• Zalo

Điều hành giá điện 'như đi trên dây'

Kinh tếThứ Sáu, 16/10/2015 07:28:00 +07:00Google News

Đó là ý kiến của Lê Hồng Tịnh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc Hội tại Diễn đàn "Cơ sở khoa hoc của việc tính giá điện".

(VTC News) - Đó là ý kiến của Lê Hồng Tịnh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc Hội tại Diễn đàn "Cơ sở khoa hoc của việc tính giá điện" do Hiệp hội các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 16/10.

Nói về cơ sở tính giá điện, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, chưa thể bàn cơ sở khoa học thời điểm giá điện chưa vận hành theo cơ chế thị trường.
Điều hành giá điện như đi trên dây
Điều hành giá điện được nhận xét là như đi trên dây 
Ông Thái nhận xét, biểu giá điện hiện hành gây ra nhiều hiểu lầm, một trong những hiểu lầm dư luận không đồng ý là lúc tăng nhanh, tăng chậm, giá điện tính số lẻ, số chẵn và không khoa học và rất "lộn xộn".


Đồng tình với quan điểm này về điều hành giá điện hiện nay, ông Ngô Đức Lâm, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam cũng cho rằng, cách tính giá điện hiện nay cũng chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

Theo ông Lâm, vấn đề minh bạch giá điện vừa qua các ngành rất rõ nhưng đối với điện, đến các nhà khoa học được tiếp cận và nghe các nội dung liên quan điến cơ sở tính giá điện, biểu giá điện cũng "bó tay", không hiểu rõ và nói rõ được.

Thứ hai, năng suất lao động ngành điện thấp cũng ảnh hưởng đến giá điện. Hiện nay 1 kWh điện năng hiện phải gánh chịu quá nhiều chi phí, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian.

"Theo đó, các Thông tư của Bộ Công Thương và Bộ Lao động Thương binh và xã hội cũng cần thiết phải bàn luận thêm về số người được tính hưởng lương cho 1kWh", ông Lâm nhấn mạnh.

Thứ ba, giá điện cũng chịu ảnh hưởng của yếu tố tổn thất truyền tải hệ thống. Hiện tại, chi phí này đang ảnh hưởng không nhỏ đến giá điện. Năm 2013, tổn thất truyền tải hệ thống là 8,8%. (trong khi Thủ tướng yêu cầu là 8%), năm 2014 đã tăng > 9%.

Nếu tổn thất truyền tải hệ thống nếu thêm 1%, ngành điện sẽ mất đi 1,1 tỷ kWh. Chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/1kWh, năm 2015 đã được tính là 104 đồng/kWh, mà nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí chính là tăng tổn thất truyền tải này.

Ông Lâm cũng cho biết, cách đây 18 năm, tại chính phòng hội thảo này, Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường cũng từng bàn về giá điện với Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và quyết định không điều chỉnh giá vì tổn thất điện quá lớn lên đến hơn 20%.

Đáng chú ý, trong các chi phí cấu thành nên giá điện thì chỉ có 2 chi phí là khấu hao và định mức lương là do Nhà nước quy định. Còn lại các chi phí khác hoàn toàn do EVN tự quyết định.

“Vấn đề EVN tự quyết định dẫn đến có thể có nhiều yếu tố không khách quan, có lợi cho bên sản xuất, không minh bạch, ảnh hưởng nhiều đến yếu tố giảm giá thành”, ông Lâm đánh giá.

Việc công khai, minh bạch giá thành sản xuất điện cũng được Bộ Công Thương và EVN công khai hàng năm. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng việc minh bạch trên vẫn chưa đủ, bởi điều quan trọng nhất của các loại giá là cần công khai các yếu tố đầu vào để tính toán chi phí.

Vị chuyên gia trên cho rằng: “Trong các yếu tố đầu vào, có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng mà người tiêu dùng cần biết”.

PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, biểu giá điện hiện nay xây dựng chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hoạch toán. Công suất và  điện năng, điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, mà chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí  như  mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, việc giảm tổn thất, hạ giá thành của hệ thống.

"Giá điện khác hẳn với các sản phẩm khác như xăng dầu vì nó chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới. Hơn nữa, giá điện không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn như giá xăng dầu, giá điện cần sự ổn định nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vi mô và an sinh xã hội", ông Duệ nói.

Cũng liên quan đến vấn đề điều hành giá điện, ông Ngô Đức Lâm tỏ ra lo lắng trước những vấn đề đang tồn tại của ngành điện như: Ghi số điện không chính xác, công tơ chạy không chính xác, đặt công tơ như thế nào để ở đâu có thể tự theo dõi được và kiểm định công tơ có khách quan, có chuyển sang đơn vị giá điện cho khách quan cũng chưa được giải quyết?

PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ đưa ra giải pháp rằng, để giá điện hợp lý, bản thân doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí và người tiêu dùng tiêu dùng phải tiết kiệm trong việc dùng điện cho sinh hoạt. Một trong những giải pháp đáng quan tâm nữa của ông Duệ là việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành điện, tăng thành phần doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài tham gia vào sản xuất kinh doanh điện.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn