Ngày 1/12 (giờ địa phương), Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng Moskva biết Washington sẽ duy trì "lệnh cấm vận bất hợp pháp" của mình nhưng "Mỹ không phải là toàn bộ thế giới".
“Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng gây áp lực lên Nga", ông Peskov nói. “Cần lưu ý rằng Mỹ là một nền kinh tế lớn nhưng không phải là nền kinh tế duy nhất. Nền kinh tế Mỹ không phải là thế giới. Có một quốc gia khác theo sau Mỹ, đó là Trung Quốc”.
Bình luận của ông Peskov được đưa ra sau khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Tài nguyên năng lượng Geoffrey Pyatt tuyên bố về kế hoạch của Washington nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga trong dài hạn.
Mỹ và các đồng minh áp đặt lệnh cấm vận đơn phương đối với Nga vào năm 2022 với lý do xung đột Ukraine. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán xuất khẩu dầu khí của Nga có thể giảm ít nhất 40% vào năm 2030 nếu các lệnh trừng phạt tiếp tục.
“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để biến điều đó thành hiện thực”, ông Geoffrey Pyatt chia sẻ với Financial Times. Ông cho biết mục tiêu của lệnh cấm vận là “thay đổi hành động của Nga” và cũng để đảm bảo rằng Moskva sẽ "không thể tiến hành xung đột trong tương lai".
Vào tháng 12/2022, các nước G7 đã ban hành mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho bất kỳ bên nào muốn bán cao hơn mức giá đó. Với mục đích làm giảm lợi nhuận xuất khẩu năng lượng của Moscow, biện pháp này đã thất bại hoàn toàn, theo RT.
Sau đợt doanh thu từ dầu khí của Nga giảm 46% xuống còn 426 tỷ rúp (4,6 tỷ USD) vào tháng 1/2023, đến tháng 10, con số này đã lên tới 1,635 nghìn tỷ rúp (17,6 tỷ USD).
Giá hỗn hợp dầu thô Urals hàng đầu của Nga tăng vọt là một trong những yếu tố góp phần tạo ra lợi nhuận kỷ lục. Vào tháng 9, một thùng Urals có giá trung bình 83,08 USD, so với mức giá trung bình 61,84 USD trong 10 tháng đầu năm nay.
Các công ty năng lượng của Moskva phải trả thuế khai thác khoáng sản (MET), thuế này thay đổi tùy theo giá dầu và chiếm phần lớn doanh thu của Chính phủ Nga từ việc bán dầu khí. Theo cơ quan này, chỉ riêng MET đã đóng góp 950 tỷ ruble (10 tỷ USD) vào ngân sách trong tháng 10.
Cũng trong tháng 10, các công ty dầu mỏ của Nga đã nộp thuế thu nhập bổ sung (ATT) cho quý III, do đó thêm 593 tỷ ruble (6,4 tỷ USD) được đưa vào ngân sách, đánh dấu mức doanh thu từ dầu khí cao kỷ lục trong 18 tháng qua.
Bình luận