• Zalo

'Diễn' khi trồng cây: Căn bệnh lệch lạc về nhận thức, văn hoá của một bộ phận quan chức

Thời sựChủ Nhật, 04/03/2018 06:59:00 +07:00Google News

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, hiện tượng trồng cây của một số cán bộ, quan chức hiện nay như một căn bệnh hình thức, thể hiện sự sai lệch về nhận thức, về văn hoá.

Trong phiên họp đầu xuân về tình hình và kết quả thực hiện chỉ thị 16 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, khi nói về chuyện trồng cây dịp Tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét:

"Hôm trước chúng tôi nêu cái ý định là năm nay làm một cái Tết trồng cây bảo vệ rừng vì cái nạn phá rừng nhiều quá mà. Làm sao cho nó thiết thực, cứ cầm cái xẻng nghêu ngao, cầm ra lút cán, trông là người ta biết ông này không phải là trồng cây. Gẩy gẩy mấy tí đất, chân thì đi giày, xong lại đưa cái khăn với chậu nước, nó phản cảm quá.

Cây thì to đùng ra, xây sẵn cái vòng xung quanh rồi. Cái đó đã nói rồi nhưng mà dưới địa phương không chịu chuyển, cứ chuẩn bị sẵn. Thậm chí cái cán xẻng tôi nói nhiều lần lắm rồi, quấn xanh xanh đỏ đỏ này, rồi thì bác trồng cây bác phải đi găng tay, xong rồi ra có người đưa cho cái khăn lau tay này. Tôi bảo không, tớ nông dân quen rồi, phủi thế này sạch rồi".

Như vậy, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã chỉ ra căn bệnh hình thức của lớp cán bộ giúp việc dưới quyền ở nhiều cơ quan, ở nhiều cấp.

Liên quan đến vấn đề trên, trả lời VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, việc trồng cây của một số cán bộ, quan chức hiện nay là "diễn", là thiếu thực chất, phô trương, phản cảm.

- Hiện nay, việc một số cán bộ trồng cây, nói là theo gương Bác Hồ song lại bị dư luận cho là hình thức. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Trước hết tôi phải nhắc lại về Tết trồng cây. Tết trồng cây là do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, đã có từ rất lâu rồi.

Trong bài "Tết trồng cây" của Bác Hồ viết tháng 8/1959, quan điểm của Bác khi trồng cây đó là phải xuất phát từ lợi ích sâu xa, mà như Bác nói là “vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Từ ý tưởng ấy mà Bác Hồ đã đi đến việc phát động Tết trồng cây vào tháng 1/1959.

123 5

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. (Ảnh tư liệu)

Mùa xuân năm Canh Tý (1960) được xem là năm đầu tiên thực hiện Tết trồng cây của Bác, và công việc này từ đó được làm đều đặn vào mỗi dịp mùa xuân.

Sau khi phát động và thực hiện Tết trồng cây rồi, ngày 19/1/1960, Bác lại viết một bài để đánh giá lại phong trào Tết trồng cây. Trong bài viết này, Bác có nhấn mạnh một ý đó là “trồng cây nào phải chắc cây ấy”, chắc ở đây tức là cây đó phải sống, phải mang lại hiệu quả.

Hiệu quả trồng cây mà Bác nói đến ở đây là ba lợi ích. Lợi ích thứ nhất là kinh tế. Trồng cây theo Bác nói là phải có lợi ích lấy gỗ, gỗ đó dùng làm vật liệu để xây nhà, chất đốt...

Lợi ích thứ hai là tạo ra khí hậu trong lành, mà bây giờ chúng ta vẫn quen gọi là môi trường sinh thái trong lành.

Lợi ích thứ ba từ việc trồng cây như Bác nói đó là làm cho cảnh quan đất nước tươi đẹp hơn.

Từ đó có thể khẳng định, việc trồng cây, chăm sóc, gìn giữ cây là một điều tốt đẹp, có lợi ích và cần thiết phải làm. Đó là công việc của tất cả mọi người chứ không riêng gì cán bộ, quan chức.

Ngoài ra, như Bác nói, đó là trồng cây phải thực chất, phải “trồng cây nào sống cây đó”, phải tính đến hiệu quả lợi ích, nên nếu cán bộ trồng cây mà phô trương, hình thức như hiện nay thì rõ ràng là làm sai lời dạy của Bác Hồ và gây phản cảm cho dư luận.

- Ông đánh giá thế nào về việc trông cây của một số cán bộ, quan chức hiện nay?

Trong các bài viết về Tết trồng cây, Bác Hồ luôn nhắc nhở là việc trồng cây phải thực chất, phải có hiệu quả, tránh phong trào chung chung.

Trên thực tế, sau này các phong trào trồng cây cũng đã cố gắng chỉ đạo nhưng mà  tôi theo dõi trong nhiều năm thì thấy hiệu quả của Tết trồng cây không cao, có Tết trồng cây trồng đến hàng triệu cây nhưng không biết tỉ lệ cây sống sót sau khi trồng là bao nhiêu.

Đó là nói về Tết trồng cây hiện nay nói chung. Còn về việc cán bộ, lãnh đạo trồng cây hiện nay thì có lẽ còn nhiều chuyện để nói hơn nữa.

nguyentrongphuc

nguyentrongphuc

Tôi cho rằng việc trồng cây của một số cán bộ, quan chức hiện nay là diễn, là thiếu thực chất, phô trương, phản cảm.

PGS Nguyễn Trọng Phúc

Từ nhiều năm qua, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, hay mỗi khi có lãnh đạo nào đó đi công cán, thăm nơi nào đó, trên báo chí bao giờ cũng không nhiều thì ít đưa tin, chụp ảnh các vị quan chức từ trung ương đến địa phương tham gia trồng cây.

Điều đáng nói là việc trồng cây này khiến dư luận thấy rất phản cảm bởi lối hình thức.

Trồng cây, theo lời dạy của Bác Hồ là phải xét đến tính hiệu quả, phải thực chất. Cây trồng thì vừa phải thôi, người ta trồng cây còn non, còn nhỏ, chứ có ai như bây giờ, nhiều khi đào cả cây cổ thụ lên rồi đem chôn xuống đất, gọi đó là trồng cây chỉ nhằm mục đích chụp vài cái ảnh đăng báo chí.

Người ta gọi đó là "diễn". Mà diễn khi trồng cây nhằm mục đích tuyên truyền là lố bịch, hình thức.

Nên từ hiện tượng trên tôi cho rằng, việc trồng cây của một số cán bộ, quan chức hiện nay là "diễn", là thiếu thực chất, phô trương, phản cảm.

Đi trồng cây mà lại lót thảm, đeo găng tay vải trắng, xẻng, thùng tưới nước, nón bảo hộ... để cho một vài vị quan chức nào đó đến cầm cái xẻng hay cái bình nước, đưa đưa tưới tưới tượng trưng vài động tác, rồi chụp hình, đăng báo.

Xung quanh là hàng chục người khác đứng làm nền, vỗ tay hớn hở. Trồng cây như vậy có thể nói là không thực chất, rất phản cảm.

trong cay 3

Việc trồng cây cần đi vào thực chất, tránh bệnh hình thức. (Ảnh: Internet)

- Theo ông, sở dĩ có hiện tượng trên thì nguyên nhân là do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trồng cây nói trên, song tựu chung chỉ có mấy nguyên nhân sau.

Thứ nhất, đó là căn bệnh hình thức. Vì thích hình thức nên mới bày đặt phô trương lòe loẹt và tốn kém nhưng cũng lại rất phản cảm.

Thứ hai, đó là căn bệnh thích đánh bóng tên tuổi, chủ nghĩa cá nhân. Trồng cây xong là phải dựng bia, khi trồng là phải có ảnh đăng báo chí nên mới sinh ra thế. Thực chất đây là màn “quảng cáo” cho người trồng cây.

Thứ ba, đó là tư duy lấy lòng cấp trên của những người cấp dưới , từ đó mà cấp dưới có thể đã bày vẽ, “đạo diễn" ra các kiểu trồng cây "lạ đời" như vậy để cấp trên “diễn”.

Thứ tư, đó là do tuyên truyền thái quá. Đôi khi cũng vì mục đích tuyên truyền (thông qua báo chí, truyền hình...) về trồng cây mà dẫn đến hình thành những phong trào trồng cây rầm rộ như thời gian qua.

Đi đến đâu cũng trồng, thăm địa phương nào cũng trồng cây, nhưng mà chỉ là diễn, mang nặng tính hình thức.

- Để chấn chỉnh hiện tượng "diễn" khi trồng cây cũng như căn bệnh hình thức của một bộ phận lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, theo ông cần phải làm gì?

Như tôi đã nói, do hiện tượng trồng cây của một số cán bộ, quan chức là thiên về hình thức, mà căn bệnh hình thức nguy hiểm thế nào thì chúng ta đã biết rồi nên cần thiết phải chấn chỉnh lại việc này.

Đây không chỉ là câu chuyện trồng cây mà còn là sự sai lệch về nhận thức, về văn hoá.

Thậm chí theo quan điểm của cá nhân tôi, có thể xem như là một “căn bệnh” rất đáng lo ngại trong xã hội. Càng đáng lo ngại hơn, khi những người “lệch lạc” ấy lại là những người cán bộ, là quan chức.

Bởi vậy, dư luận cần phải phê phán mạnh mẽ hiện tượng này để từ đó mỗi cán bộ, quan chức phải tự điều chỉnh lại nhận thức và việc làm của mình.

Mặt khác, báo chí cũng nên hạn chế việc tuyên truyền thái quá, kiểu như lãnh đạo đi thăm địa phương này, cơ quan nọ là phải có hình ảnh trồng cây, mà nhiều khi chỉ là hình thức.

Cần phải hiểu rằng, trồng cây là một nét đẹp văn hóa và nét đẹp đó cần phải được gìn giữ chứ không thể làm cho méo mó, biến dạng.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn