Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo lần 3 nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Bộ Công Thương quy định, doanh nghiệp sản xuất xăng dầu phải sản xuất theo kế hoạch đã đăng ký với Bộ này hàng năm, đồng thời, duy trì mức dự trữ tối thiểu đối với xăng dầu và nguyên liệu cho sản xuất phù hợp với dự án đầu tư được phê duyệt và kế hoạch sản xuất.
Các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu đưa sản phẩm vào lưu thông phải phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cũng phải tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu trong nước, phải đáp ứng điều kiện quy định và được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Song song với đó, doanh nghiệp sản xuất xăng dầu được phép mua nguyên liệu trong nước, trực tiếp nhập khẩu nguyên liệu, thành phẩm xăng dầu hoặc ủy thác cho doanh nghiệp có giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhập khẩu. Việc nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm xăng dầu phải theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương xác nhận, thông báo cho cơ quan hải quan làm thủ tục và kiểm soát việc nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm xăng dầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được gia công xăng dầu xuất khẩu, việc gia công xăng dầu xuất khẩu thực hiện theo các quy định của pháp luật về gia công hàng hóa.
Doanh nghiệp sản xuất xăng dầu được tiêu thụ tại thị trường trong nước xăng dầu do thương nhân sản xuất thông qua hệ thống phân phối của mình theo quy định tại, được bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu; được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu khác.
Ngoài ra, được bán các loại xăng dầu đặc chủng (xăng dầu không được phép kinh doanh trên thị trường) cho các cơ quan, tổ chức để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo phê duyệt Thủ tướng Chính phủ.
Doanh nghiệp sản xuất xăng dầu cũng được xuất khẩu xăng dầu do thương nhân sản xuất theo kế hoạch đăng ký với Bộ Công Thương, phù hợp với dự án đầu tư được phê duyệt.
Đối với doanh nghiệp pha chế xăng dầu, tại dự thảo, Bộ Công Thương quy định doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện mới được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu.
Cụ thể, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; có hệ thống bồn, bể, thiết bị, công nghệ tương ứng dùng để pha chế; có hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng (Bản công bố tiêu chuẩn áp dụng và chứng chỉ chất lượng phù hợp với Bản công bố của loại xăng dầu thành phẩm được pha chế).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp pha chế phải xây dựng, áp dụng và duy trì phiên bản hiện hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo tiêu chuẩn ISO/TS 29001.
"Trường hợp tiêu chuẩn quy định tại Khoản này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo tiêu chuẩn sửa đổi, bổ sung, thay thế", Bộ Công Thương lưu ý.
Doanh nghiệp pha chế xăng dầu bắt buộc phải có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu của doanh nghiệp, có năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu xăng dầu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc thuê dịch vụ thử nghiệm của tổ chức có phòng thử nghiệm được chỉ định theo quy định của pháp luật thực hiện thử nghiệm các chỉ tiêu xăng dầu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
"Doanh nghiệp phải pha chế xăng dầu được thực hiện tại nơi sản xuất, xưởng pha chế hoặc kho xăng dầu phục vụ cho nhu cầu xăng dầu nội địa của thương nhân", dự thảo quy định.
Bình luận