Vì sao đã có Nghị định về điều hành giá xăng dầu nhưng cơ quan quản lý lại không tuân thủ các quy định về nguyên tắc điều hành giá theo cơ chế thị trường?
“Kiềm chế”, “trì hoãn”, “neo giá”… là những cụm từ mà cả cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp và giới truyền thông sử dụng để nói về giá xăng dầu những ngày qua.
Và chắc hẳn sẽ lại “tăng sốc”, “tăng cao”, “tăng nhiều, giảm ít” trong điều hành xăng dầu những ngày tới.
Tất cả những cụm từ mạnh mẽ này không phải không có lý, khi thị trường xăng dầu trong nước đang không đồng hành với diễn biến của giá xăng dầu thế giới, cũng không tuân thủ theo quy định của Nghị định 83 về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Sau nhiều lần trì hoãn, 21h ngày 5/5, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng giá xăng RON 92 thêm 1.950 đồng/lít.
Vì sao lại có sự tăng giá xăng cao như vậy, khi mà lần điều chỉnh tăng giá này đã đồng thời phải trích/xả quỹ bình ổn cũng ở mức tương đối cao, với 1.437 đồng/lít cho mặt hàng này?
Theo lý giải của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, mặc dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới có dấu hiệu đảo chiều tăng trở lại, song, “nhằm bình ổn giá cả thị trường”, trong 5 lần điều hành giá gần đây nhất, đã có tới 4 lần “giữ ổn định giá bán xăng dầu” - với mức tổng chi từ quỹ bình ổn lên tới hơn 6.300 đồng/lít.21h ngày 5/5, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng giá xăng RON 92 thêm 1.950 đồng/lít (Ảnh minh họa)
Với diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới biến động tăng khá ổn định do xu hướng phục hồi của thị trường dầu mỏ thế giới đã làm cho giá cơ sở mặt hàng xăng kỳ tính giá ngày 5/5/2015 chênh lệch cao hơn so với giá bán 3.387 đồng/lít.
Vì sao đã có Nghị định về điều hành giá xăng dầu nhưng cơ quan quản lý nhà nước lại không tuân thủ các quy định về nguyên tắc điều hành giá theo cơ chế thị trường?
Tại sao lại trì hoãn việc điều hành theo cách tăng đúng chu kỳ, giảm đủ chỉ tiêu - với đơn giản mong muốn của người dân và cả doanh nghiệp là “tăng bao nhiêu - giảm bấy nhiêu, không tăng nhiều - giảm ít “?
Theo lý giải của đại diện Bộ Công thương tại cuộc họp báo thường kỳ tháng tư của Bộ này, nếu tính đúng chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày thì 29/4 là đến kỳ phải điều chỉnh.
Tuy nhiên, do “ngày điều chỉnh giá trùng vào đợt nghỉ lễ dài nên Bộ Công thương quyết định lùi thời điểm điều chỉnh vào ngày 04/5” (theo đúng lịch làm việc sau kỳ nghỉ lễ).
Điều lý giải này xem ra không thuận với cách thức quản lý thời hội nhập, lại càng không thể chấp nhận được bởi các nguyên tắc của thị trường.
Với 2 lần “trì hoãn” điều chỉnh tăng trước đó, lý do lạm phát, vĩ mô, tác động cộng hưởng chỉ số giá tiêu dùng sau tăng giá điện v.v. và v.v được đưa ra - có lẽ cũng không ổn chút nào.
Bởi, lạm phát 4 tháng đầu năm nay ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đấy, chỉ ở mức 0,04%, còn cách xa mục tiêu điều hành lạm phát 5% trong năm nay.
Lo ngại việc điều hành giá vào thời điểm cận kỳ nghỉ lễ dễ xảy ra tình trạng các dịch vụ tăng “té nước theo mưa” lại càng không thể chấp nhận được.
Nó tỏ rõ sự áp đặt, can thiệp hành chính theo tư duy rất chủ quan trong công tác quản lý thị trường, bất chấp quy luật của thị trường và mục tiêu tối thượng mà Chính phủ đã yêu cầu tại Nghị định về kinh doanh xăng dầu - sau rất nhiều năm kiên trì, quyết tâm sửa đổi.
Nhưng cuối cùng đã không thể trì hoãn thêm được nữa, khi mà giá xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục đà tăng khá ổn định, trong khi quỹ bình ổn xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đã có dấu hiệu âm, tổng chung quỹ bình ổn không đủ sức để neo giá lâu hơn và trích nhiều tới mức kỷ lục - gần 2.500 đồng/lít (như đợt điều hành ngày 24/2).
Lần tăng giá này chắc hẳn cũng sẽ “gây sốc” đối với không ít người tiêu dùng, bởi suốt từ đầu năm đến giờ, họ đang được hưởng giá xăng ở dưới mức 18.000 đồng/lít, cho dù đã có 1 lần tăng 1.600 đồng/lít.
Với cách quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xăng dầu như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc tham gia thị trường.
Còn chuyên gia thì tỏ rõ sự lo ngại về sự kéo dài, trì hoãn việc cam kết điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Câu hỏi “điều hành xăng dầu - bao giờ mới có thị trường” đã thực sự nóng lên tại Diễn đàn chính sách về biến động giá dầu 2014-2015 vừa được tổ chức mới đây, khi các chuyên gia đồng một quan điểm: Quốc hội cần đóng vai trò quyết liệt hơn trong cải cách thể chế kinh tế thị trường, sớm mở cửa thị trường kinh doanh xăng dầu!.
Nguồn: VOV
Bình luận