• Zalo

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 3/8

Thời sự quốc tếThứ Năm, 04/08/2022 07:06:50 +07:00Google News
(VTC News) -

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 3/8/2022.

Nga tuyên bố về chứng cứ Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine: Người phát ngôn chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov đã dẫn ra chứng cứ về sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 3/8 - 1

Pháo Ukraine khạc lửa trên chiến trường Kharkov. Ảnh: EPA.

Theo Trung tướng Igor Konashenkov, Bộ Quốc phóng Nga đã ghi lại một tuyên bố chính thức của Phó Cục trưởng Cục Tình báo Chính của Bộ Quốc phòng Ukraine, Tướng Vadim Skibitsky, về việc Washington trực tiếp phê duyệt từng mục tiêu cho Kiev trước các cuộc tấn công từ nhiều bệ phóng tên lửa HIMARS của Mỹ. Điều này cho thấy sự can dự trực tiếp của Washington vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine gọi chiến sự Donbass là địa ngục: Tổng thống Ukraine Zelensky đã mô tả chiến sự ở Donbass là địa ngục. Ông cho biết, lực lượng Ukraine bị Nga áp đảo về vũ khí và số lượng binh sĩ.

 

Tổng thống Zelensky nói: "Chúng tôi vẫn chưa thể phá vỡ lợi thế của Nga về pháo binh và nhân lực. Điều này được cảm nhận rất rõ trong giao tranh, đặc biệt là ở Donbass, Peski, Avdeevka và các hướng khác. Đây đúng là địa ngục".

Nhà báo Ukraine mô tả mặt trận Donbass không khác "cối xay thịt": Có mặt trong đội quân của Ukraine ở mặt trận Donbass, nhà báo Butusov than phiền về việc lực lượng Ukraine không chống cự được quân đội Nga và tình cảnh của lính Ukraine ở đây không khác nào trong cối xay thịt.

Hai thị trấn gần Donetsk (miền Đông Ukraine) đã chứng kiến giao tranh dữ dội trong tuần qua.

Hôm 2/8, nhà báo người Ukraine Yuriy Butusov được đi cùng quân đội Ukraine ở Donbass, đã đăng tải một bài báo đầy xúc cảm từ Peski, gọi đây là “cối xay thịt”.

Nga nói phương Tây có thể làm nổ ra chiến tranh hạt nhân: Nga tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để giải quyết xung đột với Ukraine, nhưng Moscow có thể quyết định làm điều này để đáp trả “sự tấn công trực tiếp” của các nước NATO.

Tại Hội nghị đánh giá không phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc, nhà ngoại giao Nga Alexander Trofimov đã bác bỏ “những suy đoán hoàn toàn vô căn cứ, xa rời thực tế và không thể chấp nhận được rằng Nga bị cáo buộc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là ở Ukraine”.

Nga chuẩn bị cuộc tấn công mới ở phía Nam Ukraine, quyết giữ Kherson đến cùng: Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng Nga đang chuẩn bị cho cuộc tấn công mới vào khu vực phía Nam Ukraine nhằm làm gián đoạn các chiến dịch phản công của Kiev.

Quân đội Nga đang điều động lực lượng từ phía Đông sang phía Nam Ukraine. Lý do rõ ràng nhất cho việc này là tăng cường phòng tuyến nhằm kiềm chế các chiến dịch phản công của Ukraine – với mục tiêu cuối cùng là giải phóng cảng chiến lược Kherson.

Mỹ mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga: Ngày 2/8, Mỹ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, ảnh hưởng đến các cá nhân và pháp nhân, hạn chế visa đối với hàng trăm quan chức Nga. Mỹ cũng sẽ cấm bảo dưỡng thêm 25 máy bay đang được các hãng hàng không Nga khai thác.

Trong tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Mỹ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, bao gồm 13 cá nhân và hơn 30 pháp nhân trong danh sách hạn chế. Theo danh sách được công bố, các lệnh trừng phạt còn ảnh hưởng đến người đứng đầu chính quyền Mariupol Konstantin Ivashchenko, người đứng đầu chính quyền vùng Kherson Vladimir Saldo và cấp phó của ông là Kirill Stremousov.

Tây Ban Nha nêu lý do không thể gửi xe tăng Leopard cho Ukraine: Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã đề xuất gửi xe tăng Lepoard cho Ukraine. Tuy nhiên kế hoạch này đã bị dừng lại do các vấn đề phức tạp về kỹ thuật.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles ngày 2/8 cho biết, nước này không thể gửi xe tăng Leopard 2A4 cho Ukraine vì các xe tăng này đã không được sử dụng nhiều năm và có thể gây nguy hiểm cho người vận hành.

IAEA cảnh báo nhà máy điện hạt nhân Ukraine nằm ngoài tầm kiểm soát: Người đứng đầu IAEA cảnh báo rằng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine “hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát”, đồng thời yêu cầu Nga và Ukraine cho phép các chuyên gia đến thăm khu phức hợp này để ổn định tình hình và tránh để xảy ra sự cố hạt nhân.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 2/8, ông Rafael Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya ở phía Đông Nam thành phố Enerhodar, Ukraine đang trở nên nguy hiểm hơn mỗi ngày.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ rút vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu: Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa tuyên bố, Mỹ nên “rút tất cả các vũ khí hạt nhân của mình khỏi châu Âu và kiềm chế triển khai vũ khí hạt nhân ở bất cứ khu vực nào khác”.

Cụ thể, Vụ trưởng Fu Cong nói vào hôm 2/8 rằng cái gọi là “các dàn xếp chia sẻ vũ khí hạt nhân” giữa các nước “làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và xung đột hạt nhân”. Ông Fu phát biểu tại một hội nghị về Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.

Nga phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ về đàm phán vũ khí chiến lược: Phía Nga cho biết, Mỹ không gợi ý gì về việc gia hạn đàm phán kiểm soát vũ khí chiến lược dù Tổng thống Mỹ tuyên bố điều ngược lại.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 3/8 cho biết, Mỹ không đưa ra được bất cứ đề xuất nào liên quan đến một thỏa thuận kiểm soát vũ khi có khả năng thay thế cho New START- Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tiến công chiến lược Mới.

Trung Hiếu(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn