Vừa qua, vụ việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều động cán bộ, giáo viên làm lễ tân, phục vụ hoạt động ngoại khoá khiến dư luận xôn xao.
Bình luận về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng việc điều động giáo viên “tiếp khách mà không trong sáng thì không được”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nhạ khẳng định theo Luật Công chức viên chức, cán bộ giáo dục, giáo viên không được uống rượu bia trong giờ hành chính.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh thừa nhận việc làm trên là có thật và cho rằng việc các nữ giáo viên tiếp khách là vinh dự. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ lại cho rằng đó chỉ là quan điểm của ông Nguyễn Văn Hổ.
“Còn trong việc này, phải lắng nghe phụ huynh học sinh, giáo viên để từ đó chỉnh sửa”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Ngay sau khi có thông tin trên báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu ngành giáo dục Hà Tĩnh báo cáo về sự việc.
“Đây không phải chỉ dừng lại ở một địa phương. Vấn đề gì ảnh hưởng tới uy tín của ngành, không đúng với tôn chỉ mục đích của ngành thì Bộ phải có chỉ đạo. Nếu thuộc thẩm quyền địa phương thì chúng tôi cũng có nhắc nhở, nếu thuộc thẩm quyền Bộ thì chúng tôi cũng có ý kiến”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định những vấn đề thực hiện không đúng quy định thì cần xử lý ngay.
Video: Thách đố trên Facebook, nữ sinh đốt trường: Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói "đáng tiếc"
“Các thầy ngoài việc là một chuyên môn, còn là tấm gương. Đã làm tấm gương thì không thể nói trong giờ hành chính thì chấp hành, ngoài giờ hành chính thì không chấp hành. Đã là một giáo viên thì phải chấp hành hình ảnh người nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh, nhân dân. Thầy cô nghiêm túc chuẩn mực là một tấm gương sáng, tốt hơn cả chuyên môn”, ông Nhạ nói.
Xung quanh vấn đề này, một số giáo viên phản ánh sau liên hoan còn phải đi cùng quan khách tới một nhà hàng ở thị xã Hồng Lĩnh ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò, khiến các cô cảm thấy phiền hà và không thoải mái. Vì vậy, ông Nhạ cho rằng cần xác định rõ trách nhiệm tới đâu xử lý tới đấy.
Đã là một giáo viên thì phải chấp hành hình ảnh người nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh, nhân dân. Thầy cô nghiêm túc chuẩn mực là một tấm gương sáng, tốt hơn cả chuyên môn.
Ông Phùng Xuân Nhạ
“Nói là xử lý thì hơi nặng nhưng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Hiện nay, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã có phản hồi về sự việc tuy nhiên chưa có văn bản báo cáo chính thức. Tuy nhiên, những việc làm không phù hợp với giáo viên đều không được chấp nhận.
Nhiều ý kiến cho rằng do giáo viên sống tại địa phương nên khi có yêu cầu đi tiếp khách rất khó từ chối. Để hạn chế những khó khăn cho các giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các giáo viên cần nắm chắc Luật Giáo dục.
Vì vậy, các thầy cô giáo cần giữ được phẩm chất nhà giáo. Nếu các thầy cô vẫn bị ép buộc thì sẽ tính tới việc xử lý người ép buộc.
“Ai sai tới đâu xử lý tới đấy. Còn thầy cô không phát huy được bản lĩnh của mình, phẩm chất của mình thì lúc đấy lại đổ cho người khác. Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên. Tôi đề nghị nghiêm từ trong ngành, từng thầy cô một phải nghiêm túc”, ông Nhạ nhấn mạnh
Bình luận