Ngày 2/3, Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện với 7/11 thành viên xem và thẩm định phim Điệp vụ Biển Đỏ (4 thành viên vắng có lý do). Sau khi thẩm định và phân loại, bộ phim được 100% thành viên Hội đồng đề nghị cho phép phổ biến với điều kiện cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18).
Ngày 15/3, bộ phim được cấp Giấy phép phổ biến phim số 39/GPPBP-CĐA/A2018. Cục Điện ảnh chịu trách nhiệm cấp phép sau khi Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua. Việc khai thác bộ phim đến thời gian nào thuộc thẩm quyền của nhà phát hành và không phải thông báo cho Cục Điện ảnh.
Ngày 16/3, Operation Red Sea - Điệp vụ Biển Đỏ của đạo diễn Lâm Siêu Hiền ra mắt tại các cụm rạp Việt Nam. Nội dung phim xoay quanh việc một hạm đội hải quân Trung Quốc có nhiệm vụ giải cứu hai mẹ con công dân nước này bị một nhóm khủng bố bắt giữ.
Phần lớn bối cảnh của phim là một thành phố ở châu Phi. Tuy nhiên, phút cuối của phim lại có cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ gọi là "South China Sea".
Nhiều khán giả sau khi xem phim đánh giá, đoạn phim này không liên quan tới nội dung phim, thậm chí dễ gây hiểu lầm về chủ quyền giữa các nước có liên quan trên Biển Đông.
Tối 24/3, nhà phát hành CGV Việt Nam xác nhận ngừng chiếu phim Operation Red Sea - Điệp vụ Biển Đỏ trên toàn quốc vì lý do vắng khách.
Trước phản ứng của dư luận, Cục Điện ảnh và Hội đồng trung ương thẩm định khẳng định đã tiếp nhận thông tin trên và sẽ sớm đưa ra câu trả lời về bộ phim.
Liên lạc với Đạo diễn - NSND Vũ Xuân Hưng – Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định và Phân loại phim (Bộ VHTTDL), ông cho biết: Cảnh cuối trong phim Điệp vụ Biển Đỏ chỉ nói đây là hải phận của Trung Quốc và yêu cầu con tàu trên rời khỏi vùng biển đó, chứ không nói đến hải phận của biển Việt Nam.
Buổi duyệt phim Điệp vụ Biển Đỏ có sự tham gia của 7 thành viên, trong đó có nhà thơ – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, ông Đỗ Duy Anh - Cục phó Cục Điện ảnh, ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia…
TOÀN BỘ DIỄN BIẾN
Liên quan đến sự việc, ngày 26/3, bộ VHTTDL làm việc với Cục Điện ảnh và đưa ra kết luận:
36 giây cuối phim Điệp vụ Biển Đỏ thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và thấy một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng những chiếc tàu này không rõ nét; loa từ tàu Trung Quốc phát ra: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay”.
Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, trên website chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 18/2 có bài viết ca ngợi bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ, nói về sức mạnh của hải quân nước này. Trong đó, nêu ra nhiều loại vũ khí, khí tài mới, mạnh mẽ của lực lượng Hải quân Trung Quốc.
Bài viết nói Hải quân Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ bộ phim này. Bên cạnh đó, bối cảnh mang nội dung lạc lõng cuối phim cũng được đề cập.
Bài viết nêu rõ, trong đoạn cuối phim, tàu tuần tra hải quân ở biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) trục xuất tàu lạ nước ngoài khỏi vùng biển xung quanh cái gọi là "quần đảo Nam Sa" bằng mệnh lệnh: "Hãy lập tức rời khỏi đây".
"Quần đảo Nam Sa" là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tại một số đảo ở đây, Trung Quốc có các hành vi chiếm đóng, cải tạo trái phép bị cộng đồng quốc tế lên án là đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Trước sự khẳng định trắng trợn này, tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ phân tích những cạm bẫy Trung Quốc giăng ra trong bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ vừa bị dừng chiếu ở Việt Nam.
Ông cho biết, "Điệp vụ Biển Đỏ có đoạn kết liên quan đến "lãnh hải" trong vùng biển được gọi là "Nam Hải" hay "South China Sea" mà dư luận cho rằng đạo diễn phim cố tình dàn dựng để phát đi thông điệp "Nam Hải" (tiếng Trung Quốc), "South China Sea" ( tiếng Anh) là lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Nếu Việt Nam cho công chiếu tức là mặc nhiên công nhận Biển Đông là "ao nhà" của Trung Quốc. Suy luận này, nếu căn cứ vào chiến lược độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc từng công khai và đang tìm mọi cách để hiện thực hóa chủ trương chiến lược đó, thì không phải là hoàn toàn không có cơ sở."
Đồng thời, tiến sỹ Trần Công Trục cũng cho rằng, vấn đề cần đề cập ở đây là đối với những nội dung có liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích của đất nước, dân tộc, nhất là trong bối cảnh tranh chấp phức tạp đang xảy ra trong Biển Đông hiện nay, chúng ta nên rất thận trọng.
"Chúng ta phải nghiên cứu xem xét các vấn đề một cách khách quan khoa học và cầu thị, đặc biệt là phải cảnh giác đừng để rơi vào "cạm bẫy" bất lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta."
Muốn tránh được những sai lầm đáng tiếc nói trên, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chế và cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát tập trung, thống nhất đối với mọi sản phẩm, ấn phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và cần có chế tài đặc biệt để xử lý các vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia.
"Chúng ta phải nghiên cứu xem xét các vấn đề một cách khách quan khoa học và cầu thị, đặc biệt là phải cảnh giác đừng để rơi vào "cạm bẫy" bất lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta.'' - ông Trần Công Trục nói.
Bình luận