Doanh nghiệp Xuân Trường được nhiều người biết đến với vai trò là chủ đầu tư của nhiều dự án tâm linh "khủng" với số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều người tò mò không biết vị đại gia đứng đầu doanh nghiệp này là ai mà lại có thể mạnh tay chi tiền để thực hiện những dự án tầm cỡ như thế.
Theo tìm hiểu, tỷ phú Xuân Trường (tên thật là Nguyễn Văn Trường), sinh năm 1963 tại Hoa Lư, Ninh Bình. Đây là một doanh nhân có lối sống khá kín tiếng. Mọi người chỉ biết đến ông sau khi vị tỷ phú này đứng ra thực hiện hàng loạt dự án tâm linh nổi tiếng như khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu du lịch Tràng An – chùa Bái Đính, khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao, khu du lịch Cái Tráp, những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa,…
Nhắc đến Xuân Trường là nhắc ngay đến dự án khu du lịch Tràng An, quần thể có nhiều di tích danh thắng được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính... Đây là dự án "để đời" của tỷ phú Xuân Trường với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Ngay sau dự án khu du lịch Tràng An, Bái Đính, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường lại khiến dư luận xôn xao khi tiếp tục đầu tư dự án Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, với chức năng văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí có tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.
Cuối năm 2015, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường có tờ trình đề nghị thành phố Hải Phòng chấp thuận chủ trương, cho doanh nghiệp đầu tư dự án khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp, với số vốn đầu tư dự kiến 9,8 nghìn tỷ đồng.
Chây ì không trả tiền bồi thường thiệt hại
Không chỉ nổi tiếng với những siêu dự án hàng chục nghìn tỷ, doanh nghiệp của tỷ phú Xuân Trường còn dính một số tai tiếng trong quá trình thực hiện dự án. Điển hình như việc doanh nghiệp này bị "tố" chây ì thi hành án khi gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty Cổ phần thủy sản Sông Gianh.
Cụ thể, xe ô tô do công nhân lái xe của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình điều khiển chở đá bây từ thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình vào địa phận tỉnh Thanh Hóa cho doanh nghiệp này đang thi công tại Quốc lộ 1A thì đâm vào vào đầu xe, bánh trước bên phải của xe Camry 73A-001.14 khiến 2 ô tô cùng hư hỏng nặng.
Sau nhiều lần định giá, ngày 11/12/2013, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa định kết luận, xe ô tô Camry 73A-001.14 bị thiệt hại 584.665.200 đồng, yêu cầu doanh nghiệp Xuân Trường phải bồi thường cho Công ty Cổ phần thủy sản Sông Gianh số tiền là 584.665.200 đồng về khoản bồi thường thiệt hại (theo Bản án sơ thẩm số 10/2014/HSST ngày 21/2/2014 của TAND thị xã Bỉm Sơn và Bản án phúc thẩm số 125/2014/HSPT ngày 21/5/2014 của TAND tỉnh Thanh Hóa).
Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, trong khi Công ty Cổ phần thủy sản Sông Gianh hết lần này đến lần khác đi "đòi nợ" thì doanh nghiệp chuyên "thâu tóm" những dự án nghìn tỷ của đại gia Xuân Trường vẫn chây ì, không chịu thi hành bản án pháp luật cũng như bồi thường thiệt hại cho công ty này.
Trớ trêu hơn, sau 2 năm kể từ ngày doanh nghiệp Xuân Trường phải thi hành án, tỷ phú Xuân Trường lại ký công văn số 191/ĐN/DN gửi Công ty Cổ phần thủy sản Sông Gianh để "mặc cả", xin được hạ số tiền bồi thường từ 584 triệu xuống còn 350 triệu với lý do cá nhân người vi phạm cùng với doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn.
Điều này khiến nhiều người thắc mắc rằng tại sao một doanh nghiệp lớn như Xuân Trường, chuyên thực hiện những dự án tâm linh trọng điểm của Quốc gia lại có thể lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không trả nổi mức bồi thường, thậm chí còn kì kèo "mặc cả", chây ì không chịu thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Câu hỏi được đặt ra là năng lực thực sự của ông chủ doanh nghiệp đình đám này tới đâu hay văn bản trên chỉ là cái cớ để doanh nghiệp này thoái thác trách nhiệm, không phải đóng đủ mức bồi thường theo quy định?
Tuy nhiên sau đó, tỷ phú Xuân Trường lên tiếng rằng văn bản nêu trên là có người giả mạo chữ ký của ông. Ngay sau khi nhận được bản án, ông đã chuyển ngay lập tức số tiền 584 triệu đồng và các khoản lãi tiền phải bồi thường cho Công ty Cổ phần thủy sản Sông Gianh đúng như bản án đã tuyên.
Video: Phong tỏa, cảnh báo khách hàng không đến công trình trái phép 'Tràng An cổ'
Vi phạm pháp luật về đê điều khi triển khai dự án
Một lùm xùm khác liên quan đến doanh nghiệp này đó là công ty xây dựng Xuân Trường cùng nhiều ông lớn khác dính một số vi phạm pháp luật về đê điều, gây nhức nhối trong việc xử lý vi phạm đối với các cơ quan chức năng.
Cụ thể, theo nguồn tin của Dantri, tại Km33+700 đến Km34+050 trên sông Đáy (đoạn qua xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã xây dựng nhà ở, bếp ăn, đào giếng trong hành lang bảo vệ đê điều phía đồng; đóng cọc đổ bê tông trụ, xây dựng trạm trộn bê tông trong hành lang bảo vệ đê phía đồng.
Mặc dù nhiều lần bị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm nhưng các doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên vi phạm pháp luật một cách trắng trợn.
Ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép
Chưa hết, nhiều người dân tại thôn Yên Lâm, xã Yên Sơn (TP. Tam Điệp) bức xúc phản ánh rằng nhiều năm nay, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thường xuyên khai thác đất, đá tại đồi Ba Mào gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho người qua lại. Điều đáng nói, doanh nghiệp Xuân Trường chưa được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và các hồ sơ thủ tục pháp lý có liên quan nhưng vẫn thản nhiên khai thác tài nguyên tại khu vực này.
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực đồi Ba Mào có rất nhiều xe tải dán biển “Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường” ra vào liên tục để chở đất đá khai thác. Xung quanh các hố sâu bị khai thác triệt để không hề có rào chắn hay biển cảnh báo đến người dân, vô cùng nguy hiểm.
Đáng nói, mặc dù sai phạm của doanh nghiệp Xuân Trường là rõ ràng, mỏ Ba Mào chưa được cấp giấy phép khai thác nhưng chính quyền địa phương dường như đang "ngó lơ" để mặc doanh nghiệp này tiếp tục vi phạm, đục khoét tài nguyên.
Thu phí tại chùa cổ gây bức xúc
Gần đây nhất, người dân địa phương Ninh Bình liên tục phản ánh về việc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thu phí khách đến hành hương, lễ bái tại động Am Tiên.
Cụ thể, người dân tại đây cho biết, sau khi quần thể khu di tích Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, doanh nghiệp Xuân Trường đã xẻ núi làm hầm thông quan, nạo hút mở rộng lòng hồ, đổ bê tông xi măng hóa đường quanh hồ và thu vé vào thăm quan du lịch 20.000 đồng/lượt.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Mạnh – Phó Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình cho biết, khu vực này đang giao cho Xuân Trường khai thác, hiện nay đang trong quá trình đầu tư và do doanh nghiệp quản lý.
"Doanh nghiệp đã đầu tư rồi thì phải chấp nhận theo quy định của doanh nghiệp, đất đã bàn giao rồi thì phải thuộc quyền của doanh nghiệp, không thể thích xem gì thì xem", ông Mạnh trả lời trên báo chí.
Tuy vậy, sự việc này vẫn khiến người dân vô cùng bức xúc. Họ cho rằng, việc thu phí khi vào lễ chùa là một hình thức kinh doanh phản cảm, ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo cũng như đối với chính quyền của người dân.
Bình luận