• Zalo

Điểm danh những 'đại thảm hoạ' phim Việt năm qua

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 26/12/2012 11:24:00 +07:00Google News

(VTC News) - Có đến gần một nửa số phim ra mắt trong năm 2012 có thể được "cộp" mác “thảm hoạ điện ảnh”.

(VTC News) - Có đến gần một nửa số phim ra mắt trong năm 2012 có thể được "cộp" mác "thảm họa điện ảnh”. Những phim nằm trong danh sách này bao gồm: Hello cô Ba, Giấc mộng giàu sang, Ngôi nhà trong hẻm, Ranh giới trắng đen, Bẫy cấp 3, Nàng men chàng bóng.

1. Hello cô Ba

Công thức hài nhảm và tận dụng một mớ diễn viên để câu khách là công thức chưa bao giờ nguội của hãng Phước Sang. Hầu như năm nào cũng thế, các phim Tết của Phước Sang luôn được xếp vào danh sách “thảm hoạ điện ảnh”. Nhưng nghịch lý là theo báo cáo của hãng này, phim của họ luôn có doanh thu cao chót vót.

Chưa biết mức độ chính xác của những con số được công bố trên ở đâu nhưng ít nhiều chúng làm khán giả và những nhà làm phim hốt hoảng: Phim như vậy mà đạt kỷ lục phòng vé? Phải chăng khán giả có vấn đề về gu thẩm mỹ?

Các nhà chuyên môn cũng như báo chí đều xếp Hello cô Ba vào một trong những ứng cử viên tiềm năng cho ngôi vị quán quân “Phim thảm hoạ của năm 2012”. 
Ra mắt dịp Tết 2012, Hello cô Ba quy tụ một dàn những gương mặt đang ăn khách lúc bấy giờ. Hoài Linh, vai chính trong phim, tuyên bố đây là vai giả gái cuối cùng của mình trên màn ảnh. Phạm Văn Mách vừa bước ra từ cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo cũng được “hốt” vào phim.

Hello cô Ba được làm theo công thức cũ. Chẳng biết có nên gọi là điện ảnh hay không. Kịch bản thì ngô nghê, chọc cười theo kiểu “cù lét khán giả”. Bối cảnh thì được chọn qua loa. Nói không quá, chẳng có sự đầu tư nào cho bộ phim ngoài tiền cát-xê trả diễn viên.

Do đó không khó hiểu khi hầu hết ý kiến của các nhà chuyên môn cũng như báo chí đều xếp Hello cô Ba vào một trong những ứng cử viên tiềm năng cho ngôi vị quán quân “Phim thảm hoạ của năm 2012”.

2. Ngôi nhà trong hẻm

Tác phẩm được ra rạp đầu tiên của đạo diễn trẻ Lê Văn Kiệt với sự quy tụ của hai diễn viên ngôi sao Trần Bảo Sơn và Ngô Thanh Vân khi mới công bố những tưởng sẽ làm nên chuyện nơi phòng vé. Nhưng hiếm ai xem xong lại không thấy “tức anh ách”.

Ngôi nhà trong hẻm xoay quanh những biến cố và bi kịch xảy ra trong cuộc sống của hai vợ chồng Thảo (Ngô Thanh Vân) và Thành (Trần Bảo Sơn). Thảo bị hư thai, mất con và liên tiếp rơi vào vòng xoáy của mọi sự ám ảnh, đau đớn dẫn đến tâm lý không bình thường, lúc tỉnh, lúc mơ, lúc hóa điên dại bên cạnh chiếc quan tài đựng hài nhi xấu số được đặt ngay cạnh gường ngủ suốt hơn 3 tháng.

Phim có sự tham gia của hai diễn viên ngôi sao Trần Bảo Sơn và Ngô Thanh Vân khiến người xem thấy “tức anh ách” khi bước ra khỏi rạp. 
Từ đời sống tâm lí người vợ không ổn định, cộng thêm áp lực từ công việc lẫn định kiến trong mối quan hệ “mẹ chồng nàng dâu”, Thành (Trần Bảo Sơn đóng) từ tâm thế một người chồng hạnh phúc bỗng chốc trở thành người đàn ông mệt mỏi, ẩn chứa nhiều nỗi niềm trong tâm lý và luôn bị ám ảnh bởi những tiếng cười quái rợn trong ngôi nhà. Tất cả mọi sự thay đổi đã khiến anh phải sống trong sợ hãi và lo lắng.

Phim không có nội dung, kịch bản thiếu chặt chẽ, tình tiết đơn giản, lời thoại rời rạc, đường dây tâm lý còn luẩn quẩn đến khó hiểu. Người xem chỉ thấy đạo diễn cố tình doạ ma khán giả bằng những bóng ma và cái quan tài đựng thi hài được đặt cạnh chiếc gường trong phòng ngủ suốt hơn 3 tháng.

3. Giấc mộng giàu sang

Nếu như người ta tặng danh hiệu “thảm hoạ” cho Hello cô Ba, thì phải tặng danh hiệu “đại thảm hoạ” cho Giấc mộng giàu sang. 
Bộ phim được đạo diễn Công Hậu làm để hướng đến khán giả bình dân. Anh cũng bảo mình không ăn theo Hello cô Ba vì phim của anh không tận dụng những tên tuổi lớn mà hướng đến chất lượng hài của cả dàn diễn viên trong phim.

Cũng giống Hello cô Ba, Giấc mộng giàu sang là một phim được làm cẩu thả. Bị các cụm rạp lớn từ chối phát hành, Giấc mộng giàu sang chỉ được sắp lịch chiếu ở một số rạp nhỏ. Nếu như người ta tặng danh hiệu “thảm hoạ” cho Hello cô Ba, thì phải tặng danh hiệu “đại thảm hoạ” cho Giấc mộng giàu sang. Bởi phim này chỉ là một bản sao cẩu thả của Hello cô Ba.

4. Bẫy cấp 3

Bẫy cấp 3 là dự án phim đầu tay của đạo diễn Lê Văn Kiệt được khởi quay từ trước dự án Ngôi nhà trong hẻm. Nhưng phim đã bị ngưng lại ở giai đoạn phát hành nên mới có kế hoạch công chiếu vào ngày 18/5.

Phim xoay quanh câu chuyện đi picnic của nhóm bạn trẻ 5 người tại Đà Lạt. Sau thời gian tận hưởng khung cảnh thiên nhiên và vui chơi thoải mái thì hàng loạt những biến cố khủng khiếp xảy đến… Từng người một trong nhóm 5 thanh niên bị thanh toán một cách bí ẩn.

Bộ phim Bẫy cấp 3 đã không có được cái gật đầu từ phía Hội đồng duyệt phim quốc gia. Đây cũng là phim Việt duy nhất không được cấp phép phổ biến. 
Được dán nhãn là phim dành cho tuổi teen, nhưng Bẫy cấp 3 đã “chào hàng” bằng đoạn trailer gây sốc, với nhiều phân đoạn được cho là khá nóng bỏng so với đối tượng khán giả chính của bộ phim là các em học sinh - sinh viên.

Vô số những câu hỏi được đặt ra, sát thủ là ai trong số họ? Hay một kẻ ngoài cuộc? Nguyên nhân là do yêu đương mù quáng hay vì một lý do nào khác? Và cuối cùng ai là người sống sót?

Bộ phim Bẫy cấp 3 đã không có được cái gật đầu từ phía Hội đồng duyệt phim quốc gia. Đây cũng là phim Việt duy nhất không được cấp phép phổ biến, chuyện hiếm gặp ở làng điện ảnh. Theo Hội đồng duyệt phim quốc gia thì nguyên nhân Bẫy cấp 3 không được duyệt là nội dung phim thiếu lô-gíc.

Về chất lượng nghệ thuật, phim có chất lượng hòa âm kém, âm thanh được thu trực tiếp nhưng không đảm bảo sự sống động và chân thực, lúc to, lúc nhỏ. Thậm chí, dựa trên chất lượng âm thanh, hình ảnh, Hội đồng duyệt phim quốc gia còn cho rằng phim chỉ được quay bằng… máy ảnh.

5. Ranh giới trắng đen

Ranh giới trắng đen thuộc thể loại phim hành động, phản ánh mối quan hệ xã hội và đề cao tình cảm con người với nhau. Phim xoay quanh hành trình giải cứu em gái của Tâm (Võ Thành Tâm đóng), anh chàng chỉ đạo võ thuật trong các đoàn làm phim, khi cô vô tình cầm theo va ly tiền của nhóm xã hội đen do tên Nghiêm Sở Thiên cầm đầu. Cuộc đấu sinh tử của Tâm được sự trợ giúp của Ngọc Dung và đội cảnh sát hình sự cùng nhiều người bạn nước ngoài.

Ranh giới trắng đen có kịch bản hời hợt. Đường dây, cốt truyện lỏng lẻo, dựng phim và chuyển cảnh kháthô bạo. 
Ranh giới trắng đen không có gì khác biệt với những phim xã hội đen, hành động võ thuật của HongKong mà khán giả Việt Nam đã xem suốt hai thập kỷ qua.

Không chỉ thế, phim còn có kịch bản hời hợt. Đường dây, cốt truyện lỏng lẻo, dựng phim và chuyển cảnh khá thô bạo. Ví như chẳng hiểu thế nào mà các diễn viên có thể chạy rầm rập qua lại giữa cảnh bãi biển và cảnh những đường phố Sài Gòn. Rồi chuyện ba diễn viên người Indonesia vào vai các đạo diễn/diễn viên qua Việt Nam làm phim có thể nói được tiếng Việt vanh vách.

6. Nàng men chàng bóng

Tác phẩm được xếp vào hàng “thảm hoạ chúa” trong năm 2012 của điện ảnh Việt chính là bộ phim có cái tên nửa nạc nửa mở, Nàng men chàng bóng. Nàng men chàng bóng được xem là "đỉnh điểm" của thảm họa phim Việt với kiểu làm phim câu khách, rẻ tiền và không thể nào "cảm" được.

Nàng men chàng bóng được xem là "đỉnh điểm" của thảm họa phim Việt với kiểu làm phim câu khách, rẻ tiền và không thể nào "cảm" được.  
Phim bị lên án bởi cái nhìn sai lệch khi các nhà làm phim cho rằng có thể đánh thức “bản năng đàn ông” của một chàng bóng như Ẽo Ợt bằng những đụng chạm cơ thể với phụ nữ. Từ đầu đến cuối phim Ẽo Ợt được xây dựng là một chàng bóng chính hiệu. Nhưng chỉ nhờ một cái ôm mà chàng bóng này đột ngột trở thành “chuẩn men”.

Phim được một đạo diễn phim truyền hình có tiếng làm. Chính vì thế âm thanh, góc quay và cả cách kể chuyện nhuốm màu truyền hình. Chưa kể do kém về kịch bản nên phim dàn dựng những màn hôn hít, những pha tỏ tình câu khách hết sức thô thiển.

(Còn nữa)

Đàm Mộng Hoài

Bình luận
vtcnews.vn