Anh Thảo lấy chị Sâm đã ngót nghét chục năm rồi mà vẫn chưa có con. Hai vợ chồng khám chữa khắp nơi nhưng do nội tiết của chị gặp vấn đề nên tốn kém bao nhiêu cũng chẳng sinh được mụn con nào. Bà Lan - mẹ anh Thảo - mới đầu còn động viên con dâu chữa bệnh nhưng càng về sau, khi hi vọng ngày một mất đi, bà chẳng thiết tha gì cô con dâu ngoan hiền nữa, cái bà cần là có một đứa cháu nội để ẵm bồng. Mỗi lần về quê, bà lại chạnh lòng khi gia đình em ruột của chồng chiếm luôn nhà thờ hương hỏa vì người ta có cháu trai, trong khi nhà bà độc đinh, giờ lại sắp tuyệt tự đến nơi. Hỏi làm sao còn chờ được nữa...? Dù cưới nhau đã nhiều năm nhưng hai vợ chồng vẫn chưa sinh được mụn con nào khiến mẹ chồng rất sốt ruột. (Ảnh minh họa)
Sốt ruột quá, nhân lúc con dâu đi làm vắng nhà, bà nói chuyện với con trai tìm người khác sinh con để "nối dõi tông đường". Lần này, bà nói thẳng ra là muốn anh Thảo bỏ vợ, lấy đại một cô già cũng được, xấu cũng được, chẳng có công ăn việc làm cũng được, miễn là biết sinh một thằng cu, để sau này còn bê ảnh cho bà nội. Nhưng dù nói thế nào anh con trai độc nhất của bà cũng không hề lay chuyển, anh bảo vợ anh chẳng lỗi lầm gì, từ trước đến nay luôn hiếu thảo với mẹ chồng (bố anh đã mất từ lâu), yêu thương chồng hết mực, lại đảm đang, tháo vát, lo lắng, vun vén cho gia đình thì sao nỡ bỏ.
Bà Lan nghe con trai phân trần mà ruột càng rối như tơ vò. Rồi bà khóc như mưa, xin anh Thảo nghĩ đến mẹ, nghĩ đến ông bố đã khuất sớm của anh mà tìm cách để sinh lấy một mụn con, trai hay gái gì cũng được. Thương mẹ, hiểu nguyện vọng của bà từ lâu nhưng anh cũng thấy thương cả vợ mình, nào cô ấy có muốn mình mắc phải căn bệnh hiếm muộn này đâu. Anh nói với mẹ: "Con cái là của trời cho, chỉ vợ chồng mới là bạn đời thôi mẹ ạ. Giả sử đổi lại con là người bị bệnh, thì Sâm cũng chẳng bao giờ thay lòng đổi dạ". Bà Lan nghe con nói thì chỉ mỉa mai buông thõng một câu: "Nếu đúng như thế thật thì tôi mặc kệ anh chị sống với nhau...".
Anh Thảo chẳng nói gì nữa, chỉ cười trừ rồi quay lại phòng làm việc. Tối nay chị Sâm phải nhận một chuyến hàng đêm, chắc muộn lắm mới về...
Hơn một giờ sáng, đang mệt bã người vì phải canh chuyến hàng đêm thì chị Sâm thót cả tim khi nghe thấy tiếng rì rầm trong phòng vẽ của chồng. Đi thật khẽ lại gần, định bụng phải bắt được quả tang anh chồng họa sĩ tài hoa và cô giúp việc trẻ đẹp đang tâm sự chuyện "thầm kín" thì họ mới hết đường chối cãi. Nhưng ngay lúc định mở cửa xông vào thì chị nghe thấy tiếng người giúp việc hỏi phía sau lưng:
- Chị đã về rồi đấy à?
Quá bất ngờ, chị tự hỏi nếu người giúp việc ở đây thì không biết chồng mình đang trò chuyện với ai trong phòng? Đến khi mở cửa, chị còn sởn gai ốc hơn khi thấy chỉ có mỗi mình anh Thảo đang ngồi quay mặt vào tường cười lên khanh khách. Vẫn biết một vài nghệ sĩ tài hoa thường có điểm khác người, nhưng nhìn chồng thế này thì chẳng khác nào xem phim kinh dị. Cũng bắt đầu từ thời điểm ấy, chị Sâm thấy chồng thay đổi nhiều. Ban ngày thì hầu như bình thường nhưng cứ đêm đến là anh lại lẩn thẩn đi khắp nhà trò chuyện với "ai đó" vô hình. Anh Thảo không mộng du vì anh vẫn ý thức được mọi chuyện xung quanh. Ví dụ như nhờ vợ nấu cho... 2 tô mì gói với thịt bò. Anh chén bát tái kĩ còn bát tái vừa thì đẩy về phía đối diện trên bàn ăn và mời mọc như thể có ai đang ngồi đó, rồi vui vẻ bảo: "Anh ăn đi cho nóng". Nhiều tháng trôi qua nhưng chứng bệnh của anh Thảo vẫn không thuyên giảm. (Ảnh minh họa)
Tận mắt chứng kiến hành động lạ của chồng, chị Sâm sợ quá nên bỏ về phòng ngay lập tức. Cô liên tưởng đến những câu chuyện tâm linh mà mình đã từng nghe. Hay là.. anh Thảo đang bị thế lực siêu nhiên nào chi phối? Gọi điện cầu cứu mẹ chồng thì bà còn khiến chị lo sợ hơn nữa khi kể rằng người anh trai sinh đôi (đã mất) với chồng chị rất thích mì nấu cùng thịt bò tái vừa. Vào những ngày phải học đêm ôn thi, thế nào hai anh em cũng kêu đói rồi nhờ mẹ nấu mì lót dạ. Bà khuyên con dâu nên tìm thầy cúng hay pháp sư cao tay gì đó để làm lễ.
Tiếp theo đó là những chuỗi ngày chị Sâm bỏ cả buôn bán đi tìm thầy giải hạn cho chồng. Tốn kém, vất vả, mệt mỏi không biết bao nhiêu cho đủ nhưng bệnh tình của anh ngày càng có triệu chứng nặng hơn. Trước đây, khi đêm đến anh mới quay mặt vào tường trò chuyện, quanh đi quẩn lại chỉ là hỏi han sức khỏe, công việc và những sở thích cá nhân. Còn bây giờ, giữa ban ngày anh cũng chạy ra đường chặn các xe đang đi để bắt họ di tản vì "bạn tưởng tượng" báo sắp xảy ra động đất. Vào bữa cơm trưa, anh bắt vợ ăn mặc thật đẹp để giới thiệu gia đình với "bạn tưởng tượng". Trước mặt vợ, bao nhiêu chuyện "bí mật" anh tuôn ra bằng hết. Nhờ đó mà chị Sâm biết đã đôi lần chồng phản bội mình với các cô người mẫu. Nhưng giờ chị chẳng còn hơi sức đâu mà ghen tuông nữa, chỉ mong anh chóng khỏi bệnh.
1 tháng, 2 tháng rồi 3 tháng trôi qua trong khắc khoải, hi vọng của cả nhà, nhưng chứng bệnh lạ của anh Thảo vẫn chẳng hề thuyên giảm. Những sự kiện bất thường của anh xảy ra ngày một nhiều hơn, khiến cho cuộc sống của cả nhà bị đảo lộn. Vợ anh là người mệt mỏi nhất vì vừa phải trông nom, chữa chạy cho chồng lại vừa phải chu tất việc buôn bán ngoài chợ. Dẫu cực nhọc đến đâu, chưa ai thấy chị gắt gỏng, bực bội với chồng nửa lời, lúc nào cũng "anh ơi", "anh à" ngọt như mía lùi. Đến bà Lan khó tính như thế nhiều khi cũng phải rớt nước mắt vì thương và nể con dâu. Nghĩ lại lúc trước từng bắt con trai bỏ vợ, bà thấy hối hận vô cùng. Vậy nên đúng vào ngày giỗ chồng, bà đứng trước bàn thờ, bên cạnh con dâu mà khấn. Bà xin tổ tiên tha thứ cho tuổi già lẩm cẩm, trót từng làm điều không phải với các con, nhất là với nàng dâu hiếu thảo, thủy chung như chị Sâm. Bà cũng thề từ nay sẽ coi con dâu như con gái trong nhà, chẳng bao giờ ca cẩm chuyện "nàng dâu khác máu tanh lòng" nữa.
Đúng lúc ấy, anh Thảo cười lớn bước lại, anh ôm chầm lấy cả mẹ và vợ. Anh xin lỗi hai người bởi bấy lâu nay cố tình dựng lên màn kịch để vừa thử lòng vợ lại vừa giúp mẹ nhận ra con dâu tốt nết đến đâu. Bà Lan thì sững cả người không nói được câu gì còn chị Sâm thì ôm mặt chạy về phòng khóc nức nở. Chị cảm thấy bị tổn thương vì anh Thảo đã đem vợ ra làm trò thử thách. Trải qua nhiều biến cố, cuối cùng anh chị đã có được niềm hạnh phúc bên hai đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn. (Ảnh minh họa)
Chẳng lẽ với anh chị không đáng tin cậy hay sao? Đúng lúc chị định soạn vali về nhà ngoại thì thấy chồng bước vào. Anh giữ chặt vali rồi lại ôm lấy vợ. Lần này anh ôm rất chặt, bảo rằng sẽ không bao giờ buông ra nữa. Đợi cho chị hết cơn nức nở, anh khẽ đỡ vợ ngồi xuống giường rồi kể lại mọi chuyện mà mình và mẹ đã nói ngày hôm đó. Anh bảo nghĩ nát óc cũng chỉ còn cách này để mọi người trong nhà hiểu rồi gần nhau hơn mà thôi. Dù giận chồng đến phát uất nhưng chị Sâm vẫn phải phì cười khi nghĩ lại biểu hiện dở dở, ương ương của anh lúc giả điên, giả dại.
Đột nhiên, chị Sâm nhìn chồng nghi ngại, thì thào hỏi:
- Thế nhỡ em không chịu được mà bỏ anh như nhiều người đã khuyên thì sao?
Anh Thảo nắm tay chị, nhìn sâu vào đôi mắt còn long lanh ướt, rồi chậm rãi trả lời:
- Anh biết rất nhiều người khuyên em như thế, nhưng anh hiểu và tin em sẽ không bao giờ làm điều ấy. Còn nếu có, thì cuộc hôn nhân này không vững bền như ta nghĩ, liệu duy trì nó có nên hay không? Điều gì thuộc về mình thì sẽ mãi ở đó, còn nếu nó ở đó mà không thuộc về mình thì sớm muộn cũng sẽ biến mất mà thôi.
Một năm sau biến cố, nhà anh Thảo đã có tin vui. Chị Sâm vào bệnh viện thực hiện hỗ trợ sinh sản thành công, sinh hạ cặp đôi một gái, một trai đẹp như thiên thần. Bà Lan vui lắm, quấn quít bên các cháu suốt ngày và thường hát đi hát lại câu:
"À ơi,
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon".
Tâm Giao
Bình luận