Điểm mặt những thủ lĩnh cộm cán của Taliban trong chính phủ mới ở Afghanistan

Thời sự quốc tếThứ Tư, 08/09/2021 10:07:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều bộ trưởng nội các được Taliban được bổ nhiệm là những gương mặt quen thuộc, nhưng cũng có một vài cái tên gây bất ngờ.

Hôm 7/9, Taliban công bố các vị trí trong chính phủ lâm thời quản lý Afghanistan. Hầu hết họ đều là những người trung thành với Taliban từ những năm cầm quyền đầu tiên của lực lượng này cách đây 2 thập kỷ.  

Danh sách nội các mới được công bố là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Taliban coi quyền lực là thứ được chia sẻ độc quyền giữa những người chiến thắng thay vì thực hiện lời hứa về một chính phủ hòa nhập, thống nhất với sự tham gia của phụ nữ và một số quan chức trong chính quyền cũ. 

Những cái tên được bổ nhiệm là các gương mặt cũ, nhưng không tin về họ không mấy dày dặn. 

Dưới đây là thông tin chi tiết về những cái tên nổi bật nhất. 

Thủ tướng Mullah Muhammad Hassan

Được coi là một trong những thành viên sáng lập Taliban vào những năm 1990, Mullah Hassan sẽ giữ vai trò là người đứng đầu ‘Rehbari Shura’- bộ phận ra quyết định đầy quyền lực của Taliban. 

Điểm mặt những thủ lĩnh cộm cán của Taliban trong chính phủ mới ở Afghanistan - 1

Mullah Muhammad Hassan. (Ảnh: Reuters)

Hassan từng là phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng thời kỳ Taliban cai trị giai đoạn 1996-2001. 

Trong suốt 2 thập kỷ nổi dậy sau khi Taliban bị hất cẳng, Hassan thu mình, âm thầm giúp điều phối và điều hành hội đồng lãnh đạo của Taliban ở Quetta, Pakistan.

Phó Thủ tướng Mullah Abdul Ghani Baradar 

Theo Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Baradar sinh năm 1968 ở tỉnh Kandahar - "cái nôi" của phong trào Taliban. 

Baradar là người đồng sáng lập Taliban và được xem là nhân vật cao cấp số 2 của lực lượng này, sau lãnh đạo tối cao Haibatullah Akhundzada.

Ông giữ các chức vụ cấp cao trong chính phủ đầu tiên của Taliban, nổi tiếng là một trong những chỉ huy tàn bạo nhất khi Taliban tìm cách trấn áp các đối thủ trong các cuộc đối đầu ở miền bắc Afghanistan. 

Baradar giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào năm 2001. Giống như các lãnh đạo khác, ông trốn sang Pakistan sau khi thời gian cai trị của Taliban chấm dứt.

Điểm mặt những thủ lĩnh cộm cán của Taliban trong chính phủ mới ở Afghanistan - 2

Mullah Abdul Ghani Baradar. (Ảnh: Reuters)

Khi Taliban chuyển mình thành lực lượng nổi dậy, Baradar trở thành cấp phó của thủ lĩnh tối cao Taliban Mullah Omar và lãnh đạo các hoạt động quân sự của lực lượng. 

Ngoài giám sát chặt chẽ hoạt động của Taliban, Baradar cũng tham gia vào các cuộc tham vấn bí mật với phái viên của cựu Tổng thống Hamid Karzai và các tổ chức hỗ trợ quốc tế.

Ông bị bắt ở Pakistan năm 2010 và phải ngồi tù 8 năm. Baradar được thả năm 2018, có thể do sức ép từ phía Mỹ nhằm gia tăng ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Taliban với Washington.

Baradar tới Qatar sau khi được thả và trở thành người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban tại Doha. Baradar là người đã chứng kiến việc ký thỏa thuận giữa Taliban và Mỹ, dẫn tới việc Washington rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm. 

Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani

Haqqani, 48 tuổi là con trai của người sáng lập quá cố Taliban Mullah Omar và là người lãnh đạo mạng lưới Haqqani - một nhóm được tổ chức phụ trách việc giám sát các tài sản quân sự và tài chính của Taliban dọc biên giới Pakistan - Afghanistan.

Với vị trí Bộ trưởng Nội vụ, Haqqani sẽ phụ trách về luật pháp và thực thi trật tự, thậm chí có thể là quản trị địa phương. 

Điểm mặt những thủ lĩnh cộm cán của Taliban trong chính phủ mới ở Afghanistan - 3

Sirajuddin Haqqani. (Ảnh: Wikia)

Năm 2016, Haqqani trở thành 1 trong 2 đại biểu của thủ lĩnh tối cao của Taliban, Sheikh Haibatullah Akhundzada lãnh trọng trách giám sát mạng lưới các chiến binh và trường tôn giáo. 

Haqqani và mạng lưới của mình có một số quan hệ bền chặt và lâu dài với với al-Qaeda.

"Người của Haqqani là cầu nối quan trọng giữa Taliban và al-Qaeda", Thomas Joscelyn, thành viên cấp cao của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ cho hay. 

Bộ trưởng quốc phòng Mawlawi Muhammad Yaqoub

Yaqoub khoảng 30 tuổi, là người đứng đầu Ủy ban quân sự của Taliban và là con trai lớn của Mullah Omar.

Yaqoub bắt đầu được chú ý khi được đề cử trở thành lãnh đạo tối cao của Taliban năm 2016.  

Mặc dù nhận được sự ủng hộ của một số chỉ huy quân sự của phong trào, Yaqoub vẫn vấp phải nhiều hoài nghi do còn quá trẻ. 

Đây được xem là yếu tố khiến Yaqoub không thể leo lên vị trí thủ lĩnh tối cao của Taliban.

Dù vậy, Yaqoub vẫn tiếp tục gia tăng ảnh hưởng trong Taliban. Trong những ngày gần đây, ông này liên tục cảnh báo công chúng về các hình phạt đối với các hành vi cướp bóc và trộm cắp tài sản của chính phủ. 

Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi

Muttaqi trước đó là người đứng đầu Ủy ban Chỉ đạo và đổi mới của Taliban, chịu trách nhiệm thuyết phục các thành viên cũ của lực lượng quân đội và cảnh sát Afghanistan đầu hàng. 

Trong chính phủ đầu tiên của Taliban, Muttaqi từng giữ chức Bộ trưởng thông tin và văn hóa trước khi trở thành Bộ trưởng giáo dục.

Điểm mặt những thủ lĩnh cộm cán của Taliban trong chính phủ mới ở Afghanistan - 4

Amir Khan Muttaqi. (Ảnh: Getty Images)

Trong hai thập kỷ nổi dậy của Taliban, ông giúp định hình chiến lược tuyên truyền và chiến tranh tâm lý của lực lượng trước khi ngồi vào vị trí tham mưu trưởng cho lãnh đạo tối cao và là thành viên của phái đoàn chính trị Taliban ở Qatar.

Muttaqi là một trong số các lãnh đạo Taliban tổ chức các cuộc đàm phán với các quan chức Mỹ trong những năm qua. Ông cũng là là một trong những nhân vật cấp cao đầu tiên của Taliban gặp gỡ các cựu quan chức Afghanistan, bao gồm cựu Tổng thống Karza và cựu Chủ tịch Hội đồng hòa giải dân tộc tối cao Abdullah Abdullah sau khi Kabul thất thủ. 

Giám đốc tình báo Abdul Haq Wasiq 

Wasiq là 1 trong 5 tù nhân tại nhà tù Guantanamo (Mỹ) được thả để đối lấy tù nhân chiến tranh cuối cùng của Mỹ - Bowe Bergdahl.

Sau khi rời nhà tù, Wasiq tới Doha, Qatar và trở thành thành viên chủ chốt trong các cuộc đàm phán của Taliban với Mỹ. 

Wasiq là người gốc Ghazni, khoảng 50 tuổi. 

Trong chính phủ đầu tiên của Taliban, Wasiq là cấp phó trong cơ quan tình báo. 

Hồ sơ thẩm vấn của Wasiq trong thời gian bị giam giữ ở Guantánamo cho thấy ông này có quan hệ mật thiết với Al Qaeda, bao gồm việc sắp xếp để nhóm khủng bố đào tạo các nhân viên tình báo cho Taliban.

Bộ trưởng về người tị nạn Khalil Haqqani

Haqqani là đại diện đặc biệt của thủ lĩnh tối cao của Taliban và là chú của phó thủ lĩnh Taliban.

Ông từ lâu là được biết đến là người gây quỹ cho mạng lưới Haqqani có quan hệ chặt chẽ trong khu vực vùng Vịnh. 

Điểm mặt những thủ lĩnh cộm cán của Taliban trong chính phủ mới ở Afghanistan - 5

Khalil Haqqani. (Ảnh: Zee News)

Haqqani từng bị đưa vào danh sách khủng bố toàn cầu của Mỹ và Liên hợp quốc. Ông đóng vai trò công khai trong việc thiết lập chính quyền của Taliban ở Kabul.

Chỉ vài ngày sau khi Kabul thất thủ, Haqqani xuất hiện tại một nhà thờ Hồi giáo trong thành phố, nói với một đám đông đang cổ vũ rằng “ưu tiên hàng đầu của Taliban đối với Afghanistan là an ninh - nếu không có an ninh thì sẽ không có sự sống”.

Song Hy(Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn