Bộ Tài chính vừa công bố kết quả sơ bộ kiểm tra giá cước vận tải ô tô tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, trong số 264 doanh nghiệp vận tải hoạt động, có khoảng 39 doanh nghiệp không chịu giảm cước, chưa kể số doanh nghiệp không muốn giảm tiếp lần 2.
Trong số không giảm cước này có 10 công ty ở Lâm Đồng, 11 công ty ở Khánh Hoà, 12 công ty ở Hoà Bình, 6 doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc.
Bộ Tài chính cho biết, 3 đoàn công tác liên bộ Tài chính- Giao thông vận tải đã kiểm tra các doanh nghiệp vận tải từ ngày 19/1. Nhìn chung phần lớn các doanh nghiệp vận tải đều đã điều chỉnh giảm cước sau khi có nhắc nhở.
Tuy nhiên, tình hình giảm cước ở mỗi tỉnh, thành phố có diễn biến và mức độ, tỷ lệ khác nhau. Trong đó, Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hoà là những địa bàn có đông doanh nghiệp vận tải nhất với tỷ lệ giảm cũng cao nhất.
Ở Hà Nội, tính đến 20/1, có 71 doanh nghiệp vận tải đã điều chỉnh giảm giá cước. Trong đó, 17 công ty xe khách tuyến cố định đã giảm giá vé xe từ 4-16,67%. 2 công ty vận tải hàng hóa bằng container đã giảm cước từ 3-4%. Đa số nhà xe chưa chịu giảm cước lần 2 dù giá xăng đã giảm rất sâu trong tháng 12/2014 và tháng 1/2015.
55 hồ sơ kê khai giá cước taxi của 52 doanh nghiệp cũng đã kê khai giảm từ 4-9% so với mức giá kê khai gần nhất, trong số này, có 3 doanh nghiệp taxi đã giảm giá 2 lần.
Ở Lâm Đồng, có 40 công ty vận tải hoạt động. Sở Tài chính mới ghi nhận 30 công ty giảm cước trung bình từ 4-33%, 2 công ty có kê khai giá nhưng không giảm cước và đặc biệt, 8 công ty còn lại vẫn chưa chịu nộp kê khai giá.
Tại Khánh Hòa, tính đến 22/1, đã có 50/64 đơn vị kinh doanh vận tải kê khai giảm giá cước. Trong đó, có 38 đơn vị giảm cước trước ngày 15/1 và 12 đơn vị kê khai giảm cước sau ngày 15/01. Còn lại, 11 đơn vị vẫn chưa thực hiện giảm giá hoặc không giảm, ngoài ra còn có 2 đơn vị kê khai giảm giá cước nhưng không giảm tuyến vận tải cố định và 1 đơn vị kê khai giá lần đầu.
Theo đó, giá vé xe khách có mức giảm 2,1% - 10%, cước taxi tại đây phổ biến tỷ lệ giảm từ 3% - 10%. Cá biệt có loại hình taxi có tỷ lệ giảm sâu đột biến như 15,4%, 18,1% và thậm chí là đến 20% song cũng có đơn vị tỷ lệ giảm rất ít, chỉ từ 1,8% - 2,2%.
Đối với vận tải hàng hóa ở tỉnh này, giá cước phổ biến tỷ lệ giảm từ 5% - 25%. Cá biệt có công ty có tỷ lệ giảm đến 30,77%, giảm 26%. Bên cạnh đó có đơn vị có loại hình giảm ít, chỉ giảm 0,1%-1%, giảm 2% hoặc giảm 3,57%.
7 tỉnh, thành phố còn lại trong đợt kiểm tra này có số doanh nghiệp vận tải trung bình dưới 25 đơn vị, mức giảm cước nếu có đều không lớn.
Ở địa bàn Hòa Bình,đến nay mới chỉ có 34/115 đầu tuyến cố định của 11/23 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước với mức giảm từ 4-20% tùy từng đầu tuyến.Ở tỉnh này vẫn còn có 12 đơn vị vận tải trên 81 đầu tuyến chưa giảm cước.
Sơn La, 22 doanh nghiệp, tức 100% doanh nghiệp vận tải ở đây với khoảng 30 luồng tuyến hiện đã giảm giá cước với mức giảm 5-10% so với lần kê khai giá gần nhất từ tháng 8/2013.
Trên địa bàn Điện Biên, các doanh nghiệp vận tải mới chỉ giảm giá cước tính đến thời điểm 25/11/2014 với mức giảm trung bình 4,8%. Sau thời gian này, cho đến nay, các doanh nghiệp vận tải tỉnh này vẫn chưa có động thái giảm cước tiếp theo các đợt giảm giá xăng dầu trong tháng 12/2014 và tháng 1/2015.
Trên địa bàn Vĩnh Phúc, mới chỉ có 4/10 doanh nghiệp vận tải hành khách giảm giá cước vào tháng 11/2014 và 17-18 doanh nghiệp taxi giảm giá cước với mức từ 7-12%.
Trên địa bàn Bắc Ninh, tỷ lệ số đơn vị giảm cước theo giá xăng dầu cũng đã đạt 100%, với 20 đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó có 14 đơn vị taxi, 4 đơn vị kinh doanh tuyến cố định, 2 đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt. Tại đây, hiện vé xe khách giảm bình quân 5.000 đồng/ hành khách, taxi giảm khoảng 3-10% so với thời điểm tháng 6/2014.
Tại địa bàn Bình Thuận, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều đã kê khai giảm giá cước vận tải hành khách từ 8% - 10% theo xu hướng giảm giá nhiên liệu. Trên địa bàn Ninh Thuận, hiện có 10/11 doanh nghiệp xe khách và 1/3 doanh nghiệp taxi giảm giá cước.
Bộ Tài chính cho biết, mặc dù các Sở Tài chính đều đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhưng một số doanh nghiệp vẫn chây ì, cứng đầu, chưa giảm giá cước. Các doanh nghiệp này đều đưa ra lý do các chi phí đầu vào khác tăng và gặp khó khăn về nhu cầu hành khách giảm trên các đầu tuyến địa phương.
Theo Vietnamnet
Bình luận