• Zalo

Điện tăng giá, người dân lo ngại hàng hóa thiết yếu 'tát nước theo mưa'

Thị trườngThứ Bảy, 06/05/2023 06:21:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Với mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, tiền điện trả thêm của các hộ dân là không đáng kể, tuy vậy, người tiêu dùng vẫn vướng nhiều nỗi lo toan.

Thông tin giá điện tăng tối đa 3% từ ngày 4/5 đang nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng, ái ngại. Vì tuy với mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, tiền điện trả thêm của các hộ dân là không đáng kể nhưng rất có thể hàng hóa, sản phẩm thiết yếu sẽ tăng theo, đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên. Giữa thời buổi khó khăn do ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19 như hiện nay thì đây là mối lo lớn với không ít người.

"Cứ nhìn hệ lụy của việc giá xăng tăng gần đây thì sẽ thấy người dân bị tác động như thế nào. Vì cũng như xăng, điện là mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của bất kỳ hộ gia đình nào. Không những thế, nó còn tác động đến rất nhiều hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ liên đới khác. Chính vì vậy, việc tăng hoặc giảm giá điện có thể sẽ kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu đắt đỏ thêm", chị Thu Trà ở Đống Đa, Hà Nội nói.

Điện tăng giá, người dân lo ngại hàng hóa thiết yếu 'tát nước theo mưa' - 1

Người tiêu dùng lo giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo giá điện. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Chị Thu Trà còn e ngại rằng, việc giá điện tăng còn bị coi là "cái cớ" để hàng hóa thiết yếu "tát nước theo mưa" và thiết lập mặt bằng giá cả mới. Chị Trà nêu ví dụ, tháng 7/2022 là thời kỳ giá xăng tăng liên tiếp và đắt kỷ lục. Ngay lập tức, giá cả loạt hàng hóa từ mớ rau, con cá cho đến bát phở, bát bún...cũng tăng theo và thiết lập nên một mặt bằng giá mới. Đáng nói là khi giá xăng hạ "nhiệt" thì các loại hàng hóa trên vẫn chây ỳ không giảm hoặc giảm nhỏ giọt và chắc chắn không bao giờ quay lại mức giá cũ.

"Nay lại đến điện tăng giá, tôi thực sự lo lắng không biết các mặt hàng thiết yếu có lại ào ạt tăng giá theo như hiệu ứng đã từng xảy ra với giá xăng dầu hay không. Nhưng tôi đoán với kiểu kinh doanh tự phát hiện nay, sẽ rất khó để kiểm soát được việc tự ý nâng giá nhằm trục lợi của nhiều tiểu thương. Thiệt hại cuối cùng sẽ đổ vào người tiêu dùng", chị Trà nói thêm.

Đồng tình với quan điểm này, anh Phạm Danh Thắng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Từ sau làn sóng tăng giá xăng vào giữa năm ngoái, giá hàng loạt nhu yếu phẩm đã bị đẩy lên. Như bây giờ, ở khu vực đường Tam Trinh nơi tôi sống, một bát phở tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/bát, bánh mỳ hay bánh bao ăn sáng tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/chiếc. Đến cả cốc trà đá cũng tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/cốc...Khi thắc mắc, người bán vẫn giải thích vì giá nhiên liệu đắt đỏ. Không biết bây giờ giá điện tăng thì giá nhiên liệu sẽ còn cao như thế nào. Chính vì vậy tôi rất quan ngại trước thông tin giá điện sinh hoạt tăng".

Còn chị Thu Hằng (Đống Đa, Hà Nội) thì đã bắt đầu lên kế hoạch tính toán chi tiêu cho hợp lý, giữa bối cảnh đồng lương ít ỏi và công việc bấp bênh do ảnh hưởng bởi COVID-19.

"Hàng thiết yếu đắt đỏ thì bà nội trợ là người phải lo lắng nhất. Vì như thế có nghĩa là mỗi bữa ăn hàng ngày cũng sẽ đắt lên, trong khi đồng lương và thu nhập hầu như chỉ giậm chân tại chỗ, thậm chí là có thể còn bị hụt đi. Từ tháng này, tôi sẽ phải tính toán lại để chi tiêu hợp lý, tiết kiệm hơn, tránh chi phí phát sinh hàng tháng quá lớn", chị nói.

Tuy nhiên, giữa nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng thì vẫn có không ít ý kiến ủng hộ ngành điện tăng giá vì mức tăng không quá cao và dựa trên yếu tố khách quan là điều hợp lý, nên làm. Còn việc các mặt hàng thiết yếu tăng giá theo mưa thì lại là câu chuyện khác, cần sự quản lý nghiêm và hiệu quả. 

Anh Hoàng Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Việc tăng giá điện sau 4 năm là động thái thiết yếu để ngành điện có lãi nhằm bảo toàn vốn Nhà nước và có tiền nhằm nâng cao chất lượng, phục vụ người dân. Người tiêu dùng vì thế cần cùng chung tay với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng điện một cách tiết kiệm, hợp lý".

Từ 4/5, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.826,22 đồng/kWh hiện tại lên mức 1.920,37 đồng/kWh tương đương với mức tăng 3%. Mức giá bán lẻ điện cho sinh hoạt sẽ tăng theo các bậc thang và mức cao nhất là 3.015 đồng/kWh.

Theo EVN, hiện nay, trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng khách hàng sẽ phải trả thêm 141.000 đồng.

Với 1,822 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất phải trả 10,6 triệu đồng tiền điện. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất sẽ trả thêm 307.000 đồng.

Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng mỗi khách hàng này sẽ trả thêm là 40.000 đồng.

Giá điện tăng tối đa 3% từ ngày 4/5/2023. (Ảnh minh họa)  Với các hộ tiêu thụ, theo tính toán từ EVN, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Hạo Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn