Đại biểu Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội chuyên trách tỉnh Gia Lai, khi bình luận về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ... đã nhận định: “Khi nhậm chức, Thủ tướng thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, kỷ cương. Điểm lại lời nói có đi vào cuộc sống hay không thì thấy Thủ tướng đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Nhận định của ông Vượt được đưa ra trong chương trình nghị sự chiều 25/3 của kỳ họp Quốc hội thứ 11. Tại buổi này, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ...
Vị đại biểu tỉnh Gia Lai cho rằng, nhiệm kỳ này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ để lại cho nhiệm kỳ sau một nền tảng vững chãi. Bởi ngoài những thành tựu về kinh tế - xã hội, niềm tin của doanh nghiệp, người dân là tài sản vô giá được nâng lên nhờ qua hành động, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Khẳng định con người là yếu tố quyết định tất cả, ông Đinh Duy Vượt đánh giá cao quá trình sàng lọc cán bộ, nhất là qua Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sắp tới đây là bầu cử Quốc hội khoá XV và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, để lại một bộ máy đã được chọn lọc.
“Chúng ta đã sàng lọc một bước, nhưng chắc chưa phải đã hết. Ông bà đã nói 'nhà dột từ nóc dột xuống' thì ảnh hưởng ghê gớm nên đã sàng lọc từ cấp cao nhất và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói là dù không mong muốn nhưng 'kỷ luật một vài người để cứu muôn người', phải làm để có bộ máy liêm chính, trong sạch, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu”, đại biểu Đinh Duy Vượt nói.
Vị đại biểu Gia Lai cho rằng, trong bối cảnh kế thừa “di sản” nợ xấu, đại án, nhà máy thua lỗ... Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo, điều hành và bây giờ từng bước khắc phục được.
Cũng theo Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Gia Lai, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ ở các bộ, ngành có tác động tích cực không chỉ với một bộ mà nhiều bộ, tới người đứng đầu, lan toả khi các tỉnh, thành cũng thực hiện kiểm tra các sở, ngành trong thực hiện công việc được giao.
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, Chính phủ nhiệm kỳ qua đã thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên cao trong chỉ đạo điều hành. Trong đó, đột phá quan trọng, mở đường là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tấn công vào “điểm nghẽn” kéo dài, đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư.
Đại biểu của Hà Nội đánh giá cao những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ, trong đó có đẩy mạnh cải cách đổi mới phương thức làm việc; thúc đẩy hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định công tác điều hành Chính phủ nhiệm kỳ qua đã có sự đổi mới, quyết liệt, tạo sự chuyển động cơ bản của cả hệ thống. Chính phủ đã có sự sâu sát, quan tâm, lắng nghe doanh nghiệp, người dân và các quyết sách đã quan tâm tới thực tiễn.
Chính phủ cũng xử lý được nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống, bởi theo ông, xã hội càng phát triển sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã rất nhanh nhạy từ việc tiếp cận, xử lý, đưa ra các giải pháp. Chính dịch COVID-19 đã khẳng định vấn đề này.
Vị đại biểu của Hà Nội đề xuất tập trung lựa chọn những vấn đề lớn, những điểm nghẽn để có chương trình kế hoạch chỉ đạo điều hành quyết liệt. Đánh giá bối cảnh có khủng hoảng thì những vấn đề nào lớn, đâu là điểm nghẽn để đề xuất lộ trình 5 năm. Cần tăng cường việc phân cấp, phân quyền hơn nữa bởi Chính phủ đang phải giải quyết nhiều vấn đề cụ thể.
Chính phủ cần theo đuổi mục tiêu nền kinh tế số, xã hội số bằng những giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Ngoài ra phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp dưới; tạo ra sự chuyển động của cả hệ thống. Sự trì trệ chính là đối tượng cần phải tấn công trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ.
Bình luận