Diễn viên Quốc Thuận là một nghệ sĩ quen thuộc với khán giả Việt Nam với loạt vai diễn ấn tượng trong các phim truyền hình. Đồng thời, cùng với NSND Hồng Vân, diễn viên Quốc Thuận được khán giả biết đến ở vai trò người dẫn chương trình của “Vợ chồng son” suốt nhiều năm qua.
Hiện tại, Quốc Thuận đã lập gia đình và có hai con, bé gái lớn là Candy, và bé trai thứ hai là Pepsi. Gia đình của Quốc Thuận là một trong những gia đình của làng giải trí được khán giả yêu mến. Bởi Quốc Thuận không chỉ là người có tính cách hài hước mà còn là người cha hết mực yêu thương con cái. Là một người sống tình cảm, người đàn ông của gia đình, Quốc Thuận đã có những tâm sự đầy bất ngờ về Trung thu ngày nhỏ của anh ấy, đặc biệt là những câu chuyện xung quanh chiếc lồng đèn giấy kiếng.
Nhà bán đèn lồng Trung thu
Thông thường, ở độ tuổi của Quốc Thuận, khi nhắc về Trung thu người ta thường nghĩ về những chiếc lồng đèn bằng giấy, hay bằng những thứ vật liệu đơn sơ mộc mạc. Nhất là với những đứa trẻ thôn quê thời đó, chiếc đèn lồng làm bằng giấy kiếng rực rỡ có khi là cả một bầu trời ước mơ. Còn với Quốc Thuận, thì anh rất vui vẻ khi nhớ về Trung thu ngày ấy, do gia đình có bán lồng đèn nên anh có thể chơi cùng lúc nhiều chiếc lồng đèn trong một ngày.
Quốc Thuận tâm sự: “Gia đình mình bán bánh, nên năm nào cũng vậy có bán cả lồng đèn Trung thu cùng rất nhiều loại bánh trái. Hồi đó, con nít trong xóm một mùa Trung thu chỉ có một cái lồng đèn, riêng mình một ngày đã chơi đến mấy cái lồng đèn. Cho nên, mấy lần đi chơi mà bị vấp té hay bị bạn bè làm rách lồng đèn, mình cũng có một chút xíu tức giận nhưng chỉ cần về nhà là được đổi ngay cho một chiếc lồng đèn mới”.
Tuổi thơ đã gắn bó rất nhiều với những chiếc lồng đèn được làm bằng giấy kiếng, cho nên với Quốc Thuận đó mới là những chiếc lồng đèn mang màu sắc truyền thống của người Việt Nam, còn những chiếc lồng đèn điện tử có nhạc, anh không khen chê chỉ là theo cảm quan cá nhân thì không thích.
“Thật ra mình không thích lồng đèn có nhạc, chưa từng muốn chơi lồng đèn có nhạc và cũng không muốn mua cho các con mình lồng đèn có nhạc. Ở đây mình không nói đến chuyện tốt xấu, hay giá trị gì cả, chỉ là cá nhân mình thích một chiếc lồng đèn giấy kiếng và bên trong có một chiếc đèn cầy nhỏ, đủ màu sắc…
Cầm trên tay chiếc đèn như vậy đi vòng vòng trong sân thật sự rất tuyệt và ý nghĩa. Đến bây giờ, mình vẫn tiếp tục giữ truyền thống của người Việt Nam là rước lồng đèn Trung thu giấy kiếng, để cho các con vui đùa dưới ánh trăng sáng. Ở thành phố thì không có lũy tre hay con đường đất để dắt tay nhau rồi hát bài: “Tết Trung thu em rước đèn đi chơi…” nhưng mà mình có thể tận dụng cái hẻm trước nhà, cho các con đi rước đèn trong xóm hoặc cũng có thể đi sang nhà bà ngoại. Mình chỉ gói gọn một điều, tuổi thơ của mình với những ngày Tết trung thu thật là tuyệt vời nhất là khi được gắn bó với chiếc đèn Trung thu giấy kiếng” - Quốc Thuận nói lên suy nghĩ về chiếc lồng đèn giấy kiếng.
Trung thu là dịp đoàn viên
Như truyền thống văn hóa của Việt Nam, Trung thu là Tết đoàn viên, là dịp để cả gia đình có thể dành nhiều thời gian cho nhau, quây quần bên những chiếc bánh, cùng uống ly trà và cùng ngắm trăng, Là một diễn viên Quốc Thuận đã làm cho mùa Trung thu của gia đình trở nên đặc sắc, ấn tượng hơn.
Quốc Thuận tâm sự về những mùa Trung thu đặc biệt của gia đình: “Trung thu là dịp để mình dành nhiều thời gian cho gia đình, nhất là sẽ chở các bé nhà mình đi đến những nơi như phố lồng đèn ở quận 5. Đó là nơi mình rất thích nhưng phải đi trước Trung thu vì nếu đúng ngày thì không thể nào “đi lọt” được vào trong. Mình sẽ mua cho mấy bé những chiếc lồng đèn giấy kiếng, không có nhạc. Vì lồng đèn giấy kiếng mới là lồng đèn của người Việt Nam
Mình từng nhớ có một mùa Trung thu gia đình mình có hóa trang thành các nhân vật. Mình vào vai Chú Cuội, vợ mình là Chị Hằng, còn bé Candy là Thỏ Ngọc. Còn năm nay thì Pepsi đã 6 tuổi nên mình sẽ “nhường vai” Chú Cuội lại cho bé. Mình sẽ thế bằng vai Ông Bụt hoặc một nhân vật nào đó dễ sợ một tí để cho Chú Cuội có cơ hội rượt đuổi mình.
Còn về Trung thu năm ngoái, vào thời điểm dịch bệnh nặng nề, gia đình mình vẫn may mắn có được những chiếc bánh Trung thu. Cả gia đình cùng lên sân thượng, ngắm trăng, ăn bánh, uống trà cũng thật là bình yên, ấm áp. Năm nay mọi thứ gần như đã trở lại bình yên, mình mong rằng mọi người sẽ cùng nhau đón Trung thu trong sự hân hoan, chia sẻ những yêu thương giữa những người thân trong gia đình với nhau.
Và nếu có điều kiện, thì hãy đến những mái ấm tình thương, những nơi có các em bé mồ côi hoặc trẻ em cơ nhỡ, đặc biệt là các em có cha mẹ bị mất trong mùa COVID-19 vừa rồi. Chúng ta có thể chia sẻ cho các em những chiếc bánh ngọt ngào, mấy lon nước ngọt, và những hộp sữa cùng bánh kẹo để các em có một chút cảm nhận của dịp này. Bởi dù sao đi nữa, Trung thu cũng là Tết dành cho thiếu nhi”.
Bên cạnh sự sum họp đầy ấm áp của gia đình, Quốc Thuận cũng tâm sự Trung thu là dịp để chúng ta gợi nhớ về những người thân, đặc biệt là những người đã không còn hiện hữu trên cõi đời này.
“Trung thu cũng là dịp để mình gợi nhớ về ký ức của những người thân, mình nhớ bà ngoại và ba là những người đã không còn trên cuộc sống này nữa. Đó là những người từng rất yêu thương mình, từng đồng hành, gắn bó với tuổi thơ của mình”. Bà ngoại và ba là những người mà Quốc Thuận luôn nhớ đến.
Trung thu là một dịp hết sức đặc biệt trong năm, vừa là Tết dành cho thiếu nhi nhưng cũng là dịp để gia đình sum họp. Như những chiếc đèn lồng rực rỡ nối đuôi nhau đi khắp các khu phố, Trung thu sẽ thật rộn ràng và ý nghĩa nếu chúng ta dành thời gian cho người thân, quây quần bên nhau để chia sẻ những ngọt ngào, yêu thương. Trung thu sẽ luôn đáng nhớ, ấm áp nếu chúng ta làm những điều tốt đẹp nhất cho nhau.
Cuộc thi viết thư: "Mẹ ơi, thu này con về nhà" được chương trình "Tình trăm năm" của MCV Network phối hợp cùng nhãn hàng Calosure Gold tổ chức. Thời gian bắt đầu từ ngày 11/8/2022 đến hết ngày 11/9/2022 với cơ hội nhận được tiền thưởng lên đến 5.000.000 đồng cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác đến từ nhãn hàng Calosure Gold. Xem chi tiết thông tin và cách thức tham dự tại đây |
Bình luận