Thông tin được ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 4/7, liên quan đến việc các nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận khi phát điện đã gây quá tải lưới điện tại khu vực này.
Ông Hùng cho biết: “Mặc dù các công trình lưới điện 110kV như nâng công suất, xây dựng mạch 2 các đường dây 110kV Tháp Chàm – Ninh Phước – Phan Rí, Phan Thiết – Lương Sơn – Phan Rí – Tuy Phong… đã được phê duyệt quy hoạch, nhưng đến nay các công trình này vẫn chưa vào vận hành dẫn đến việc không đồng bộ giữa nguồn và lưới điện gây ra hiện tượng quá tải tại Bình Thuận và Ninh Thuận”.
Ông Hùng cho biết thêm, tại thời điểm phê duyệt quy hoạch điện lực tỉnh hoặc quy hoạch riêng lẻ dự án năng lượng tái tạo chưa đủ cơ sở để xem xét tổng thể khu vực khi quy hoạch phát triển điện lực quốc gia chưa tính đến tích hợp nguồn năng lượng tái tạo. “Do vậy, có thể xảy ra trường hợp công suất nguồn năng lượng tái tạo truyền tải từ Ninh Thuận, Khánh Hoà đổ về Bình Thuận gây quá tải lưới điện”, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho hay.
Theo đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, xét đề nghị của Bộ Công Thương, ngày 27/12/2018, Thủ tướng có văn bản đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện điều chỉnh danh mục các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải toả công suất các nguồn điện mặt trời.
Cụ thể, bổ sung xây dựng mới 11 dự án lưới điện vào quy hoạch để gom và truyền tải lượng công suất các nhà máy điện mặt trời khu vực lên hệ thống điện quốc gia thông qua Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam – Chơn Thành về trung tâm phụ tải khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, điều chỉnh tiến độ, quy mô so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh 4 dự án gồm Trạm biến áp 220kV xây dựng mới Cam Ranh, Phan Rí, Ninh Phước và thay đổi quy mô dự án Lắp MBA thứ hai TBA 220kV Hàm Tân.
Về tiến độ, ông Hùng cho biết, hiện đang thi công và sẽ hoàn thành 6 công trình lưới điện 110 kV trong năm 2019 như đường dây Lương Sơn – Hoà Thắng – Mũi Né, các công trình nâng tiết điện, phân pha các tuyến đường dây 110kV từ trạm 220kV Tháp Chàm – Ninh Phước – Phan Rí…
Ngoài ra, trong năm 2019 cũng khởi công thêm 5 công trình và năm 2020 sẽ khởi công thêm 5 công trình nữa.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện các dự án này đang gặp vướng mắc cơ bản về giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, công tác lựa chọn nhà thầu gặp nhiều khó khăn, ít nhà thầu tham dự do hàng loạt dự án nguồn năng lượng tái tạo đang triển khai đã thu hút gần như toàn bộ nhân lực của các nhà thầu xây lắp.
Việc cắt điện thi công cũng gặp khó, không bố trí được lịch cắt điện do chỉ thoả thuận được thi công trong khoảng từ 15h đến 6h sáng. Việc thi công vào ban đêm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn và tiến độ.
Ngoài các công trình lưới điện 110kV, các công trình lưới điện truyền tải cũng đang được chuẩn bị được đầu tư và thi công.
Ông Hùng cho hay, tháng 9/2018, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề nghị bổ sung vào quy hoạch điện điều chỉnh danh mục các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải toả công suất các nguồn điện mặt trời và đã được đồng ý.
Trước đó, Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận (BTWEA) có đơn kiến nghị đến Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan đến việc các nhà máy điện gió tại tỉnh Bình Thuận bị cắt giảm công suất khi đường dây quá tải, trái với thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) được ký giữa các dự án này với ngành điện trước đó.
Cụ thể, trong tháng 6, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã ép các dự án điện gió phải cùng cắt giảm công suất với các dự án điện mặt trời mới hòa lưới. Tỷ lệ yêu cầu cắt giảm công suất từ 38% đến 64% và ngày nào cũng bị cắt.
Theo một lãnh đạo (BTWEA), điện mặt trời hiện nay phát triển quá nóng, trong khi không đầu tư vào đường dây truyền tải khiến hệ thống quá tải, lại bắt doanh nghiệp giảm tải là thiếu công bằng.
Bình luận