• Zalo

Điều chỉnh linh hoạt giá điện theo tín hiệu thị trường

Thời sựThứ Tư, 18/04/2012 05:42:00 +07:00Google News

(VTC News) – Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước".

(VTC News) – Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quy định trong dự Luật điện lực: “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.

Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, qua thẩm tra về giá điện, có ý kiến đề nghị Nhà nước không nên can thiệp vào giá điện mà để thị trường tự điều chỉnh để có được thị trường điện cạnh tranh toàn diện và thu hút đầu tư khắc phục tình trạng thiếu điện như thời gian qua.

Nhiều ý kiến đề nghị để thị trường điều chỉnh giá điện. (Ảnh: Internet)  

Đa số các ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ cho rằng trong thời gian vừa qua, giá điện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận hợp lý, do đó chưa thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện đồng thời chưa tạo động lực cho việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ứng dụng công nghệ sản xuất sử dụng ít điện năng.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quy định trong dự luật: “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.

“Quy định như vậy vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện - loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước” – ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị giá điện phải có bước đi phù hợp, tính đúng, tính đủ cho sản xuất, kinh doanh và làm rõ vai trò điều tiết của Nhà nước, theo đó, “Nhà nước dùng bàn tay của mình điều tiết bằng cái gì, hay là bên cạnh điều tiết bằng vật chất thì điều tiết bằng hành chính – cần làm rõ sự điều tiết của Nhà nước là như thế nào", ông Hiển nói.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với quy định của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực theo hướng Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện.  

Về cơ cấu giá điện, theo Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ thì thị trường điện Việt Nam được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014); thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (từ sau năm 2022). Như vậy, thời gian tới, giá phát điện sẽ được xác định theo cơ chế thị trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, chi phí cho các khâu truyền tải, phân phối điện rất cần có sự giám sát của cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm bảo đảm mức giá điện vừa phù hợp với khả năng chi trả của đa số khách hàng sử dụng điện, nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhưng cũng tạo động lực để thu hút đầu tư, khuyến khích cạnh tranh trong hoạt động điện lực.

Cũng theo ông Dũng, cơ cấu giá điện cũng cần phải được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn trong Dự thảo Luật để làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát.

“Nhiều quốc gia cũng đã thực hiện việc công khai cơ cấu giá điện ngay trong hóa đơn trả tiền điện của khách hàng sử dụng điện”, ông Dũng nói.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự luật đưa quá nhiều loại phí, loại giá (khung giá phát điện; giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá bán buôn điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực) - khiến người dân nghĩ “đưa nhiều loại phí, loại giá như vậy mà vẫn phải bù lỗ”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp thu ý kiến này.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, “vì chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu ngành điện, tái cơ cấu có nhiều khâu và nhà nước có những khâu giữ độc quyền, có những khâu xã hội hóa, hiện nay đang theo hướng truyền tải điện độc quyền, phát điện xã hội hóa, bán lẻ điện sau 2020 cũng tiến hành xã hội hóa một phần”.

Về ý kiến cơ cấu xây dựng giá điện cần minh bạch, rõ ràng, Bộ trưởng Hoàng nhận định đây là ý kiến hoàn toàn đúng, nhân dân cũng rất mong muốn giá điện được xây dựng trên cơ sở nào, theo đó, trong quá trình soạn thảo luật sẽ điều chỉnh cho minh bạch, rõ ràng.


Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn