Có doanh nghiệp ngay trong ngày được cấp phép làm đầu mối đã không còn đủ điều kiện một cách rất lạ kỳ!
Choáng với “chiêu” hợp thức hoá điều kiện
Ngày 19/11/2021, Công ty Xuyên Việt Oil (TP.HCM) được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, hiệu lực trong 5 năm.
Một trong những điều kiện quan trọng để Xuyên Việt Oil có được giấy phép làm đầu mối là đáp ứng về hệ thống phân phối, bên cạnh các quy định về cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận chuyển…
Để đủ điều kiện về hệ thống phân phối, có 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân được Công ty Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con. Cụ thể là Xuyên Việt có góp vốn trên 50% vào Công ty Đại Đồng Xuân.
Thế nhưng, điều đáng nói là, cũng chính trong ngày Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã ký kết văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tại thời điểm huỷ bỏ, “hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết”.
Điều “bất thường” này được làm rõ khi Bộ Công Thương tiến hành thanh tra đồng loạt gần như tất cả đầu mối xăng dầu, chỉ khoảng 3 tháng sau đó.
Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, hồ sơ Công ty Xuyên Việt Oil và Vụ Thị trường trong nước cung cấp không khớp. Năm 2021, công ty này không đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương.
Trong quá trình thanh tra, doanh nghiệp bị phạt hành chính tới 4 hành vi, trong đó có việc không đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối; gian lận trong kê khai đại lý…
Kết luận với Xuyên Việt Oil, đoàn thanh tra của Bộ Công Thương kiến nghị giao Vụ Thị trường trong nước chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong công tác thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và kiểm tra, giám sát việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Cần phải nói thêm rằng, tại thời điểm thanh tra, Xuyên Việt Oil là doanh nghiệp từng có hơn 5 năm kinh nghiệm tham gia làm đầu mối, chứ không phải lần đầu được cấp phép. Điều này có nghĩa là trước đó, doanh nghiệp cũng cần phải đáp ứng các điều kiện về hệ thống phân phối chứ “không phải tay mơ” trong giới xăng dầu. Cho nên, việc thực hiện “tất toán hợp đồng với 37 đại lý” (trong khi điều kiện quy định cần có 40 đại lý) trong đúng ngày được cấp giấy phép lần 2 đặt ra không ít nghi vấn về năng lực thẩm định của cơ quan kiểm tra, cấp giấy phép!
Và trên thực tế, sai phạm trong đáp ứng điều kiện làm thương nhân xuất nhập khẩu của Xuyên Việt Oil không phải là cá biệt.
Phát hiện sai phạm vẫn cấp phép?
Kết luận chung về đợt thanh tra với các đầu mối khác chỉ ra rằng, qua công tác kiểm tra hồ sơ cấp phép, kiểm tra thực tế tại đơn vị trước khi cấp phép của một số thương nhân đầu mối, đoàn kiểm tra do Vụ Thị trường trong nước chủ trì đã phát hiện hành vi vi phạm hành chính, việc chưa đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nhưng không chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Kết quả thanh tra cho thấy, một số vụ, cục thuộc Bộ Công Thương với vai trò cơ quan tham mưu nhưng chưa tham mưu đầy đủ với lãnh đạo bộ để thực hiện chức năng hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định tại Nghị định số 83.
Do đó, các đoàn thanh tra còn có những kiến nghị cương quyết hơn với không ít đầu mối khác.
Ví dụ, tại kết luận đối với Công ty Giang Nam (Hải Phòng), thanh tra kiến nghị giao vụ Thị trường trong nước tham mưu Bộ trưởng thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (nếu có vi phạm) của các đầu mối này theo quy định tại Điều 6 Nghị định 83. Tại Công ty Giang Nam, một trong những sai phạm là đầu mối này không cung cấp xăng dầu cho hệ thống phân phối mà giao hệ thống đại lý bán lẻ chủ động mua xăng dầu của thương nhân khác.
Tương tự, tại Công ty CP Vật tư xăng dầu Hải Dương (tỉnh Hải Dương), kết luận thanh tra cũng kiến nghị vụ Thị trường trong tham mưu Bộ trưởng thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (nếu có vi phạm).
Ngoài ra, tại kết luận Công ty Hưng Phát (Quảng Bình), Công ty Hoà Khánh (Đà Nẵng) liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp đầu mối, thanh tra kiến nghị Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu nghiêm túc chấn chỉnh những sai sót trong công tác thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh và giám sát duy trì điều kiện kinh doanh; giao Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở công thương có biện pháp quản lý cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và việc giám sát hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Hồi cuối tháng 8, Bộ Công Thương đã có quyết định xử phạt (bổ sung) bằng cách tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 5 thương nhân đầu mối (Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM; Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu). Tuy nhiên, 1 tuần sau, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương có nghị quyết tạm dừng áp dụng hình thức tước giấy phép kinh doanh với 5 thương nhân đầu mối có hành vi vi phạm. Động thái này đã khiến Tổng cục Hải quan hồi tháng trước phải có văn bản đề nghị Bộ Công Thương trả lời để có căn cứ làm thủ tục hải quan nhập khẩu đối với một số doanh nghiệp trong số này. Đáp lại, Bộ Công Thương cho biết sau khi ban hành kết luận thanh tra và có văn bản mới thay thế, Bộ Công Thương sẽ gửi Tổng cục Hải quan để phối hợp thực hiện.
Bình luận