Đỗ Trịnh Hoài Nam
Đỗ Trịnh Hoài Nam là một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Anh là nhà thiết kế đầu tiên vinh dự được 2 lần trình diễn trong Lễ khai mạc Couture Fashion Week tại New York năm 2017 và 2019.
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam sinh ra ở Hà Nội. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khoa Công nghệ may và Thiết kế thời trang.
Trong sự nghiệp thiết kế của mình, anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng thời trang danh giá cả trong nước lẫn quốc tế như: Giải chất liệu trong Cuộc thi Grandprix năm 2004; Giải ba Cuộc thi Mẫu Thời trang Việt Nam lần thứ V; tham dự Chung kết Giải Mercedes Benz thời trang châu Á...
Đặc biệt năm 2018, anh được vinh danh là nhà thiết kế áo dài của năm tại sự kiện Lễ hội áo dài TP.HCM lần thứ V.
Ngoài là một nhà thiết kế, anh còn được biết đến là một trong những người đầu tiên tổ chức các lớp dạy công thức cắt may độc quyền và đào tạo được học viên nhiều nhất tại Việt Nam.
Hiện nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam vừa cho ra mắt bộ sưu tập Áo dài di sản Việt. Mỗi thiết kế được lấy ý tưởng từ vẻ đẹp của các di sản văn hóa Việt Nam, như hình ảnh của Hoàng thành Thăng Long, Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn...
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng
Sĩ Hoàng sinh ngày 14/10/1962 tại TP.HCM. Năm 1989 anh bắt đầu sự nghiệp với thiết kế áo dài vẽ cho Á hậu Vũ Thị Xuân Quý tham gia cuộc thi Hoa hậu Áo dài TP.HCM lần I. Sau đó, năm 1990 anh bắt đầu cho ra mắt và trình diễn bộ sưu tập đầu tiên của mình.
Với phong cách thiết kế hài hòa đan xen giữa nét truyền thống và hiện đại, những thiết kế áo dài của Sĩ Hoàng luôn mang đến cảm giác thân thuộc, sang trọng cho người mặc, người thưởng thức. Anh đề cao giá trị lịch sử của áo dài và không ngừng phát huy giá trị văn hóa của tà áo dài Việt Nam.
Trong khoảng 30 năm đồng hành cùng tà áo dài, anh đã đạt được những thành tựu đáng kể: Giải thưởng cho Thiết kế áo dài đẹp nhất năm 1991, 1992, 1995; Giải thưởng Excellence In Booth Design Award trong Hội chợ quốc tế Magic show – Las Vegas, Mỹ năm 2003 và được tôn vinh trong chương trình 50 người tiên phong năm 2012 do Vnexpress bình chọn... Anh cũng là người lên ý tưởng và xây dựng Bảo tàng Áo dài - nơi tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt Nam.
Nhà thiết kế Minh Hạnh
Là một người phụ nữ nặng lòng với các giá trị truyền thống, luôn ý thức tôn vinh văn hóa dân tộc, nhà thiết kế Minh Hạnh đi sâu vào tìm hiểu thời trang truyền thống ở các khía cạnh chất liệu, kiểu dáng, họa tiết của các dân tộc thiểu số rồi sáng tạo ra những màu sắc hoa văn táo bạo dựa trên cảm quan hiện đại.
Từ đó thực hiện trên chất liệu tơ tằm, đưa giá trị áo dài lên một tầm cao mới.
Đây không phải là sự kế thừa theo truyền thống đơn thuần mà chị có ý thức “tương đối hóa” sự ảnh hưởng ngày càng tăng của thời trang Âu Mỹ, nhận thức được giá trị văn hóa trang phục cũng như tay nghề đặc sắc của người thợ Việt Nam để cho ra đời những thiết kế sáng tạo đa dạng và phong phú.
Những thiết kế áo dài của chị vừa mang nét truyền thống dân tộc vừa mang hơi hướng của thời trang hiện đại…
Nhà thiết kế Đức Hùng
Đức Hùng là một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng ở Hà Nội. Hiện anh là Phó Trưởng đoàn, phụ trách diễn viên của Nhà hát múa rối Thăng Long.
Theo đuổi thiết kế từ năm 1988, Đức Hùng từng thiết kế trang phục cho Á hậu Vy Thị Đông tại cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong năm 1992, các Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa, Hà Kiều Anh, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thiên Nga, cho người đẹp Đặng Minh Thu dự thi Hoa hậu Thế giới…
Nhà thiết kế Đức Hùng từng được mời thiết kế toàn bộ trang phục trong chương trình Tháng Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch và Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức từ ngày 12 đến 20/9/2009 ở ba thành phố Osaka, Nagoya và Tokyo Nhật Bản.
Các mẫu áo dài của nhà thiết kế Đức Hùng được lòng rất nhiều nghệ sĩ Việt, họ thường sử dụng áo dài của anh cho những sự kiện đặc biệt.
Nhà thiết kế La Hằng
Năm 1992, La Hằng mở một cửa hàng may trong căn ngõ nhỏ tại một khu tập thể ở thủ đô Hà Nội. Đến năm 1994, cô trình diễn mẫu áo dài dân tộc và dạ hội phương Tây trước công chúng. Từ đây, giới báo chí đã viết bài và gọi cô với cái tên nhà thiết kế La Hằng.
La Hằng không cảm thấy sung sướng hay hài lòng với danh hiệu được phong mà trái lại, còn cảm thấy ngượng ngùng và chưa xứng đáng. Cuối năm 1994 cô ôn thi vào khóa thiết kế thời trang viện Đại học Mở và tốt nghiệp năm 1999.
Để nâng cao vốn kiến thức cho mình, năm 2000 cô sang Mỹ để theo đuổi khóa học thiết kế trang phục sân khấu cổ điển ballet và opera cho các nhà hát quốc gia.
La Hằng sau đó đã tham gia thiết kế cho nhiều vở kịch trong và ngoài nước như Romeo và Juliet, Viên Đạn Thần, Người Đi Qua Thung Lũng, Spartacus, Kẹp Hạt Dẻ: Balet, Hồ Thiên Nga...
Nhà thiết kế La Hằng luôn dành sự ưu ái cho các mẫu áo dài truyền thống, nhẹ nhàng và tinh tế, lấy đường cong của người phụ nữ làm chuẩn. Cô mong muốn giữ nét duyên dáng mềm mại của tà áo dài, thêm họa tiết nhằm che đi nhược điểm và tôn lên ưu điểm của người phụ nữ Việt.
Nhà thiết kế Lan Hương
Mỗi bộ sưu tập đều xuất phát từ niềm đam mê, là quá trình làm việc miệt mài và sáng tạo không ngừng nghỉ của nhà thiết kế Lan Hương.
Lan Hương quan niệm tà áo dài là món quà quý của cha ông để lại nên thiết kế áo dài ngày càng đẹp, văn minh, sâu sắc và ý nghĩa hơn.
Chị đam mê áo dài, muốn hướng mọi người đến nét đẹp truyền thống thực thụ, không phải là những chiếc áo dài mang tính cách tân quá nhiều.
Chị hy vọng rằng: “Áo dài phải là một tác phẩm thực sự để bất kì ai nhìn vào cũng muốn được mặc, là lựa chọn số một của những buổi tiệc hay ngày lễ quan trọng”.
Bình luận