Từ một diễn viên nổi tiếng, Chi Bảo chuyển sang điều hành quỹ Hiểu về trái tim. Bên cạnh các vai diễn, khán giả thường thấy anh hăng hái, tràn đầy nhiệt huyết khi hực hiện các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, ngôi sao phim Đồng tiền xương máu lại rất hiếm khi chia sẻ trên truyền thông. Anh tâm sự, anh thích chiêm nghiệm, lắng nghe hơn bày tỏ quan điểm.
Tuy vậy, trong những ngày giáp Tết, anh dành cho phóng viên VTC News cuộc trò chuyện cởi mở về công việc mình đang làm và về những khát vọng trong nghề diễn.
Video: Chí Bảo nói về việc điều hành quỹ Hiểu về trái tim
Càng hiểu mình, càng có cơ hội bộc lộ lòng nhân ái
- Bây giờ anh làm rất nhiều nghề khác nhau, từ diễn viên, nhà kinh doanh, nhà hoạt động từ thiện. Vậy, anh muốn được người ta gọi là gì nhất?
Cũng có nhiều người, trong đó có không ít bạn bè lâu ngày gặp lại hỏi: Bây giờ ông làm gì? Câu đó khiến tôi khó trả lời.
Tôi là nghệ sĩ - điều này nhiều người biết. Tôi có làm kinh doanh nhưng nếu nói chuyện này, tôi không hứng thú lắm. Tôi nghĩ, bạn bè khi gặp lại nhau nên dành thời gian chia sẻ những gì vui vẻ, những gì chưa có dịp để nói.
Khoảng 10 năm gần đây, tôi dành nhiều thời gian nhất cho hoạt động của Hiểu về trái tim. Trong tương lai, công việc này cũng sẽ chiếm ít nhất là khoảng 50% thời gian của tôi. Vậy thì thôi, hãy cứ gọi tôi là người đang điều hành hoạt động quỹ Hiểu về trái tim.
- Trong "Ông già và biển cả" của của Mark Twain có câu rất hay: "Lòng tốt là thứ ngôn ngữ duy nhất mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy". Anh nghĩ sao về câu nói này?
Con người luôn mong muốn có được cuộc sống yên ổn, yên bình. Muốn có điều đó, chúng ta phải sống có tình thương, có lòng nhân ái. Tuy vậy, lòng nhân ái cũng phải có cách nào đó để rèn luyện, nuôi dưỡng và phát triển, chứ không phải cứ để nó tự nhiên.
Thậm chí, đôi khi, có người muốn làm một điều gì đó, tưởng là tốt cho người khác nhưng thực ra lại không phải là như thế. Họ muốn giúp nhưng thực ra lại khiến người khác thêm đau khổ. Chính vì thế, muốn người khác hiểu được lòng tốt của mình, đôi khi cũng cần phải thực hiện đúng cách.
Hiện nay, có nhiều người nghĩ, Hiểu về trái tim chỉ là hoạt động từ thiện, giúp đỡ các trẻ em mắc bệnh tim, những số phận ngặt nghèo. Thực ra, đó chỉ là một vài trong số rất nhiều hoạt động mà chúng tôi đang thực hiện.
Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng người bạn trẻ trên hành trình hiểu về chính con người mình, đó là chìa khoá mở ra cánh cửa cuộc sống hạnh phúc. Chúng ta phải thực sự hiểu, mình là ai, tại sao có những nhu cầu đó. Khi càng hiểu về mình bao nhiêu, mình càng có khả năng đồng cảm với các số phận khác. Đó chính là xuất phát điểm của lòng nhân ái.
Tôi nghĩ, trước 35 tuổi hãy thỏa sức tung hoành, hãy sống đúng với ước mơ, mong muốn của mình. Nhưng sau 35 tuổi, hãy dành chút thời gian để hiểu về chính bản thân mình. Điều đó sẽ khiến cho cuộc sống của mình họ trở nên thoải mái, hạnh phúc hơn.
10 năm gây dựng Hiểu về trái tim. Từ năm 2007 khi đó là một chương trình Radio online Hiểu về trái tim, đến chi hội từ thiện Hiểu về trái tim, rồi bây giờ là Quỹ Hiểu về trái tim, mạng xã hội nhân đạo quốc gia Hiểu về trái tim ...
- 10 năm trước, khi đang là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng, điều gì khiến anh quyết định bắt tay vào xây dựng Hiểu về trái tim như thế?
Cũng như rất nhiều bạn trẻ khác, tôi cũng đặt cho mình mục tiêu học giỏi, vào trường Đại học danh tiếng, ra trường, kiếm tiền, lập gia đình và khẳng định vị trí của mình trong xã hội.
Tuy nhiên, khi đạt được những điều đó, tôi lại thấy hóa ra mọi việc cũng rất bình thường. Tôi thấy mọi thứ trong cuộc sống thế là vừa vặn với nhu cầu của mình rồi. Tôi bắt đầu đặt ra câu hỏi: Tôi sẽ làm gì tiếp đây? Chẳng lẽ sống như thế cho tới ngày mình qua đời? Chẳng lẽ cuộc sống của mình chỉ mãi thế thôi sao?
Tôi nhận ra, trong cuộc sống này, tình thương là cái quan trọng nhất. Tôi nhận được tình thương từ mọi người và cũng sống với mọi người bằng lòng nhân ái.
Tôi tự nhân thấy mình cũng có khả năng hiểu biết để xử lý một số vấn đề trong cuộc sống. Nhưng tại sao tôi lại đổ vỡ, mâu thuẫn. Tại sao tôi luôn mong muốn mang lại hạnh phúc cho những người thân yêu nhưng tôi lại làm họ đau khổ? Trước mỗi sự việc xảy ra, để thấy lỗi lầm của người khác rất dễ nhưng để thấy trách nhiệm của mình lại khó.
Từ đó, tôi bắt đầu học hỏi và dấn thân vào con đường khám phá và tìm hiểu chính con người mình, hay với tên gọi Hiểu về trái tim.
- Nghề diễn viên giúp anh có những thuận lợi gì khi bắt tay vào xây dựng Hiểu về trái tim?
Với đặc thù của nghề diễn, tôi được hóa thân vào nhiều dạng nhân vật khác nhau. Với mỗi nhân vật, tôi phải phân tích tâm lý của họ, tìm tòi cách thể hiện từ dáng đi, cử chỉ, hành động, lời nói, thậm chí tới cái liếc mắt sao cho phù hợp.
Bất cứ nhân vật nào cũng có cái kết. Và điều đó, cho tôi thấy một số quy luật của cuộc sống. Những người có tính cách như thế này, họ sẽ có số phận ra sao. Nói như đạo Phật là "gieo nhân nào, gặt quả nấy".
Đó chính là cơ hội để tôi chiêm nghiệm về thân phận con người. Từ đó, tôi có góc nhìn đa dạng hơn về cuộc sống. Điều này giúp tôi rất nhiều khi thực hiện các công việc cộng đồng trong quá trình vận hành các hoạt động của Hiểu về trái tim.
Thể hiện lòng tốt cũng phải đúng cách
- Hiện nay có nhiều người than, làm từ thiện cũng khó quá. Nhiều khi chỉ vì một vài thiếu sót nhỏ, họ có thể bị ném đá một cách dữ dội. Trong 10 năm điều hành Hiểu về trái tim, có khi nào anh rơi vào tình trạng đó?
Có chứ. Chỉ đơn cử như vào ngày 15/7/2010 chúng tôi tổ chức ra mắt chi hội Hiểu về trái tim - một sự kiện với gần 1.200 người tham dự, với rất nhiều nghệ sĩ, doanh nhân tại một trong những địa điểm sang trọng tại TP.HCM.
Khi đó, trong dư luận và trên truyền thông, có rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao làm từ thiện mà hào nhoáng như thế? Tại sao không dành số tiền tổ chức ấy để giúp đỡ người nghèo?
Nhiều người không biết rằng, đó là chi phí của các nhà tài trợ, họ là các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Các công ty kiểu này, họ không được khuyến khích tham gia vào các tổ chức phi chính phủ của nước sở tại. Và để thuyết phục họ ủng hộ cho quỹ từ thiện là rất khó khăn lúc bấy giờ, muốn thế ta phải chứng minh mình làm được gì? Mà khi đó, mình có làm được gì đâu?
Tuy nhiên, họ lại có nguồn kinh phí lớn cho hoạt động tiếp thị, marketing. Tôi ký kết hợp đồng tiếp thị cho họ, tổ chức sự kiện quảng bá và lấy ngân sách để tổ chức các hoạt động làm từ thiện của Hiểu về trái tim. Thời gian sau, khi đã làm việc hiểu và tin tưởng nhau, lúc đó họ mới chính thức tài trợ cho hoạt động từ thiện của Hiểu về trái tim.
Cách làm trên, dù là với mục đích tốt nhưng đôi khi gây ra những hiểu lầm không đáng có. Chính vì thế, khi cứng cáp hơn, chúng tôi chọn cách khác để gây quỹ từ thiện.
Làm từ thiện là tốt nhưng không có nghĩa là cái gì tốt thì được làm thoải mái, không cần phương pháp, không cần tính toán.
Diễn viên Chi Bảo
Làm từ thiện là tốt nhưng không có nghĩa là cái gì tốt thì được làm thoải mái, không cần phương pháp, không cần tính toán. Ngược lại, nó cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, suy sét nhiều khía cạnh để đem lại hiệu quả cao và hài hoà với mọi người.
Hiện tại, quỹ Hiểu về trái tim đang quảng bá và phát triển mạng xã hội nhân đạo quốc gia. Đó có thể xem là sàn giao dịch nhân đạo để kết nối những người cần giúp đỡ và những mạnh thường quân lại với nhau. Mọi chuyện chỉ diễn ra trên hệ thống điện tử. Mọi thứ đều rất minh bạch. Tiền đến đúng nơi cần giúp đỡ.
Thực ra, quỹ Hiểu về trái tim không ưu tiên giúp người nghèo mà là những người lâm vào hoàn cảnh bất hạnh do bệnh tật, nếu không nhận được sự trợ giúp, họ sẽ nguy hiểm tới tính mạng, đặc biệt là những trẻ em nghèo mắc bệnh tim.
"20 năm làm diễn viên, tôi chỉ ở mức trung bình"
- 20 năm làm diễn viên, hóa thân vào rất nhiều nhân vật khác nhau, anh tự nhận thấy mình xếp hạng nào?
Tôi thấy may mắn khi được là nghệ sĩ. Diễn viên là nghề tôi rất yêu. Tôi có một đứa con trai, nếu sau này cháu theo con đường nghệ thuật, tôi sẽ rất hạnh phúc.
Trong suốt 20 năm làm nghề, tôi không chỉ yêu từng nhân vật mình đảm nhận mà còn yêu từng cảnh quay mà mình thực hiện. Tôi làm hết khả năng của mình vào thời điểm đó. Mỗi vai diễn là một đứa con rồi. Tôi yêu chúng lắm.Tuy vậy, tôi cũng chỉ nhận mình ở mức trung bình. Có rất nhiều mong muốn của tôi trong nghề này chưa được thỏa mãn.
- Có mấy ai tự thoả mãn với mình đâu anh...
Đúng thế. Trong trường hợp của tôi, lý do cho điều này có rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến thực trạng của nền điện ảnh nước ta. Trên thế giới, người ta có hẳn một nền công nghiệp điện ảnh, còn chúng ta tới giờ phút này, mới chỉ chập chững những bước đi đầu tiên. Kinh phí đầu tư cho mỗi bộ phim không cao, thị trường khán giả còn đang trong giai đoạn định hình.
Một vài năm trở lại đây, nền điện ảnh của chúng ta có chút khởi sắc nhưng chưa đủ để hình thành một nền công nghiệp điện ảnh. Diễn viên nào từng có cơ hội cộng tác với nước ngoài, khi quay trở về đều có câu hỏi: Ủa, từ trước tới nay mình làm gì chứ đâu phải làm phim. Nghe thì có vẻ chua chát nhưng sự thực, đúng là thế.
- Nói thế nghĩa là anh muốn có ít nhất một vai diễn "để đời"?
Tôi ấp ủ một kịch bản trong suốt 3 năm nay, muốn làm lắm nhưng chưa được. Nếu sản xuất bộ phim này, kinh phí dự kiến hơn 40 tỷ, vậy thì phải thu hồi bao nhiêu mới đủ vốn? Với thị trường Việt Nam hiện nay, hơn 90% là chết chắc.
Bản thân tôi cũng phải từ chối không ít kịch bản. Tính tôi, đã nhận làm cái gì là làm hết sức. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, tôi không đủ thời gian và sự tập trung cho vai diễn. Vì thế, tôi chỉ có thể nhận lời tham gia một vài bộ phim mà tôi thực sự thấy tâm đắc.
Với tôi, mỗi khi xem một bộ phim nước ngoài hay, tôi vẫn có thèm khát, giá như mình có cơ hội hóa thân vào dạng nhân vật như trong phim đó.
Tuy nhiên, xét vào hoàn cảnh của bản thân cũng như thực trạng của nền điện ảnh Việt Nam, tôi biết điều đó là rất khó. Nếu có lạc quan lắm thì cũng phải hơn 5 năm nữa, điện ảnh nước ta mới thực sự khởi sắc.
Video: Chi Bảo nói về 20 năm theo nghề diễn
- Khi nhận lời tham gia một bộ phim, anh thường làm gì để nhân vật của mình thực sự ghi được dấu ấn trong lòng công chúng?
Thường thì tôi hay có ý kiến với đạo diễn, nhà sản xuất về những vai diễn mà tôi đảm nhận. Tôi luôn muốn nhân vật của mình, dù xuất hiện ít hay nhiều trên màn ảnh thì cũng phải có một số phận cụ thể, phải cho khán giả thấy, nhân vật đó làm bất cứ điều gì cũng có lý do, kể cả đó là những hành động xấu.
Điểm yếu nhất của các bộ phim Việt là có những nhân vật, đôi khi tự nhiên xuất hiện, tự nhiên làm một điều gì đó và cũng tự nhiên biến mất. Theo tôi, lỗi này trước tiên phải thuộc về diễn viên. Họ phải xây dựng cho nhân vật của mình một số phận, dù là nhân vật phụ hay chính. Muốn làm được điều này, họ phải đọc kỹ kịch bản, trao đổi với đạo diễn và nhà sản xuất trước khi bắt tay vào thực hiện bộ phim.
Tuy nhiên, cũng khó có thể trách họ. Họ thiếu sự trải nghiệm để có thể tạo cho nhật vật của mình một số phận, hoặc cũng có nhiều người bận đóng phim, chưa xong phim này đã phải tới trường quay thực hiện bộ phim khác, thế nên họ không đủ thời gian để nghiên cứu nhân vật của mình.
Hoặc đôi khi, họ có trao đổi với nhà sản xuất, đạo diễn nhưng điều kiện của đoàn làm phim không cho phép. Chỉ cần một cảnh quay thêm sẽ làm thay đổi hàng loạt kế hoạch quay phim của cả đoàn.
- Gặp anh thời điểm này, không thể không nhắc tới bộ phim "Tình khúc Bạch Dương" mà anh vừa tham gia. Anh có thể chia sẻ về vai diễn trong phim này?
Vài năm trước, tôi và anh Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) có dịp gặp gỡ. Anh Hải có ngỏ ý mời tôi tham gia vào một bộ phim của VFC khi có kịch bản phù hợp. Và Tình khúc Bạch Dương chính là cơ hội để chúng tôi hợp tác với nhau.
Tình khúc Bạch Dương khắc họa lại chuyện tình của những người Việt xa xứ trong bối cảnh mùa thu nước Nga. Phim không dài, không quá nhiều màu sắc như một số bộ phim mà tôi từng tham gia. Đó chỉ là một phần nhỏ, khắc họa ký ức, tình cảm đẹp, chứ không diễn tả hết đời sống của những người từng sinh ra, lớn lên trong giai đoạn lịch sử của nước Nga.
Tuy nhiên, đây là phim tâm lý, tình cảm nên tôi và đạo diễn Vũ Trường Khoa cũng như những người trong ê-kíp tranh luận rất nhiều về số phận của nhân vật. Với tôi, nhân vật càng đơn giản càng khó, càng không có gì thì càng phải làm cho có gì. Người diễn viên phải biết xử lý những phân đoạn tình cảm thật tự nhiên, để người xem rung động chứ không phải cảm thấy gượng gạo.
Tình khúc Bạch Dương có lẽ sẽ kén sự khán giả nhưng chắc chắn sẽ chạm tới trái tim của những người từng sống ở Nga.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!
Bình luận