• Zalo

Điều mẹ bắt buộc phải biết khi vệ sinh tai cho trẻ

Đời sốngThứ Sáu, 03/04/2015 07:08:00 +07:00Google News

Tai trẻ là bộ phận nhạy cảm và cũng là nơi khó vệ sinh, bạn không được sử dụng các dụng cụ có đầu nhọn để làm sạch vành và tai giữa.

(VTC News) - Tai trẻ là bộ phận nhạy cảm và cũng là nơi khó vệ sinh, bạn không được sử dụng các dụng cụ có đầu nhọn để làm sạch vành và tai giữa.

Làm thế nào để vệ sinh tai cho trẻ đúng cách luôn là điều được các bà mẹ quan tâm. 

Trong tai của bé thường có ráy tai, nó là chất bôi trơn tự nhiên, được sinh ra do các tuyến ráy nằm trong tổ chức dưới da của ống tai ngoài. Ráy tai thường có 3 dạng là ướt, khô và cứng.

Ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ cho ống tai của bé khỏi bị tổn thương và nhiễm trùng. Khi ráy tai được đẩy ra ngoài sẽ mang theo bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu không có ráy tai, ống tai sẽ bị khô, ngứa và dễ bị nhiễm trùng.

Vệ sinh tai an toàn cho trẻ 

Tai trẻ là bộ phận nhạy cảm và cũng là nơi khó vệ sinh, bạn không được sử dụng các dụng cụ có đầu nhọn để làm sạch vành và tai giữa. Chọn một miếng bấc bằng cô-tông khô, làm thật khéo, nhẹ nhàng để không làm thủng màng nhĩ của bé. Khi thao tác, bạn cần giữ đầu của bé thật chắc để tránh bé ngọ nguậy, khiến việc vệ sinh không an toàn.

Biện pháp an toàn nhất là dùng khăn ẩm lau ống tai ngoài cho bé. Sau khi dùng khăn mặt mỏng lau sạch các góc tai ngoài, hãy xoắn một đầu khăn lại như hình cái kén rồi đưa một đoạn ngắn vào trong ống tai của bé. Làm như vậy các ba mẹ sẽ chạm tới ráy tai và khiến nó tự rơi ra ngoài. Nên tránh đụng chạm nhiều đến ống tai vì càng kích thích, ráy tai sẽ sản sinh càng nhiều.

Nên kết hợp việc vệ sinh tai trong quá trình tắm cho bé. Lúc này, tai đã ướt, da và ráy tai đều mềm nên rất dễ lau chùi. Dùng khăn mềm nhúng nước cho ẩm rồi lau nhẹ nhàng ở vành tai, tập trung vào những nếp gấp - nơi thường tích tụ nhiều mồ hôi và bụi bẩn. Sau đó, tiếp tục lau vào phần bên ngoài của ống tai. Bạn có thể dùng khăn bọc lấy ngón tay và xoay nhẹ trong ống tai.

Ráy tai thường khô và tự rơi ra ngoài mà không cần phải lấy. Nếu bé có ráy tai quá nhiều, cứng gây bít ống tai, ù tai, làm giảm thính lực thì có thể dùng loại nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai để ráy tai mềm và dễ dàng lấy ra. Không nên dùng tăm bông sẽ đẩy ráy tai vào sâu bên trong, rất khó lấy, cũng không dùng bất kỳ vật nhọn nào để ngoáy tai cho trẻ.

Đừng cố làm sạch tai của bé khi chúng đang khô ráo vì bạn sẽ làm da trẻ bị kích ứng và trầy xước. Hãy dùng khăn ẩm để lau chùi tai. Thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện “nhiệm vụ” này là lúc tắm cho bé.

Biện pháp bảo vệ an toàn cho tai của trẻ

Không nên cho trẻ nghe những âm thanh có cường độ lớn trong thời gian dài như: tiếng nhạc mở lớn, âm thanh trò chơi điện tử, tai nghe nhạc, điện thoại… Ngưỡng nghe bình thường vào khoảng 0-20 dexibels. Nếu trẻ liên tục phải chịu đựng những âm thanh có cường độ lớn trên 30 dexibels và kéo dài trên 8 giờ sẽ làm tổn thương vĩnh viễn thính lực.

Khi đi bơi hoặc tắm biển nên nhét nút bịt tai để tránh nước vào làm ướt tai, tạo thuận lợi cho vi trùng phát triển, dễ dẫn đến viêm tai, ngứa tai. Nếu sau khi tắm bị ướt ống tai thì nên dùng tăm bông có thấm alcool giúp mau bay hơi để lau khô tai cho bé.

Những lưu ý khi vệ sinh tai

- Nếu ráy tai không bong ra dễ dàng, hãy thử sử dụng vài giọt dầu dùng cho trẻ em (nhiệt độ bằng với thân nhiệt) hai lần mỗi ngày trong vài hôm trước khi làm sạch tai với nước. 

- Không nên rửa khi tai bị đau, có dấu hiệu mưng mủ, chảy máu, viêm tai hay những vấn đề khác. 

- Đừng bao giờ soi tai để lấy ráy tai. Đây là một việc nguy hiểm mà không có tác dụng gì. 

- Đối với những vấn đề diễn ra liên tục về tai, bạn nên đến gặp bác sĩ. 


An Nhiên (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn