• Zalo

Điều kỳ diệu qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ MRI của em bé khi ở bên mẹ

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 03/12/2019 07:52:00 +07:00Google News

Các nhà khoa học công bố bức ảnh kì diệu chụp cộng hưởng từ của nhà thần kinh học Rebecca Sax bế và hôn con trai 2 tháng tuổi.

Ai cũng biết tình mẫu tử là điều thiêng liêng cao cả nhất trên cõi đời này. Thế nhưng để chứng minh điều đó bằng khoa học thì chưa mấy ai làm được. Chính điều này đã thôi thúc nhà thần kinh học người Mỹ Rebecca Sax tìm tòi và dành nhiều năm ròng để nghiên cứu để tìm ra câu trả lời.

Rebecca và các đồng nghiệp đã lựa chọn phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI chụp não bộ để chứng minh mối liên hệ giữa mẹ và con. Trong suốt 6 năm nghiên cứu, kết quả gây sốc thực sự chỉ được công bố rộng rãi sau khi bức ảnh chụp cộng hưởng từ đầu tiên chụp cô cùng cậu con trai 2 tháng tuổi của mình được thực hiện.

mri

 Hình ảnh MRI này được chụp khi nhà thần kinh học Rebecca Sax bế và hôn đứa con trai 2 tháng tuổi của cô ấy với sự lan tỏa của tình yêu thương.

Đây là hình ảnh cộng hưởng từ đầu tiên trên thế giới chiếu sự kết nối giữa một người mẹ và con. Nụ hôn này đã kích hoạt một phản ứng hoá học trong bộ não con trai của cô ấy, và tạo ra rất nhiều hormone oxytocin - một loại hormone thể hiện sự gắn bó và tình yêu. Đây thực sự là bức ảnh tuyệt vời và hoàn toàn đánh bại những quan điểm cho rằng "Trẻ con thì biết gì".

Nhà thần kinh học Rebecca Sax và cũng là người mẹ trong bức ảnh trên cho biết: "Giây phút con trai chào đời được đặt nằm trên ngực tôi, con thật ấm áp và bụ bẫm biết bao. Lần đầu tiên tôi nhìn vào đôi mắt đen láy của con và tôi biết: Tôi vô cùng yêu con, và tôi muốn tìm hiểu não bộ của con càng sớm càng tốt. Tôi đã dành nhiều giờ đồng hồ nghiên cứu trong máy quét MRI cùng với con trai bé bỏng của mình để tìm cách thu thập dữ liệu".

mau-tu

Nhà thần kinh học Rebecca Sax và con trai. 

Bức ảnh quét này được chụp khi Rebecca đang bế và hôn nhẹ cậu con trai 2 tháng tuổi của mình nhằm mục đích tìm hiểu những gì diễn ra bên trong hộp sọ của mẹ và em bé. Thông thường hình ảnh MRI được thực hiện cho các bác sĩ, để tìm khối u hoặc mạch máu bị chặn. Các nhà khoa học cũng tạo ra các hình ảnh, để nghiên cứu chức năng và sự phát triển của não.

"Tuy nhiên, trong phòng thí nghiệm tại MIT – Trung tâm nghiên cứu thần kinh, não bộ (Mỹ), chúng tôi sử dụng MRI để theo dõi dòng máu chảy qua não của trẻ em. Chúng tôi đọc cho các bé nghe những câu chuyện và quan sát cách hoạt động của bộ não thay đổi theo từng cốt truyện. Bằng cách đó, chúng tôi nghiên cứu về cách mà trẻ em nhận thức về những người xung quanh", Rebecca giải thích thêm.

Để có được bức ảnh đặc biệt này, Rebecca cùng con trai phải thử 25 lần quét chụp mỗi ngày. Tiếng máy quét cũng rất ồn, Rebecca và con trai phải đeo nút chống ồn bên tai, khi quét thì con trai cô đang ngủ trên tay mẹ. Cô cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ rất lớn từ các kỹ thuật viên để chọn ra bức hình đẹp nhất, sống động nhất.

Hình ảnh cộng hưởng từ vô cùng đặc biệt này được thực hiện không nhằm mục đích chẩn đoán, mà đơn giản là tạo ra một hình ảnh trực quan nhất về mối liên hệ của một người mẹ và đứa trẻ.

Đây là hình ảnh sử dụng công nghệ hiện đại nhưng lại mang hơi hướng truyền thống từ muôn đời nay. Tình mẫu tử vốn dĩ thiêng liêng và là biểu tượng không thể chối cãi, minh chứng cho mối quan hệ mẹ và con.

Bức ảnh cho thấy khi cha mẹ trao cho con sự yêu thương, trìu mến thì đứa trẻ cũng sẽ nhận được tình cảm y như vậy. Não của trẻ được kích thích tiết ra loại hormone đặc biệt giúp gắn kết và yêu thương nhiều hơn.

Sự lan tỏa tình yêu thương là có thật, bất cứ đứa trẻ nào cũng xứng đáng được đón nhận. Đó là điều đặc biệt và thông điệp ý nghĩa mà các nhà khoa học muốn gửi gắm tới tất cả các bậc cha mẹ thông qua bức ảnh tuyệt vời này.

(Nguồn: Tổ Quốc)
Bình luận
vtcnews.vn