• Zalo

Điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và 3 tỉnh

Tin nhanh 24hThứ Ba, 27/04/2021 10:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính với Hà Nội và các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang.

Sáng 27/4, tại phiên họp 55, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến biểu quyết về 4 Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính 4 tỉnh, thành phố.

100% các đại biểu biểu quyết bằng hình thức giơ tay về việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo tóm tắt về việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện trạng tỉnh Thanh Hóa có 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 471 xã, 60 phường, 28 thị trấn. Huyện Yên Định có 26 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 xã và 2 thị trấn. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đề nghị thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Quý Lộc và xã Yên Lâm thuộc huyện Yên Định.

Sau khi thành lập, tỉnh Thanh Hóa có 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 469 xã, 60 phường, 30 thị trấn. Trong đó, huyện Yên Định có 26 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 4 thị trấn.

Điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và 3 tỉnh - 1

Phiên họp thứ 54 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 27/3.

Tại tỉnh Đồng Nai đề nghị thành lập thị trấn Long Giao trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ. Sau khi thành lập, tỉnh Đồng Nai có 170 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 40 phường, 9 thị trấn và 121 xã. Trong đó, huyện Cẩm Mỹ có 12 xã và 1 thị trấn.

Tỉnh Tuyên Quang, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên (90,91 km2) và dân số (7.842 người) của xã Phúc Sơn và toàn bộ diện tích tự nhiên (41,67 km2) và dân số (6.757 người) của xã Minh Quang thuộc huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình quản lý. Thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Lăng Can.

Điều chỉnh 0,58 km2 diện tích tự nhiên, 923 người của xã Lang Quán và 2,29 km2 diện tích tự nhiên, 1.788 người của xã Tứ Quận về xã Thắng Quân quản lý. Thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn trên cơ sở 29,21 km2 diện tích tự nhiên, 22.041 người của xã Thắng Quân (sau khi điều chỉnh và đổi tên đơn vị hành chính).

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn, tỉnh Tuyên Quang có 138 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 122 xã, 10 phường và 6 thị trấn.

Tại thành phố Hà Nội, điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của 8 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân của phường Nghĩa Tân (gồm các tổ: 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh 10,32 ha; dân số 6.096 người.

Điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 của phường Mai Dịch đang thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh 1,86 ha; dân số 703 người.

Đối với Tổ dân phố Hoàng 4 của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (trước đây là thôn Hoàng 4 của xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) nằm giữa các tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân do phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy quản lý giữ nguyên hiện trạng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thực tế quản lý dân cư ngoài địa giới hành chính của các phường Nghĩa Tân, Mai Dịch (quận Cầu Giấy) thời gian qua là không đúng quy định. Việc này dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý của chính quyền các cấp, nhất là công tác quản lý cư trú, đảm bảo an ninh trật tự và việc quản lý hành chính trên các lĩnh vực như quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục…

Do những bất cập nêu trên, nhân dân sinh sống tại 8 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân và tại tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 đều có nguyện vọng được điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính về quận Cầu Giấy quản lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã có báo cáo tóm tắt thẩm tra các Đề án điều chỉnh địa giới và thành lập đơn vị hành chính của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.

Điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và 3 tỉnh - 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hồ sơ lần này của tất cả các cơ quan Chính phủ, Quốc hội được thực hiện kỹ lưỡng, chặt chẽ, tạo sự đồng thuận cao. Việc lập phường mới, thị trấn mới là sự tất yếu của quá trình đô thị hoá. Tuy nhiên nếu chỉ biến một xã thành một thị trấn đơn thuần thì không có ý nghĩa nhiều. Điều quan trọng là cần xem xét lại quy hoạch để phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phát triển về quy hoạch hạ tầng viễn thông phải gắn với phát triển kinh tế đô thị, tránh trường trường hợp lên thị xã, lên phường rồi nhưng chỉ là tên gọi, vẫn còn lao động nông nghiệp, 100% kinh tế nông thôn. Do đó, cần chú ý đến vấn đề điều chỉnh rà soát lại các quy hoạch, quy hoạch tổng thể.

"Việc điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội bây giờ nghe có vẻ thuận, nhưng mà nếu các đồng chí không làm ngay những công việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, doanh nghiệp ở đây thì lại thành vấn đề", Chủ tịch Quốc hội nói.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn