Việc các hồ thủy điện khu vực miền Trung xả tràn khiến người dân không kịp đối phó, thiệt hại vô cùng nặng nề.
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên, do mưa lớn nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung nước dâng cao lên mức báo động 3 buộc phải 'xả tràn' để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, việc xả tràn này đã khiến người dân không kịp đối phó, thiệt hại vô cùng nặng nề.
Xem clip thủy điện xả lũ:
(Nguồn: VTV)
Không kịp trở tayTrung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên cho biết, riêng trong ngày 16/11, đã có tới 15 hồ thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả tràn, với 9 hồ xả với lưu lượng lớn từ trên 650 m3/giây tới 2.500 m3/giây.
Trong đó có các hồ, đập như Bình Điền, Hương Điền ở tỉnh Thừa Thiên – Huế; Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Sông Ba Hạ (Phú Yên – Gia Lai), PlaiKrông (Kon Tum)...
Việc xả lũ này đã khiến người dân miền Trung hứng chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Một người dân dỡ ngói để chạy lũ. Ảnh: Tuổi trẻ |
Ông nói thêm: “Trước khi xả lũ, các thủy điện phải thông báo cho chúng tôi trước khoảng 1 buổi để chủ động di dời, tránh lũ. Khi có mưa lớn, các thủy điện xả lũ ồ ạt. Người dân chúng tôi ở hạ du không trở tay kịp”.
Bà Nguyễn Thị Bích Sinh, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp (Tuy Phước, Bình Định), cho biết trên báo Người lao động, thông thường, khi các thủy điện xả lũ đều có gửi thông báo. Tuy nhiên, đợt xả này, UBND xã không nhận được thông báo của thủy điện nên người dân thiệt hại nặng nề.
Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), cũng cho rằng thông tin về việc các hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ đến với huyện quá chậm khiến hàng ngàn hộ dân không kịp đối phó; toàn bộ gia cầm, gia súc, lương thực của họ đã bị ngập trong nước.
Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 17/11, dẫn lời của Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định cho hay "Do hệ thống truyền thanh bị mất điện nên người dân khó nắm được thông tin xả lũ."
Lũ lớn là do thủy điện?
Nhiều người dân miền Trung đã bức xúc cho rằng lũ lớn này có phần “góp công” không nhỏ của việc thủy điện xả lũ.
Báo Người lao động nhấn mạnh, trong những ngày qua, ở miền Trung mặc dù lượng mưa không lớn bằng những trận mưa gây nên trận lũ lịch sử năm 1999 nhưng việc các thủy điện đồng loạt xả lũ với lượng lớn khiến người dân vùng hạ du miền Trung trở tay không kịp.
Nhà anh Đồng Văn Cường ở huyện Phù Mỹ bị sập hoàn toàn trong cơn lũ. Ảnh: Báo Bình Định |
Theo ông Tiến, mọi năm vào thời điểm tháng 10 Âm lịch, nếu xảy ra lũ thì chỉ với mức độ nhỏ. Tuy nhiên, đợt lũ này quá lớn là do thủy điện cấp tập xả lũ.
Nói về tác dụng của các thủy điện trong phòng chống bão lũ, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn TP.Đà Nẵng cho biết trên VnMedia, trong đợt mưa lũ lớn lần này các thủy điện hoàn toàn không có tác dụng cắt lũ.
Nguyên nhân, hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên đa phần dung tích nhỏ nên xảy ra tình trạng mùa khô thì không trữ nước được bao nhiêu để cứu hạn cho hạ du, còn mùa lũ thì xả dồn dập gây ra tình trạng lũ chồng lũ.
Báo Tuổi trẻ cũng dẫn nhiều số liệu chứng minh rằng việc thủy điện Hương Điền xả lũ không theo quy trình (nước xả khỏi hồ nhiều hơn nước nhận vào hồ) đã khiến hàng vạn hộ dân của Thừa Thiên - Huế bị nhấn chìm trong lũ.
Cũng trên báo này, ông Nguyễn Sự - bí thư Thành ủy TP Hội An (Quảng Nam) nói, ngoại trừ cái lợi của thủy điện mang lại là năng lượng thì mặt trái của nó quá nhiều. Mùa khô tích nước làm Hội An điêu đứng. Nước sông Hoài khô dòng, Cửa Đại bị ngập mặn, nhà máy nước phải đóng cửa. Mùa lũ, việc xả lũ làm nước về nhanh, gây xói lở, đổi dòng, uy hiếp an nguy của phố cổ.
“Bất cứ một thủy điện nào xả lũ, Hội An cũng phải gánh chịu. Ngành du lịch ảnh hưởng khủng khiếp” - ông Sự nói thêm.
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tại miền Trung có 31 người bị chết và 9 người mất tích. Thiệt hại về tài sản, khu vực miền Trung có 225 nhà bị cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm chìm 7 tàu thuyền tại Phú Yên, Quảng Ngãi. Theo thống kê tại 3 tỉnh Bình Định, Gia Lai và Phú Yên đã có trên 431 ha lúa, hoa màu bị ngập úng.
Bình luận