận tội Tổng thống.
Họ cho rằng tin tức về vụ luận tội hay kể cả khi ông bị phế truất có chăng sẽ chỉ gây ra những biến động tạm thời chứ không đủ sức quật ngã một nền kinh tế. Thêm vào đó, Tổng thống Trump nếu bị buộc rời nhiệm sở sẽ được thay thế tạm thời bằng Phó Tổng thống Mike Pence, người nhiều khả năng sẽ không quá chú trọng tới việc áp đặt liên tục các mức thuế làm kéo dài cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Điều này thậm chí có thể khiến nhiều người dễ thở hơn.
"Tôi không chắc tất cả thị trường sẽ bất mãn với việc ông Trump bị buộc rời đi", Jim Paulsen, nhà chiến lược đầu tư chính của Tập đoàn Leuthold cho biết. "Nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa có thể hoan nghênh nó và nếu Pence lên thay thế, các quy định cơ bản sẽ hạ xuống và có thể chiến tranh thương mại sẽ bớt căng thẳng như hiện nay".
Theo CNN, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ vốn đã phục hồi từ rất lâu, trước cả khi ông Trump lên nắm quyền. Vì thế tác nhân có thể làm lung lay thị trường hồi sinh từ đống tro tàn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 ít nhất phải là những cơn địa chấn chính trị ở Trung Đông và bán đảo Triều Tiên chứ không phải là những diễn biến xoay quanh nhà lãnh đạo Mỹ.
Ảnh hưởng tới đàm phán Mỹ-Trung
Chính quyền Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc dựa trên điều 301 Luật Thương mại và phương án giải quyết dựa trên cơ chế này không cần thông qua tại Quốc hội.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đều đồng thuận rằng cuộc điều tra luận tội sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới tính toán của các bên trên bàn đàm phán.
“Nếu tôi là Trung Quốc và biết được Tổng thống Mỹ sắp bị luận tội, tôi sẽ ngồi chờ trước khi nhượng bộ trên bàn đàm phán và chờ xem diễn biến”, Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty tư vấn tài chính National Securities nói.
Bản thân ông Trump cũng sẽ bị phân tâm khi phải căng sức đối phó với các diễn biến của cuộc điều tra và giảm bớt sự tập trung của ông vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn luôn cho thấy mình là một người khó đoán. Vì vậy, bất kể điều gì xảy tới, khó có thể đoán trước ông Trump sẽ phản đòn ra sao.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Trump đang muốn đạt được những tiến bộ tích cực trong đàm phán Mỹ-Trung để ghi điểm với cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2020. Vì vậy, khi cuộc điều tra luận tội tước đi một số lượng chưa xác định lá phiếu của ông, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ cố gắng tiến tới một thỏa thuận tối thiểu với Trung Quốc để vớt vát cục diện.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ tiếp tục leo thang tranh chấp với Trung Quốc để đánh lạc hướng dư luận. Chưa kể một thỏa thuận nếu đưa ra quá vội vàng sẽ trở thành điểm yếu để các đối thủ chính trị công kích.
Bình luận