Buổi trưa, bệnh nhân lặp đi, lặp lại không ngừng: “Xin anh cho em về, cho em về, cho em về. Khổ lắm rồi, đủ khổ rồi, đủ khổ rồi…”.
Hai câu nói đó được chị Lê Thị M. (36 tuổi, quê Thanh Hóa) nói với chồng mình cả trăm lần kể từ khi chị tỉnh dậy và phát hiện ra mình đang ở trong bệnh viện tâm thần.
Cứ mỗi lần ăn hết một thìa cơm, dùng xong một loại thuốc, chị lại năn nỉ chồng: "Xin anh cho em về".
Anh chẳng đáp lại, chỉ kiên nhẫn giúp các điều dưỡng viên bệnh viện giữ vợ mình ngồi đủ vững vàng, ngay ngắn để hoàn thành mũi tiêm thuốc cuối cùng của buổi sáng.
Bên ngoài, chị Nguyễn Thị Phương – Y tá trưởng của Khoa 6 cố nén vẻ mệt mỏi, trấn an gia đình anh: "Chỉ cần yên tâm điều trị, bệnh của chị M. sẽ có tiến triển tốt".
Ăn ngủ cùng bệnh nhân
Kíp trực tại đây chỉ có 4 người, trong đó có 1 bác sĩ và ba điều dưỡng viên. 10 giờ sáng, khi bệnh nhân bắt đầu ăn trưa, cũng là lúc kíp trực chia nhau ra để đôn đốc bệnh nhân.
Họ có nhiệm vụ trông nom, đảm bảo bệnh nhân ăn ngủ đúng giờ, uống thuốc đều đặn, và xử trí khi bệnh nhân có cơn xung đột.
Chia sẻ với PV VTC News, chị Kim Anh (34 tuổi) - một trong những điều dưỡng viên tại Khoa - cho biết, tuy là thời điểm cận Tết nhưng vẫn có bệnh nhân mới nhập viện điều trị, như trường hợp của bệnh nhân M. nói trên.
Bởi vì điều kiện đặc thù của ngành điều trị bệnh tâm thần nên chính các chị - những nữ điều dưỡng tại đây - là những người trực tiếp tỉ mỉ chăm sóc cho bệnh nhân như người thân ruột thịt. Có bệnh nhân nhập viện trong trạng thái chẳng còn ý thức, từ ăn đến tắm giặt, vệ sinh cá nhân, một tay các chị lo hết.
"Đối với những bệnh nhân mới như M., chúng tôi sắp xếp giường, phòng nghỉ cho họ, làm hồ sơ tiếp nhận điều trị, sau khi bác sĩ khám thì mới bắt đầu chăm sóc cho họ".
Theo nữ điều dưỡng này, nếu bệnh nhân ý thức yếu quá, không cử động, không có ý thức ăn uống, điều dưỡng sẽ giúp họ ăn thông qua đường xông mũi.
"Những ngày bệnh nhân tắm thì sẽ có ba điều dưỡng cùng đến chăm sóc cho họ. Hai người giữ, chăm sóc hai bên, một người phụ trách tắm. Sau đó, vẫn hai người đó dìu bệnh nhân, một người phụ trách mặc quần áo.
Cứ triền miên như thế, cho tới khi thuốc có công hiệu, ăn uống có tác dụng, bệnh nhân tỉnh lại, biết tự vận động, khi ấy công việc mới đỡ đi phần nào”, chị kể trong lúc đôi tay nhanh nhẹn đỡ lấy người bệnh lảo đảo từ trên giường đi xuống, dìu họ trở về phòng bệnh.
Không sợ hãi dù cho bệnh nhân hung dữ
Gần mười năm công tác, thời gian và kinh nghiệm công tác cũng khiến cho công việc những nữ điều dưỡng bệnh viện tâm thần phần nào bớt vất vả. Nhưng, đối với những bệnh nhân đặc biệt, công việc của họ vẫn chưa bao giờ giảm bớt.
Thi thoảng, bệnh nhân nổi khùng, xung động mãnh liệt, kích động, quát mắng, ẩu đả, lấy đồ, cướp đồ của các bệnh nhân khác. Khi đó, bệnh nhân chẳng còn e dè điều gì nữa, lại rất khỏe mạnh.
Dù có 4 người, nhưng kíp trực không đủ nhân lực, phải gọi điều dưỡng viên từ khoa khác tới hỗ trợ cố định bệnh nhân để tiêm thuốc điều trị làm giảm cơn xung động.
Video: Con gái nghiện facebook, bố mẹ đánh thuốc mê đưa con vào viện tâm thần
Chị Kim Anh kể: “Ban đầu khi thấy bệnh nhân như vậy, tôi sợ lắm, lo rằng mình có thể bị bệnh nhân đánh, rồi bị mắng. Trong khi đó, một kíp trực bốn người toàn phụ nữ, mà kể cả đàn ông, cũng thực sự không đủ lực để kiềm giữ người bệnh.
Tôi từng công tác tại Khoa Cấp tính nam, nam điều dưỡng cũng có nhiều người rất khỏe mạnh, thế nhưng bệnh nhân còn khỏe hơn, nhiều khi tưởng chừng như không kiềm chế được họ nữa.
Có những đêm, bệnh nhân la hét khi gặp phải cơn ác mộng, chúng tôi cũng vì vậy mà thức trắng.
Trước đó nữa, tôi mới về công tác, lại đang mang bầu, cứ gặp bệnh nhân nào là bị bệnh nhân ấy đuổi. Ở đây ấy mà, bệnh nhân họ điều trị lâu, biết hết các bác sĩ là ai rồi, thế nên gặp người mới họ cứ đuổi xơi xơi ấy”.
Vượt lên trên nỗi sợ hãi ban đầu, kiên trì tiếp tục làm việc, chị quen với bệnh nhân, môi trường làm việc.
Cuối năm, ca trực của chị kéo dài tới tận sáng ngày 28 Tết, tuy thế, điều dưỡng Kim Anh chỉ cười bảo: “Làm công việc này, chúng tôi giống như người nhà của bệnh nhân vậy, mà làm việc với gia đình của mình, thì cũng sẽ thoải mái. Vất vả rồi cũng thành quen.
Chỉ mong sao bệnh nhân khỏi bệnh, gia đình thì vui vẻ hòa thuận, thế là quá đủ cho một năm hạnh phúc rồi”.
Bình luận