Theo số liệu thống kê của Gfk, thị phần điện thoại thông minh tại Việt Nam đang nằm ở thế chân kiềng, bao gồm: Samsung – Apple – liên minh các hãng điện thoại Trung Quốc (Oppo, Vivo, Lenovo, Xiaomi,...).
Các hãng điện thoại “nội” bao gồm cả những mẫu điện thoại được tuyên bố "made in Việt Nam" hay những mẫu điện thoại “hồn Việt Nam, xác Trung Quốc” gần như biến mất khỏi các bảng xếp hạng trong nước.
Một số vấn đề mà các mẫu điện thoại Việt Nam gặp phải là, chưa thực sự là hàng Việt Nam (thương hiệu Việt nhưng sản xuất tại Trung Quốc), thương hiệu yếu, sản phẩm nhiều lỗi, hay hỏng vặt, gia công kém, kênh phân phối nghèo nàn.
Đã từng có không ít các hãng sản xuất điện thoại “nội” cho ra mắt rầm rộ những sản phẩm với tuyên bố và phát ngôn gây sốc, tuy nhiên hầu như chưa được thị trường chấp nhận về cả chất lượng và giá cả… Hậu quả, nhiều thương hiệu điện thoại Việt đã âm thầm ra đi, số ít còn lại thị sống lay lắt qua ngày.
Người Việt hơn bao giờ hết đang “khát” một thương hiệu điện thoại made in Việt Nam.
Thách thức từ các "ông trùm"
Khách hàng trong nước khi mua một mẫu điện thoại thường cân nhắc 3 yếu tổ “Ngon – Bổ - Rẻ” và chưa có bất kỳ thương hiệu điện thoại nào chiếm ưu thế.
Đơn cử, với tiêu chí “Ngon”, Apple đang làm rất tốt ở vấn đề hiệu năng người dùng. Vòng đời sản phẩm của Apple dài, có thể lên tới 6 năm. Mới đây, Apple tung ra iOS 12 tiếp tục hỗ trợ cho mẫu iPhone 5s “già cỗi” được ra mắt từ năm 2012.
Trong khi đó, các mẫu điện thoại Android có tuổi thọ thấp, chỉ 2 năm đổ lại. Chính vì vậy, các hãng tăng cường thị phần bằng cách liên tục tung ra các sản phẩm mới ở nhiều phân khúc khác nhau như: Cao cấp, cận cao cấp, tầm trung, giá rẻ.
Với tiêu chí “Bổ”, hệ sinh thái Android đang có nhiều công nghệ vượt trội. Các mẫu iPhone luôn luôn bị khách hàng chê là yếu, khi pin chỉ dừng lại ở mức tạm chấp nhận được.
Trong khi đó, hệ sinh thái Android liên tục thay đổi công nghệ về pin. Hãng chipset điện thoại số 1 thế giới – Qualcomm liên tục cập nhật công nghệ sạc nhanh của mình, từ Quick charge 2.0, rồi 3.0 và mới đây là công nghệ sạc nhanh Quick Charge 4.0. Các mẫu điện thoại Android cũng đang được nâng cấp về dung lượng pin để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Ngoài ra, hệ sinh thái Android còn “đẻ” ra rất nhiều công nghệ mới để thu hút khách hàng, như: Cảm biến vân tay (hãng điện thoại có cảm biến vân tay đầu tiên là Sharp, không phải Apple), cảm biến đo nhịp tim, màn hình cong, thiết kế module,… mới đây là cảm biến vân tay nằm dưới màn hình cảm ứng.
Thành thật mà nói, dù hệ sinh thái Android có rất nhiều công nghệ “kỳ quặc”, song về trải nhiệm người dùng hay về hiệu năng sử dụng, thì chưa có bất kỳ một mẫu điện thoại Adroid nào có thể vượt qua Apple.
Với tiêu chí “Rẻ”, không ai có thể vượt qua liên minh các hãng điện thoại Trung Quốc bao gồm: Xiaomi, Vivo, Lenovo,… đặc biệt ở phân khúc tầm trung và giá rẻ.
Tuy nhiên, vấn đề “điện thoại Trung Quốc” vẫn luôn nhạy cảm. Nhiều người Việt đang có ấn tượng không tốt với các thương hiệu đến từ “người hàng xóm” như “ăn cắp thông tin người dùng” hay chất lượng gia công chưa thực sự tốt.
Liệu Vinsmart có thành công?
Vingroup đang có bước đi rất táo bạo khi đầu tư 3.000 tỷ đồng vào Vinsmart. Đây là một ván bài rất lớn của Vingroup khi vừa phát triển thương hiệu ô tô Vinfast lại tiếp tục đầu tư vào Vinsmart.
Một điều khá chắc chắn, các sản phẩm điện thoại của Vinsmart sẽ không phải là hàng OEM (thương hiệu Việt nhưng sản xuất tại Trung Quốc) hay sản xuất ngay từ R&D (nghiên cứu phát triển) của chính mình.
Nhiều khả năng, điện thoại Vinsmart sẽ đi thuê các chuyên gia về thiết kế, mua bản quyền công nghệ (giống như cách làm của Vinfast). Đây chỉ là biện pháp khởi đầu, về lâu dài, Vinfast sẽ phải phát triển dựa trên những công nghệ của mình để phát triển.
Bên cạnh những thách thức, Vingroup đang có lợi thế về tiềm lực tài chính. DN này giờ đây đã trở thành một công ty đại chúng, có thể huy động vốn với các quỹ hàng đầu trên thế giới. Việc huy động vốn vài ba tỷ USD cho Vinfast là 1 ví dụ điển hình.
Tiềm lực tài chính vững mạnh sẽ giúp Vingroup đủ khả năng “cầm cự” dài hơi với các hãng tên tuổi khác. Tuy nhiên, để thành công hay không còn phải phụ thuộc vào chất lượng. Như đã nói, nếu Vinsmart đáp ứng được 3 tiêu chí: “Ngon – Bổ - Rẻ” thì “tinh thần Việt” sẽ không bỏ rơi một sản phẩm thuần Việt.
Ngoài ra, Vingroup đang có thế mạnh nhờ kênh phân phối trải dài khắp Việt Nam, từ hệ thống trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị điện máy Vinpro, kênh TMĐT Adayroi hay hệ thống cửa hàng Vinmart cũng là một kênh phân phối tiềm năng.
Vingroup là một trong số ít các DN Việt gây được tiếng tăm trên thế giới và người Việt có nhiều thiện cảm với các sản phẩm của Vin như: Vinhome, Vinmart, Vinschool, Vinpearland,… và hầu hết các sản phẩm của Vingroup đều thành công.
Ông Phạm Nhật Vượng còn được mệnh danh là “bàn tay Midas” khi chạm vào bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều thành công và để lại ấn tượng tuyệt vời trong tâm thức của người tiêu dùng Việt Nam.
Nhiều người kỳ vọng, Vinfast hay Vinsmart sẽ trở thành niềm tự nào của người Việt như Hyundai hay Samsung của Hàn Quốc. Cơ hội cho Vingroup rất lớn nhưng thách thức cũng rất “khủng”.
Video: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast
Bình luận