Nói đến nghề y, mọi người đều liên tưởng đến người bác sĩ trong chiếc áo blouse trắng cùng với chiếc ống nghe đeo ở cổ. Để bước được vào nghề, các thầy thuốc phải nhớ rõ về lời thề Hippocrates, được coi là chuẩn mực của y đức. Những điều quen thuộc gắn liền với bác sĩ này được hình thành như thế nào?
Lời thề Hippocrates và tiêu chuẩn đạo đức trong ngành y
Quan niệm truyền thống cho rằng Hippocrates, người được coi là cha đẻ của Y học phương Tây, là tác giả của lời thề Hippocrates. Sinh vào khoảng 460-370 Trước Công nguyên tại đảo Cos, Hy Lạp, Hippocrates được học nghề y từ cha là Heracleides và trở thành một y sĩ Hy Lạp. Ở thời đại này, y học vẫn gắn liền với tôn giáo và bệnh tật được chữa trị bằng những hiện tượng siêu nhiên thần bí. Tuy nhiên, Hippocrates bác bỏ những quan niệm này. Ông là người đầu tiên coi y học là ngành khoa học và cho rằng mỗi bệnh tật đều có nguyên nhân tự nhiên riêng.
Vì vậy, ông dành thời gian nghiên cứu sinh lý học, giải phẫu, tìm hiểu các nguyên nhân có chứng cớ, trực tiếp, và các nguyên nhân còn chưa rõ của bệnh tật. Từ đó, Hippocrates kết luận bệnh tật là do mất cân bằng tỷ lệ dịch trong cơ thể gây ra. Khi điều này xảy ra, thầy thuốc có thể can thiệp giúp cơ thể trở về trạng thái cân bằng.
Hippocrates luôn khuyên các thầy thuốc ghi chép lại các phát hiện và phương pháp điều trị của họ để truyền lại cho các thế hệ sau áp dụng. Một nguyên tắc y học nổi tiếng của ông là: “Trước tiên là không làm gì có hại” và “Y thuật thì dài còn cuộc đời lại ngắn ngủi”.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng lời thề Hippocrates là do những môn đồ của Pythagoras soạn ra. Mặc dù vậy, trong cộng đồng y khoa, lời thề này mặc nhiên được chấp nhận là của Hippocrates và vẫn được các bác sĩ trang trọng xưng tụng trước khi bắt đầu hành nghề y.
Thời điểm xuất hiện của lời thề này vào khoảng thế kỷ IV TCN, được viết bằng tiếng vùng Ionia của Hy Lạp cổ đại. Một điều chắc chắn là nó đã được sửa chữa nhiều để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của Hy Lạp qua từng giai đoạn khác nhau.
Vì sao áo blouse của bác sĩ có màu trắng?
Ít ai biết rằng trang phục này từng có lịch sử ra đời khá gian nan và vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi. Những chiếc áo choàng trắng dài đến gối gắn liền với hình ảnh của bác sĩ (hay còn gọi là blouse trắng) bắt nguồn từ trang phục của những nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm, chính thức được sử dụng vào đầu thế kỷ XX.
Trước thời điểm đó, y học nói chung bị xem là lĩnh vực của phù thủy, pháp sư và thầy lang, những người không được đào tạo chính thống và mặc quần áo bình thường ngay cả trong phòng mổ.
Khi đó, các nhà khoa học còn chứng minh nhiều loại thuốc và phương pháp chữa bệnh mà bác sĩ áp dụng không đem lại hiệu quả. Điều đó khiến người dân ngày càng mất lòng tin vào những người làm nghề y.
Để lấy lại sự tin tưởng của bệnh nhân, các bác sĩ cũng chọn áo choàng trắng làm đồng phục như ngầm chứng tỏ họ giống như nhà khoa học và khiến bệnh nhân yên tâm hơn. Trang phục này còn giúp đảm bảo môi trường vô trùng và xoa dịu tâm lý của các bệnh nhân. Đặc biệt, màu truyền thống của áo trong phòng thí nghiệm là màu be, nhưng các bác sĩ đã chọn màu trắng để tượng trưng cho cuộc sống và sự tinh khiết.
Thời kỳ đầu, áo choàng màu đen được dùng thay cho trắng trong phòng xét nghiệm sinh học và vi trùng học giúp dễ nhìn thấy bụi bẩn. Giai đoạn này, phương pháp chữa bệnh còn sơ đẳng nên tỷ lệ tử vong do bệnh tật và dịch bệnh rất cao. Vì vậy, các bác sĩ chọn màu đen để bày tỏ sự tôn trọng đối với người chết.
Với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, các phương pháp trong y học được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ tử vong giảm dần, sức khỏe con người được nâng cao. Khi đó, màu đen khiến mọi người liên tưởng đến sự buồn bã. Vì vậy, năm 1915, các bác sĩ đều chuyển sang mặc áo blouse trắng và quần dài.
Tuy nhiên, việc sử dụng trang phục này cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của chính những người làm trong nghề. Nhóm đồng tình cho rằng áo blouse trắng giúp các bác sĩ có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp và làm bệnh nhân thấy thoải mái. Trong khi đó, phe đối lập lại khẳng định đó là biểu tượng xa lánh sự tôn nghiêm của ngành y.
Mặc dù vậy, tại nhiều nước, lễ mặc áo choàng trắng (White coat ceremony) vẫn được nhiều sinh viên ngành y, bác sĩ coi trọng. Điều đó có ý nghĩa đánh dấu bước khởi đầu của họ với nghề.
Sự ra đời từ tình huống tế nhị của chiếc ống nghe
Trước khi chiếc ống nghe xuất hiện, các bác sĩ thường phải đặt tai và đầu vào ngực bệnh nhân để nghe nhịp tim. Điều này rất khó khăn, đặc biệt là đối với người béo phì. Vào năm 1816, tình cờ, bác sĩ người Pháp Rene Laennec đã sáng chế chiếc ống nghe thô sơ đầu tiên trong lịch sử y khi đang khám bệnh cho một thiếu nữ mắc bệnh tim.
Để tránh bối rối khi phải trực tiếp áp tai vào ngực bệnh nhân, ông liền cuộn tấm bìa thành ống dài, một đầu đặt vào lồng ngực bệnh nhân, còn đầu kia áp vào tai mình. Thật lạ lùng, tiếng tim nghe đập rõ ràng hơn rất nhiều. Ý tưởng của Laennec lấy cảm hứng từ một trò chơi của trẻ em, áp sát tai vào hai đầu của ống gỗ để truyền âm thanh.
Sau đó, Laennec đã chuyển sang thử nghiệm sử dụng ống gỗ thay cho ống giấy ban đầu. Chiếc ống nghe hoàn chỉnh có hình dạng thẳng đứng là một ống gỗ dài 45 cm, rộng 4 cm, hai đầu có gắn thêm chiếc phễu nhỏ để nghe nhịp tim của bệnh nhân.
Tiến sĩ Laennec đã mất tới ba năm để hoàn thiện thiết kế này và theo dõi thay đổi ở bệnh nhân viêm phổi, so sánh những gì ông nghe được với khi kết quả khám nghiệm tử thi. Năm 1819, bác sĩ này đã sáng chế phiên bản ống nghe đầu tiên mang tên De L'auscultation Mediate.
Từ sau phát minh này, chiếc ống nghe đã trải qua nhiều lần cải tiến và ngày càng phổ biến hơn. Năm 1828, nhà vật lý người Pháp Pierre Adolphe Piorry đã thay đổi hình dạng ống nghe ban đầu bằng cách sử dụng một mảnh ngà voi làm tấm đệm gõ.
Sự thay đổi quan trọng tiếp theo là ý tưởng ống nghe hai tai. Đây là sáng kiến được phát minh bởi Arthur Leared, bác sĩ người Ireland, vào năm 1851, nhưng vẫn để lại nhiều hoài nghi về sự mất cân bằng thính giác do sử dụng cả hai tai. Đến năm 1853 khi tiến sĩ George Phillip Camman cải tiến và chứng minh công dụng, chiếc ống nghe hai tai mới được sử dụng phổ biến.
Trải qua nhiều cải biến, năm 1961, phiên bản ống nghe phổ biến nhất hiện nay đã ra đời do tiến sĩ David Littmann sáng tạo. Để nghe âm thanh có tần số thấp, người sử dụng chỉ cần nhẹ nhàng để màng nghe tiếp xúc trên vùng cần nghe, với âm thanh có tần số cao, người sử dụng chỉ cần ấn nhẹ màng nghe.
Ống nghe tim mạch là sự kết hợp đơn thuần của một trong những định luật vật lý cơ bản nhất, dẫn truyền và khuyếch đại âm thanh. Tuy nhiên, đó lại là một trong những tác động lớn và trở thành biểu tượng của nền y học hiện đại. Với mục đích ban đầu tạo ra khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân nhưng giờ đây nó đã trở thành công cụ lý tưởng gắn kết hai đối tượng trong quá trình chữa trị.
Bình luận