Gian lận điểm thi THPT tại các tỉnh
Chưa bao giờ kỳ thi vào đại học, cao đẳng lại vướng phải bê bối gian lận kỷ lục như kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Bê bối khiến những giọt nước mắt của học sinh đã rơi vì suy sụp, bất công; nhiều thầy cô phải vướng vòng lao lý. Những sai phạm trong kỳ thi cũng làm mất niềm tin của người dân về một kỳ thi khách quan, trung thực và về hình ảnh nhà giáo.
Vụ nâng, sửa điểm bị phát hiện ở các tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, như cơn “địa chấn” của ngành Giáo dục năm 2018.
Trong số những địa phương có gian lận điểm thi được tìm ra, Hà Giang là địa phương đầu tiên. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi vào chiều tối 11/7/2018, trên mạng xã hội, một số phóng viên tiếp cận được thông tin băn khoăn về phổ điểm thi bất thường tại địa phương này.
Theo kết quả chấm thẩm định ở Hà Giang, có hơn 100 bài thi được nâng từ 1 đến 8 điểm. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm; thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Sau Hà Giang, dư luận tiếp tục đặt nghi vấn gian lận điểm thi ở Sơn La và Hòa Bình.
Kết quả chấm thẩm định bài thi tại Sơn La cho thấy, hành vi nâng điểm được thực hiện từ trực tiếp bài thi của thí sinh nên sự phát hiện khó hơn cho cơ quan điều tra. Sau năm ngày làm việc liên tục, chiều 23/7/2018, tổ công tác công bố hàng loạt sai phạm tại Sơn La. Theo đó, có hàng trăm bài thi cũng bị can thiệp trực tiếp.
Bất thường điểm thi của Hòa Bình thể hiện đầu tiên ở số lượng thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên ở môn Toán. Ngày 21/7, Bộ GD&ĐT thành lập 3 tổ chấm thẩm định tại các Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT về Hòa Bình làm việc, rút toàn bộ số bài từ 8 điểm trở lên để chấm lại.
Kết quả chấm thẩm định cho thấy, 100% bài chấm thẩm định có kết quả giống kết quả như ban đầu công bố. Đến ngày 24/7, Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định tại Hòa Bình không thay đổi so với kết quả đã công bố trước đó. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định đã chỉ ra việc lập một số biên bản trong khi thực hiện các bước chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài.
Sau đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Bộ Công an điều tra làm rõ sự việc. Đến chiều 3/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 người liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hoà Bình.
Những gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được làm rõ, đã có những đối tượng phải tra tay vào còng do cố tình làm sai quy chế. Đến nay, 11 người bị bắt trong vụ việc vẫn đang được Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Thầy giáo dâm ô học sinh
Mới đây, ngày 30/12, Công an huyện Đức Cơ (Gia Lai) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Hồ Trọng Đăng (SN 1983, giáo viên trường THCS Phan Bội Châu, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) về hành vi "Dâm ô với trẻ em".
Sự việc xảy ra vào chiều 20/12, ông Hồ Trọng Đăng trên đường đi về có “nhờ” em học sinh N.T.T.L. (học sinh lớp 8 của một Trường THCS thuộc huyện Đức Cơ) dẫn vào Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ. Khi đến bãi dất trống, ông Đăng có hành vi khống chế, sờ soạng vào người em L.
Ngày 15/12, Công an huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn.
Việc bắt tạm giam ông My để thực hiện điều tra việc ông bị tố cáo dâm ô hàng chục nam sinh tại trường này, khiến dư luận sốc.
Trên đây chỉ là hai trường hợp điển hình của việc giáo viên dâm ô, lạm dụng tình dục học sinh gây bức xúc trong dư luận.
Giáo viên bạo hành học sinh
Ngày 19/11, khi học sinh N. nói tục tại sân trường và bị đội cờ đỏ nghe thấy, ghi lại. Cô N.T.P.T - giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) bắt cả lớp, mỗi người tát vào má em N. 10 cái để phạt hành vi nói trên.
Được biết, tổng số học sinh lớp 6.2 là 27 học sinh thì có 23 học sinh tát vào má em N. Cô giáo T. quy định người nào tát không mạnh thì sẽ bị phạt ngược lại bằng 10 cái tát, nên học sinh nào cũng tát vào mặt em N. khá mạnh.
Vụ cô giáo cấp 2 ở Quảng Bình cho cả lớp tát bạn tổng cộng 230 đang gây xôn xao, thì một giáo viên tiểu học tại Đống Đa (Hà Nội) bị tố bắt trẻ lớp 2 tát bạn 50 cái, cũng vì nói bậy.
Nguyên nhân của sự việc do em P. mắc lỗi nói chuyện trong khi cô giáo đang giảng bài và cô T. - giáo viên chủ nhiệm lớp đã yêu cầu bạn Đ. tát vào mặt bạn P. 50 cái. Tuy nhiên, sau khi bạn Đ. tát đến cái thứ 20 thì bạn P. khóc, kêu đau, cô giáo này yêu cầu dừng lại.
Ngoài những vụ việc trên, còn rất nhiều trường hợp phụ huynh tố giáo viên có hành vi bạo lực với con em họ.
Phụ huynh, học sinh đánh giáo viên
Năm qua, xảy ra nhiều vụ phụ huynh, học sinh đánh đập giáo viên đến mức họ phải nhập viện. Điển hình như ngày 28/6, Công an thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tiếp nhận đơn của chị Nguyễn Thị Xuân Mai (SN 1997, ngụ xã Duy Châu, Duy Xuyên) tố bị phụ huynh đánh đập dã man phải nhập viện.
Hay vào chiều 17/3, cô giáo Néang Kim Xem (Trường THCS Châu Lăng, Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang) phối hợp với các giáo viên khác tổ chức giờ ngoại khóa cho các em học sinh khối 7 thì xảy ra sự việc em Quy (tên đã đổi, học sinh lớp 7A5) đá vào hông một bạn cùng lớp.
Sau khi xảy ra vụ việc, cô Xem đã giải quyết ôn hòa, tuy nhiên giữa hai phụ huynh của hai em học sinh này có lời qua tiếng lại. Phụ huynh của em Quy có lời lẽ chửi bới cô Xem vì cho rằng giáo viên này bắt con họ xin lỗi bạn.
Thấy phụ huynh của em Quy có lời lẽ xúc phạm nữ đồng nghiệp, thầy Danh lên tiếng bên vực thì bị dọa đánh. Trên đường về, thầy Danh bị hai thanh niên chặn đầu xe, dùng mũ bảo hiểm đánh đa chấn thương.
Không chỉ phụ huynh, mà giáo viên còn là "nạn nhân" của học sinh. Mới đây, ngày 17/12, em Nguyễn Nhật Phi (học lớp 11A4, trường THPT Trần Quang Diệu, Quảng Ngãi) đánh thầy giáo Lê Quang Khanh (giáo viên môn Toán) ngay tại cầu thang dãy phòng học. Sau khi đánh xong, em Phi đã bỏ chạy ra ngoài sân trường.
Sáng 5/4, khi vào dạy bộ môn Vật lý tại lớp 12A6, thầy Nguyễn Văn Tiến, giáo viên chủ nhiệm của lớp phát hiện học sinh Ngô Văn Công (học sinh lớp 12A6, trường THPT Trần Hưng Đạo) vẫn còn hình xăm trên người nên đã nhắc nhở và cho Công nghỉ học về đi xóa.
Sau đó, đến giờ tan học thầy giáo bất ngờ bị Công chặn đường và dùng dao nhọn để đâm vào bụng.
Dự thảo xử phạt sinh viên sư phạm bán dâm lần thứ 4
Ngày 29/10, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, để lấy ý kiến đến ngày 26/11.
Trong đó, Bộ đưa ra dự thảo sinh viên ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp, nếu hoạt động mại dâm, bị bắt tới lần thứ 4 sẽ bị đuổi học. Theo đó, nếu vi phạm lần đầu tiên trong cả khóa học sẽ bị khiển trách và lần thứ 2,3 sẽ chịu hình thức kỷ luật tương ứng: cảnh cáo, đình chỉ có thời hạn.
Ngay sau đó, dự thảo này đã khiến dư luận dậy sóng.
Tuy nhiên, đêm cùng ngày, Bộ GD&ĐT đã gửi thông cáo đính chính thông tin. Theo đó, thông cáo nói rõ "trong quá trình soạn thảo Thông tư này, Ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của học sinh, sinh viên, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp cần phải điều chỉnh khi ban hành quy chế mới.
Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất".
Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định đuổi học sinh, sinh viên bán dâm 4 lần do cán bộ năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém đưa lên. Bộ đã xử lý, bỏ khỏi dự thảo thông tư.
Bình luận