Quay lại bàn ăn sau cú điện thoại, Loan nuốt không nổi hạt cơm nào. Ở quê lại có việc, như bao giờ cũng vậy. Thằng con Út của ông chú thứ Sáu rớt tốt nghiệp cấp Ba, nó chán đời, nó đòi tự tử. Nó đang trên đường đến nhà cô. “Cháu xin cho nó làm gì đó đủ sống chứ chú chẳng mong nhờ vả gì em. Cháu làm lớn không lẽ không giúp được nó, nếu không thì cho em nó đi học nghề gì đó rồi tính sau”. Tưởng tượng thằng em bà con đầu cạo trọc lốc, mắt gườm gườm, bố một câu con ba câu là Loan thấy sợ. Sợ nhất là mẹ cô sẽ ôm chầm lấy nó mà chiều chuộng, không cho ai dạy dỗ câu nào, và sợ nữa là chồng cô chán nản “Bà con nhà em mà”.
Mẹ cô đoán sự việc hồi hộp hỏi nội dung. Sau khi nghe Loan thuật lại, bà cũng thần người ra nhưng rồi lại hạ giọng: ”Má thương chú ấy nhất, nó có bề gì chú mày tự tử theo”. Câu ấy cũng có nghĩa là đừng nghĩ đến chuyện từ chối.
Loan sợ những cú điện thoại từ quê, vì hầu như chưa bao giờ nó hàm chứa ý nghĩa hỏi han đơn thuần. Không có một cháu nào đó cưới thì cũng nhập trường, tông xe, đi xin việc người ta đòi đút lót hay bệnh nặng. Các bà dì, bà thím thì xấu hổ đi xem ti vi ké, vì vất vả chợ búa hàng ngày do thiếu tủ lạnh... Nhưng những chuyện ấy vẫn chưa là gì so với nghĩa vụ tâm linh như quy tập, xây cất và chăm sóc mồ mả. Tất cả đều phải dàn xếp vì niềm vui của mẹ.
Chưa bao giờ Loan thôi yêu quê hương. Nơi những con sông êm đềm chảy qua cánh đồng thơm lúa chín. Nơi trái chuối có thể hái ăn ngay trong vườn và nơi ba má cô chào đời.
Loan cũng có những người bà con yêu thương, hiền hậu dù nghèo nhưng rất thơm thảo.
Nhưng Loan cũng có gánh nặng của những cú điện thoại từ quê bất chợt đến. Nó không nằm trong dự trù chi tiêu của cô, nhưng nó chưa bao giờ nhỏ so với lương một Bác sĩ.
Còn nhớ, có lần Loan bàn với chồng cho bà thím mượn 30 triệu sửa nhà. Anh nhìn Loan thương hại rồi bảo em nên tặng thím dăm bảy triệu là được, cho mượn một số lớn như vậy nhưng sẽ không bao giờ họ trả, bởi họ không có và họ không muốn. Mẹ cô, vì chuyện đó mà giận “thằng rể keo kiệt, không biết quê là gì” mấy tháng trời. Từ đó, Loan cũng không dám bàn với chồng chuyện giúp đỡ quê hương
Mẹ Loan nói cả dòng họ chỉ bà đi làm ăn xa và con cái thành đạt. Mấy chị em ai cũng có chức, có quyền, vun đắp quê hương là điều đương nhiên. Có lần bà còn tính lương hai vợ chồng khoảng 20 triệu/tháng thì có thể gửi về quê 2 triệu. Loan buồn rầu nghĩ mình giống như kho thóc ai xúc cũng được.
Nuôi một đứa cháu không hẳn là khó nhưng tính cách nó cơ quan nào nhận, mà nhận rồi chắc gì không bị đuổi. Họ nhận cháu mình, mình không giúp cháu họ mà được sao. Rồi nó chơi bời phá phách, rồi làm gương cho thằng con cô cũng ở tuổi bắt đầu tò mò chuyện người lớn... Khiến nó thành người giỏi giang là điều không dễ nhưng từ nay đến khi nó tự ý bỏ nhà cô mà đi, cô phải chịu trách nhiệm hết về nó. Rồi chuyện vợ chồng, nhà cửa... Loan mệt bã cả người.
Một cách đơn giản nhất để chấm dứt chuyện này là nói với mẹ cô không thể làm chỗ dựa cho những người luôn coi mình thiếu may mắn mãi được. Họ phải tự định liệu lấy.
Loan biết thế nhưng cô không thể nào nói ra được. Âm thầm cô lục thẻ ATM và cay đắng nghĩ người ở quê không lấy mất tiền của cô, mà phải chăng họ đang mài mòn đi tình yêu cô rất muốn giữ cho nơi chôn nhau cắt rốn của ba mẹ mình.
Kim Oanh
Bình luận