• Zalo

Điểm mặt những cổ phiếu đầu cơ

Kinh tếThứ Ba, 01/04/2014 07:51:00 +07:00 Google News

Bloomberg đã điểm mặt 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất từ ngày 1-14/3/2014.

Bloomberg đã điểm mặt 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất từ ngày 1-14/3/2014.

Một cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường, tăng trần nhiều phiên lại chẳng có thông tin tốt nào làm bệ đỡ. Đây có thể là dấu hiệu cổ phiếu bị đầu cơ.

Tăng nóng
Nhà đầu tư sẽ rất bất ngờ nếu chú ý kỹ phiên ngày 12/3 khi khối lượng giao dịch của AGR (Công ty Cổ phần Chứng khoán Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) lại đứng đầu sàn HoSE với hơn 6,6 triệu cổ phiếu, cao gấp 6,6 lần những phiên giao dịch sôi động nhất của AGR trong quá khứ. Từ ngày 3-17/3, giá cổ phiếu AGR đã tăng trên 50%.

Mua cổ phiếu chính là mua kỳ vọng vào kết quả sáng sủa của doanh nghiệp trong lương lai. Tương lai thế nào lại phụ thuộc vào những gì doanh nghiệp hiện có. Từ cuối năm 2013 đến nay, hầu như rất khó tìm thấy thông tin lạc quan nào về hoạt động kinh doanh của AGR.
Thị trường đang tăng điểm với nhiều nhà đầu tư mới nhập cuộc là điều kiện tốt cho giới đầu cơ đẩy giá. Ảnh Nhịp cầu Đầu tư 
Năm rồi, AGR là công ty chứng khoán đầu tiên báo lỗ quý IV/2013. Doanh thu môi giới giai đoạn này cũng sụt giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư chứng khoán góp vốn và doanh thu khác là hai mảng có doanh thu sụt giảm mạnh nhất. 
Dù được cứu thua từ lợi nhuận các quý trước, nhưng lợi nhuận cả năm 2013 của AGR cũng sụt giảm đến 70% so với năm trước đó. Nắm trong tay số vốn điều lệ hơn 2.000 tỉ đồng, lớn thứ hai thị trường, nhưng lợi nhuận cả năm chưa đầy 20 tỉ đồng cũng chẳng phải là tin đáng mừng đối với cổ đông AGR.
Ngoài kinh doanh không hiệu quả, quy trình quản trị rủi ro tại AGR cũng bộc lộ nhiều bất ổn. Đầu năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả rà soát tại Ngân hàng Agribank, trong đó cũng có nói đến AGR do Agribank nắm trên 75% vốn ở công ty này. Kết quả cho thấy ngoài việc chưa tuân thủ quy định về quản trị khi đặt lệnh mua chứng khoán cho khách hàng, AGR cũng dễ dãi trong việc ràng buộc trách nhiệm thanh toán và tài sản đảm bảo của khách hàng. Do đó, AGR được đánh giá có nguy cơ thua lỗ lớn.
Với tình hình như vậy, liệu nhà đầu tư có thể mong chờ gì ở khả năng đột biến về kết quả kinh doanh của AGR trong năm 2014? Nếu nói rằng việc khối lượng giao dịch trên thị trường đang tăng lên có thể giúp AGR tăng doanh thu môi giới thì cũng có phần đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, AGR dù có vốn lớn, nhưng lại không nằm trong top 10 công ty có thị phần môi giới lớn nhất 2 sàn. Trong khi đó, nhóm này đã chiếm khoảng 60% toàn thị trường.
Đã vậy, tính đến cuối năm 2013, AGR đã phải trích lập dự phòng 88 tỉ đồng cho danh mục chứng khoán đầu tư ngắn hạn gần 500 tỉ đồng.
Một điểm đáng lưu ý nữa là giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán vốn nhạy cảm với các con sóng tăng như VND (Chứng khoán VNDirect), SHS (Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội)… cũng không thấy tăng mạnh như ở AGR.

“Những dấu hiệu trên cho thấy cổ phiếu AGR đang bị đầu cơ rõ ràng”, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKS), nhận xét.
Tuy nhiên, mức tăng giá của AGR vẫn chưa là gì so với cổ phiếu NAG (Công ty Cổ phần Nagakawa Việt Nam). Dù mới có lãi chút ít trong năm 2013 sau 2 năm thua lỗ lớn, nhưng NAG vẫn tăng trần trong nhiều phiên. Từ ngày 1-14/3, giá NAG đã tăng tới 177,8%.

Đáng nói là trong khi cổ phiếu tăng trần thì hoạt động của Công ty lại không có gì nổi bật. Thậm chí, các cổ đông lớn cùng lãnh đạo NAG còn liên tục bán ra cổ phiếu. Ông Mai Thanh Phương, Phó Chủ tịch NAG, chẳng hạn, đã đăng ký bán hết gần 10% cổ phiếu sở hữu.
Điểm mặt cổ phiếu đầu cơ
Giá trị giao dịch toàn thị trường mỗi phiên từ đầu năm đến nay đã có sự cải thiện đáng kể. Phiên ngày 20/2 với hơn 5.500 tỉ đồng là một ví dụ. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime Bank (MSBS), khi đó nhận định, phần lớn giá trị giao dịch này đến từ tiền margin (cho vay ký quỹ). Trong khi đó, giới đầu tư rất hiếm khi sử dụng margin. “Điều này cho thấy, số người đầu cơ đang ngày một nhiều”, ông nói.
Số mã có dấu hiệu bị đầu cơ là không ít. Bloomberg đã điểm mặt 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất từ ngày 1-14/3 như CMI tăng 141,9% hay VE8 tăng 122,2%. SHN, PVX, VHG... cũng là những cổ phiếu được giới đầu cơ ưa thích.
Đặc điểm của cổ phiếu bị đầu cơ là có quy mô nhỏ, giá thấp và đặc biệt chẳng có tin tốt gì. Trong lúc tin còn xấu, cổ phiếu bị chê, giới đầu cơ dễ mua được giá thấp. Quy mô nhỏ tương ứng với số cổ phiếu ít giúp họ không tốn quá nhiều tiền để mua gom và nắm giữ. Còn với cổ phiếu có thị giá thấp, thường vài ba ngàn đồng/cổ phiếu, mỗi lần tăng vài trăm đồng cũng đã đủ để đạt giá trần.
Nếu so giá trị tuyệt đối, tăng 300 đồng/phiên sẽ ít hơn mức tăng 3.000 đồng/phiên. Nhưng thị giá cổ phiếu thấp khiến 300 đồng này trở thành 10% giá trị tài sản, lớn hơn nhiều so với cổ phiếu có mức tăng 3.000 đồng nhưng có giá tới vài chục ngàn đồng.
AGR cũng vậy. Chỉ với 7 phiên tăng trần liên tiếp (7-17/3), dù giá AGR chỉ tăng 2.600 đồng nhưng tổng số tiền trong tài khoản của người đầu cơ đã tăng hơn một nửa. Nếu có vay margin thì lãi sẽ còn nhiều hơn. Tiền nhà đầu tư có và được phép vay công ty chứng khoán cao nhất là 1:1. Nhưng công ty chứng khoán vẫn có cách cho khách hàng vay nhiều hơn.
Lợi nhuận lớn từ những cổ phiếu nói trên lúc nào cũng hấp dẫn nhà đầu cơ. Và thị trường đang trong xu hướng tăng điểm với nhiều nhà đầu tư mới nhập cuộc lại là điều kiện tốt cho giới đầu cơ đẩy giá. Không chỉ vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tồn tại nhiều điều kiện lý tưởng cho giới đầu cơ.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia tài chính, cho rằng điều kiện đầu tiên đến từ phía môi giới. Môi giới là lực lượng tư vấn cho khách hàng và tạo doanh thu chính cho công ty chứng khoán.

“Với áp lực doanh thu hằng tháng và không mấy am hiểu về doanh nghiệp, liệu có bao nhiêu môi giới tư vấn cho khách hàng đầu tư dài hạn thay vì đầu cơ?”, ông Lân đặt vấn đề.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp niêm yết có quy mô nhỏ và thị giá thấp, cũng dễ kích thích đầu cơ. Tại ngày 6/2, hơn 55% số mã trên sàn HNX có giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu và 39% trên sàn HoSE. Đáng chú ý là tình trạng sửa báo cáo tài chính xảy ra khá nhiều mà không bị phạt hay chế tài gì.
“Nó tạo điều kiện giao dịch nội gián hoặc khả năng người đầu cơ kết hợp với lãnh đạo doanh nghiệp làm giá cổ phiếu, trước khi có đính chính chính thức”, ông nói.


Theo Nhịp cầu đầu tư
Bình luận
vtcnews.vn