(VTC News) – Sau khi thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu “Phương Đông” 2 năm 1962, nhà du hành vũ trụ số 2 thế giới German Titov đã đến thăm Việt Nam và được Bác Hồ đích thân dẫn đi thăm Vịnh Hạ Long.
Ngày mai, 14/9, tượng đài German Titov sẽ chính thức được khánh thành. Chúng tôi giới thiệu bài của nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Ủy viên thường vụ Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga, Tổng biên tập tạp chí “Bạch Dương”, về chuyến thăm Vịnh Hạ Long ít người biết cùng với Bác Hồ của Titov.
Bác Hồ nói chuyện với phi hành gia Titov |
German Titov, người thứ hai trên thế giới bay vào vũ trụ, lãnh đạo Hội Hữu nghị Xô - Việt và Nga - Việt liên tục mấy chục năm, có đóng góp to lớn vào việc tăng cường tình hữu nghị, sự hợp tác toàn diện giữa Liên Xô, LB Nga và Việt Nam.
'Truyền thuyết' đảo Titov
Gần 5 tháng sau khi thực hiện thành công chuyến bay vũ trụ trên con tàu “Phương Đông 2”, German Titov được Trung ương Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh mời sang thăm Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng ôm hôn thắm thiết Gherman Titov |
Nhà du hành vũ trụ 26 tuổi này được lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đón tiếp hết sức nồng hậu, chân tình. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đón, tặng hoa, ôm hôn thắm thiết German Titov và cùng với nhà du hành vũ trụ đứng trên xe mui trần đi qua nhiều con phố thủ đô Hà Nội giữa rừng người vẫy cờ Liên Xô, cờ Việt Nam và giương cao ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh German Titov reo hò chào đón.
Bác Hồ đã tiếp, nói chuyện thân mật với German Titov tại Phủ Chủ tịch. Tối 21/1/1962, tại cuộc chiêu đãi trọng thể chào mừng Anh hùng, phi công vũ trụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng German Titov danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam.
Rừng người reo hò chào đón nhà du hành vũ trụ Titov |
Sáng hôm sau, Bác Hồ cùng German Titov đáp máy bay về thăm khu mỏ than Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) và thăm Vịnh Hạ Long, đi thăm Vịnh bằng tàu của Hải quân.
Trên tàu, Bác và nhà du hành ngồi bên nhau, Bác làm “hướng dẫn viên du lịch” cho vị sứ giả của đất nước Xô-viết anh em.
Có lúc German Titov cầm lái và Bác Hồ đóng vai một người hoa tiêu. Có lúc German Titov say sưa đứng bên mạn tàu bấm máy quay phim ghi lại những hình ảnh biển đảo Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp.
Titov chèo thuyền |
Khi tàu gần đến một hòn đảo có bãi cát vàng, Bác đề nghị German Titov và những người cùng đi lên đảo ngắm cảnh, nghỉ ngơi và ăn trưa ở đây. Từ con tàu Hải quân, Bác Hồ cùng German Titov và hai người nữa đi trên một chiếc xuồng vào đảo.
Dịp đó thời tiết ở Vịnh Hạ Long hơi lạnh, khoảng 16 độ C, nhưng nhà du hành vũ trụ German Titov cởi trần, chỉ mặc chiếc quần bơi, hai tay chèo xuồng thoăn thoắt. Khi vào sát bãi cát, Titov nhảy ra khỏi xuồng rất nhanh nhẹn, khỏe khoắn.
Titov lái tàu |
Trong lúc nghỉ ăn trưa trên đảo, trong bầu không khí đầm ấm, chân tình, Bác nói với mọi người rằng Anh hùng, Phi công vũ trụ Liên Xô do còn bận công tác trong nước nên không thể ở Việt Nam mãi được và để ghi nhớ chuyến thăm của German Titov thì “Bác cháu ta đặt tên cho đảo này là đảo Titov”.
Mọi người có mặt lúc đó đều cười vui vẻ, đồng tình… Thế là từ ngày 22/1/1962, Vịnh Hạ Long có đảo Titov. Trước đó, khi Bác Hồ hỏi các cán bộ cùng đi về hòn đảo thì một cán bộ Hải quân báo cáo với Bác là hòn đảo được đánh số 48.
Chi tiết này được chính German Titov kể lại trong một cuốn phim tài liệu về chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông mà người viết bài này đang lưu giữ một bản sao (bằng tiếng Nga).
Được đến thăm Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam nồng hậu đón tiếp, G. Titốp đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốn sách “ 700000 kilômét trong vũ trụ”, kèm theo bức chân dung mình. Trên trang đầu cuốn sánh là lưu bút của tác giả với lời để tặng: “Kính tặng Bác Hồ với lòng biết ơn. G. Titốp. 24/01/62”. Cuốn sách hiện nằm trên giá sách phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tầng 2 của nhà sàn Bác Hồ.
Đảo Titov ở vịnh Hạ Long |
Theo nhiều tài liệu và bản đồ ở những thời kỳ khác nhau và theo truyền tụng trong dân gian thì hòn đảo này từng được gọi là đảo Hồng Thập Tự hay đảo Nghĩa Địa.
Sở dĩ có tên gọi này là do năm 1905 một tàu chở hàng của Pháp khi vào Vịnh Hạ Long vì không có hoa tiêu thông thạo luồng lạch nên đã đâm vào đá ngầm, bị đắm ở vũng Con Cóc, các thủy thủ thiệt mạng được đưa về chôn ở đảo này.
Titov quay Phim Vịnh Hạ Long |
Nhiều năm sau đó, đảo trở nên hoang vắng. Trong một bản đồ của Pháp vẽ về Vịnh Hạ Long cuối thế kỷ 19, đảo có tên là Cát Nàng.
Lần này, cùng với dự án xây dựng tượng đài German Titov trên đảo, tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện dự án mới xây dựng khu vực cảnh quan ngoại thất tượng đài và hoàn thiện cầu tàu, bến bãi làm cho đảo Titov thêm đẹp và có sức thu hút, có thêm nhiều mặt thuận lợi cho du khách đến thăm đảo.
Vì sao chỉ là 'số 2 thế giới'?
German Titov sinh ngày 11/9/1935 tại khu Altai, LB Nga. Ông nhập ngũ từ tháng 7-1953 và được đào tạo thành phi công quân sự. Năm 1960, German Titov được tuyển chọn vào đội ngũ các nhà du hành vũ trụ Liên Xô.
Phi hành gia Titov |
Bốn tháng sau chuyến bay của nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới là Yuri Gagarin (ngày 12/4/1961), German Titov thực hiện chuyến bay vũ trụ thứ hai của Liên Xô trên con tàu vũ trụ “Phương Đông 2”.
Là “nhà du hành vũ trụ số 2” nhưng chính ông là người xác lập nhiều thành tựu đầu tiên của con người trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ.
Yuri Gagarin chỉ bay một vòng quanh Trái Đất với thời gian 108 phút, còn German Titov bay 17 vòng quanh Trái đất với thời gian 1 ngày đêm và 1 giờ (ngày 6 và 7/8/1961).
Ông là nhà du hành trẻ nhất lên vũ trụ (thời điểm đó Titov 25 tuổi 330 ngày), là người đầu tiên đã ăn trưa, ăn tối và ngủ trong vũ trụ để phục vụ việc nghiên cứu tác động của trạng thái không trọng lượng đối với cơ thể con người. German Titov cũng là người đầu tiên chụp ảnh Trái đất từ vũ trụ.
Mộ Titov ở Nghĩa trang Danh nhân tại Matxcơva |
Có nhiều tài liệu của Liên Xô và Nga đề cập câu chuyện vì sao Yuri Gagarin được lựa chọn để bay lên vũ trụ chuyến đầu tiên, trở thành nhà du hành vũ trụ số 1, còn German Titov là nhà du hành số 2, mặc dù trong quá trình huấn luyện chuẩn bị chuyến bay thì tất cả các chỉ số về sức khỏe, về kỹ thuật… của hai người đều như nhau, thậm chí ở mặt nào đó Titov còn hơn Gagarin.
Theo một số tài liệu, Titov không được chọn bay chuyến đầu tiên vì vào dịp đó ông đang có chuyện buồn của gia đình: con trai đầu lòng 7 tháng tuổi của vợ chồng ông chết vì bệnh tim bẩm sinh.
Các cấp lãnh đạo Liên Xô và ngành vũ trụ lúc đó có phần lo ngại tâm lý của Titov không thật ổn nên quyết định để ông bay chuyến sau.
Cũng có tài liệu viết rằng nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushchev không thích cái tên “German” của Titov, cho rằng đó là một cái tên “không thật Nga”.
Nikita Khrushchev quan niệm phi công Xô-viết thực hiện chuyến bay vũ trụ đầu tiên không thể là một người có cái tên không thật… Nga lắm (bản thân Nikita Khrushchev là người Ukraine).
Gia đình Titov (bố mẹ Titov, hai vợ chồng Titovvà hai người con gái) |
Thực tế thì tên “German” do người cha, Stephan Pavlovich Titov đặt cho con trai mình theo tên nhân vật chính trong tác phẩm “Con đầm bích” của đại thi hào Nga A. S. Pushkin.
Stephan Pavlovich Titov là giáo viên nông thôn dạy văn, ông hết sức yêu quý con người và tác phẩm của Pushkin.
Nhưng cũng có tài liệu viết rằng, tổng công trình sư Sergey Korolyov quý Gagarin hơn vì Yuri Gagarin có tính cách nhẹ nhàng, trong khi Titov lại nóng nảy hơn bạn mình.
Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng lãnh đạo ngành vũ trụ Liên Xô lúc đó đã quyết định “để dành” German Titov cho chuyến bay sau khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với chuyến bay “biểu tượng” đầu tiên.
Ngay sau chuyến bay vũ trụ, thiếu tá German Titov được Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lênin cùng Huy chương “Sao vàng”.
Bà Tamara Vasilevna, vợ phi hành gia Titov gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Matxcơva tháng 5/2015 |
Sau đó, German Titov tiếp tục phục vụ trong binh chủng không quân, kinh qua một số trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của quân đội Liên Xô, giữ một số cương vị chỉ huy trong ngành vũ trụ và đến tháng 10 năm 1991 ông nghỉ hưu với hàm Thượng tướng Không quân.
German Titov cũng đã tiến hành công tác nghiên cứu khoa học, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 1980, sau đó là luận án Tiến sĩ khoa học. Ông là Phó giáo sư, từng là đại biểu Xô-viết Tối cao Liên Xô và Duma Quốc gia hai khóa.
German Titov có vợ là bà Tamara Vasilevna (sinh năm 1937). Ông bà có hai người con gái - Tachiana sinh năm 1963 và Galina sinh năm 1965; có một cháu trai và hai cháu gái. Tháng 10/1981 bà cùng German Titov trở lại thăm đảo Titov.
Video: Trái đất đẹp lung linh khi nhìn từ vũ trụ
Năm 2006, sáu năm sau ngày German Titov qua đời, bà Tamara cũng đến thăm đảo. Khi rảo bước trên bãi cát vàng ở đây bà đã bật khóc, hết sức xúc động trước tình cảm mà người Việt Nam dành cho gia đình bà. Lần này, bà cùng con gái Tachiana sang thăm lại Việt Nam, tham dự lễ khánh thành tượng đài Titov ngày 14/9/2015.
German Titov đã có những năm tháng hoạt động chính trị - xã hội gắn bó với Việt Nam, đóng góp công lao to lớn cho việc thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc kháng chiến và khôi phục đất nước.
Từ năm 1966 đến 1991, German Titov là Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Xô - Việt và từ năm 1992 đến năm 2000 là Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga - Việt cho đến khi qua đời vào ngày 20/9/2000.
Cùng với Danh hiệu Anh hùng Lao động, German Titov đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Hữu nghị. German Titov đã nhiều lần sang thăm Việt Nam và mùa Hè năm 1999 ông trở lại Hạ Long, trở lại thăm hòn đảo mà như ông nói vui trong một bộ phim tài liệu là biến ông “trở thành chúa đất” và ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong chuyến thăm Vịnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Đăng Phát
Bình luận