Ngoài máy bay chiến đấu cánh cố định, trực thăng vận tải và trực thăng tấn công cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, quy mô và mức độ tinh vi của các loại vũ khí phòng không được sử dụng đã khiến hai bên hao tổn khá nhiều máy bay chiến đấu trong cuộc chiến này. Lầu Năm Góc xác nhận rằng Kiev đang sử dụng tên lửa chống radar do Mỹ sản xuất để đối phó với hệ thống phòng không của Nga.
Nga và Ukraine sở hữu nhiều dòng trực thăng giống nhau
Xét về phi đội trực thăng, cả Nga và Ukraine đang vận hành một số trực thăng giống nhau. Điều này không quá bất ngờ bởi trước đây 2 nước đều là thành viên của Liên Xô cũ và Ukraine được coi là trung tâm của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô.
Hai bên đều đang vận hành trực thăng vận tải Mil Mi-8/Mi-17 và trực thăng Mi-24. Mil Mi-8/Mi-17 (theo cách gọi của NATO là Hip) được Liên Xô đưa vào biên chế năm 1967. Đây là trực thăng vận tải có 2 tuabin, trần bay đạt hơn 4.000m, tốc độ tối đa 250km/giờ. Vào năm 1977, Liên Xô cho ra mắt phiên bản nâng cấp của Mi-8 có thể hoạt ở độ cao cao hơn và trong điều kiện khí hậu nóng hơn. Phiên bản này có tên gọi Mi-8M, với động cơ mạnh hơn và có bộ lọc khí trước cửa hút không khí của động cơ. Rotor đuôi bố trí ở bên trái thay vì bên phải để tăng khả năng ổn định của trực thăng do động cơ mới có công suất lớn hơn.
Mi-8/Mi-17 và các phiên bản nâng cấp của nó có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ, bao gồm vận tải, trinh sát, tấn công, chỉ huy và điều khiển. Các trực thăng này đều cần phi hành đoàn 3 người: phi công chính, phi công phụ và kỹ sư về chuyến bay. Khoang máy bay khá rộng, có thể chứa 24 binh sỹ. Những phiên bản được trang bị vũ khí thường có từ 4 đến 6 giá cứng gắn dưới cánh, cho phép chúng mang theo rocket, tên lửa phòng không hoặc tên lửa chống tăng.
Trước cuộc xung đột với Nga, lục quân và không quân Ukraine có 52 chiếc Mi-8, trong khi Nga có khoảng 300 chiếc. Kể từ khi chiến sự bắt đầu, Ukraine đã tiếp nhận thêm 20 chiếc Mi-17 từ Mỹ, 4 chiếc từ Slovakia và 2 chiếc từ Latvia.
Mi-24 (NATO gọi là Hind), được Liên Xô đưa vào biên chế năm 1972 và đã trở thành một trong những trực thăng quân sự phổ biến nhất thế giới. Trực thăng này có phi hành đoàn gồm hai người (một phi công và người vận hành vũ khí), trần bay hơn 4.000 m và tốc độ tối đa khoảng 321km/giờ.
Mi-24 được trang bị nhiều loại vũ khí, tùy thuộc vào từng biến thể. Mi-24 có 2 cánh phụ bên hông với 3 điểm treo ở mỗi bên, có khả năng mang theo tên lửa chống tăng, rocket không điều khiển với tổng tải trọng vũ khí khoảng 2.400 kg. Tháp pháo gắn ở mũi của trực thăng này có thể được lắp đặt súng máy đa nòng, pháo tự động nòng đơn hoặc nòng kép. Một số biến thể còn có pháo gắn ở bên sườn. Tuy vậy, cabin của Mi-24 khá nhỏ, chỉ có thể chở tối đa 8 binh sỹ.
Do được trang bị lớp giáp dày, vũ khí hạng nặng và tốc độ tấn công nhanh nên Mi-24 được mệnh danh là “xe tăng bay”. Trước cuộc chiến với Nga, Ukraine có khoảng 35 chiếc trực thăng Mi-24 trong biên chế. Sau khi giao tranh nổ ra, Cộng hòa Séc đã cung cấp cho nước này thêm một vài chiếc nữa. Còn Nga có khoảng 170 chiếc trực thăng Mi-24 và Mi-35.
Các trực thăng mới của Nga
Kho máy bay trực thăng của Ukraine phần lớn vẫn được giữ nguyên hiện trạng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong khi đó Nga đã nỗ lực hiện đại hóa phi đội trực thăng của nước này. Một trong những hoạt động bổ sung đáng chú ý nhất của Nga là trang bị trực thăng trinh sát/tấn công Kamov Ka-52 Alligator cho quân đội năm 2011. Kamov Ka-52 Alligator (NATO gọi là Hokum B) là phiên bản cải tiến của trực thăng tấn công 2 chỗ ngồi Ka-50 Black Shark được giới thiệu vào năm 1995.
Ka-52 có trần bay hơn 5.400m, tốc độ tối đa gần 300km/giờ. Nó cũng có nhiều thiết kế đặc biệt như sử dụng cánh đôi quay đồng trục, buồng lái hai chỗ ngồi xếp cạnh nhau và ghế phóng thoát hiểm cho phi công.
Ka-52 có 6 giá cứng gắn ở cánh, có thể mang được tải trọng vũ khí 1.800kg gồm rocket, tên lửa, pháo và đạn dược. Một khẩu pháo tự động 30mm cũng được gắn ở phía bên phải của thân máy bay. Một số biến thể của Ka-52 còn có thêm camera hồng ngoại (FLIR) ở mũi.
Năm 2009, Nga chính thức giới thiệu Mil Mi-28, một loại trực thăng tấn công chuyên dụng. Mil Mi-28 (được NATO gọi là Havoc) nó có trần bay trên 5.600m và tốc độ tối đa khoảng 313km/h.
Mi-28 có kíp lái gồm 2 người, được gắn một khẩu pháo 30mm ở mũi và 4 chốt cứng dưới hai cánh ngắn để mang theo các bệ phóng tên lửa, tên lửa phòng không hoặc tên lửa chống tăng. Mũi máy bay được gắn một camera FLIR. Một số biến thể của Mi-28 có radar trên đỉnh của trục cánh quạt chính, giống như trực thăng AH-64D Apache của Mỹ.
Ka-52 và Mi-28 có rất nhiều biến thể và cả hai dòng trực thăng này liên tục được nâng cấp, chẳng hạn như máy ảnh, thiết bị điện tử, buồng lái và mũ bảo hiểm hỗ trợ tầm nhìn ban đêm. Trước cuộc chiến với Ukraine, Nga có khoảng 130 chiếc Ka-52 và 108 chiếc Mi-28.
Thiệt hại trên chiến trường và chiến thuật mới
Cả Nga và Ukraine đều sử dụng trực thăng ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến. Chỉ vài giờ sau khi phát động chiến dịch quân sự, Nga đã triển khai hàng chục trực thăng Mi-8 chở theo lính dù, được sự hỗ trợ của trực thăng tấn công Ka-52, tràn vào sân bay ở Hostomel nhằm chiếm lấy đường băng để mở đường cho máy bay vận tải chở quân và thiết bị hạ cánh. Ukraine sau đó tuyên bố đã điều động các máy bay trực thăng Mi-24 đối phó, buộc Nga rút khỏi sân bay ở Hostomel.
Trong cuộc chiến tại Mariupol, quân đội Ukraine đã điều 16 chiếc trực thăng Mi-18 tham gia nhiệm vụ tiếp tế và yểm trợ trên không cho các lực lượng bị Nga bao vây tại nhà máy thép Azovstal. Ít nhất 2 máy bay trực thăng của Ukraine đã bị Nga bắn rơi khi làm nhiệm vụ.
Khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn, cả hai bên đều bị tổn thất đáng kể về số lượng máy bay trực thăng. Theo đánh giá của giới quan sát, tính đến cuối tháng 8, Ukraine đã mất 13 máy bay trực thăng, trong đó có 7 chiếc Mi-8 và 2 chiếc Mi-24. Nga cũng mất mát khá nhiều, gồn 12 chiếc Mi-8, 9 chiếc Mi-24/35,7 chiếc Mi-28 và 16 chiếc Ka-52.
Để hạn chế thiệt hại, cả Nga và Ukraine đã và đang áp dụng những chiến thuật mới nhắm tránh bị phát hiện và tránh hỏa lực của đối phương, trong đó có việc điều khiển trực thăng bay ở độ cao cực thấp và sử dụng những tên lửa tầm xa không có dẫn đường.
Bình luận