Cọ trang điểm tự nhiên là loại cọ thường được lấy từ lông dê, sóc, chồn hoặc lông ngựa. Lông cọ tự nhiên được làm từ các lớp sừng xếp chồng lên nhau, tương tự như tóc người. Những lớp sừng này tạo ra các kẽ hở nhỏ cho phép các sản phẩm trang điểm dễ dàng bám vào lông cọ, vì vậy màu sắc hoặc phấn sẽ lên màu nhanh hơn khi sử dụng bằng lông cọ tự nhiên. Do đó, loại này thường được dùng để làm cọ phấn phủ, cọ má hồng và cọ màu mắt.
Cọ trang điểm tổng hợp là loại cọ làm chủ yếu từ sợi nylon và một số loại sợi rayon khác. Bộ cọ trang điểm nhân tạo có giá thành rẻ hơn so với bộ cọ tự nhiên. Vì được làm bằng tơ nhân tạo và có bề mặt nhẵn nên sản phẩm ít bám vào cọ hơn. Cọ này hoạt động tốt với các sản phẩm dạng lỏng và kem như phấn nền, kem che khuyết điểm, gel mắt, son môi,...
Hơn nữa, cọ nhân tạo rất dễ làm sạch, khô nhanh và bền hơn.
9 loại cọ thường dùng và công dụng từng loại
1. Cọ tán kem nền (Foundation Brush)
Cọ tán kem nền là trợ thủ đắc lực giúp các cô nàng sở hữu một lớp nền tự nhiên, đều và mịn hơn. Đầu cọ hình tròn, các sợi lông dày và bo tròn dễ dàng tán kem vào các vị trí khó tiếp cận trên khuôn mặt như khóe mắt, cánh mũi, khóe miệng. Sử dụng cọ tán kem nền sẽ giúp bạn tiết kiệm được lượng kem lấy ra và kem tán được nhanh, che phủ cao, thẩm thấu vào da khiến lớp nền của bạn trông tự nhiên hơn.
2. Cọ phấn phủ (Powder Brush)
Hiện nay, cọ phấn phủ được ưa chuộng sử dụng rất nhiều, góp mặt từ những bộ cọ đơn giản tới chuyên nghiệp vì công dụng “thần kì” của nó. Cọ giúp khắc phục tình trạng đổ dầu ở những vùng chữ T hay xương gò má, giúp bạn thao tác phủ phấn nhanh hơn, lấy đi phần thừa trên da, làm lớp nền lì và mịn hơn.
3. Cọ má hồng (Blush Brush)
Cọ má hồng có hình dạng khá giống cọ tán kem nền nhưng đầu cọ nhỏ, có nhiều hình dáng hơn (cọ tròn, cọ dẹt đầu tròn, cọ hình nến, …) và cán ngắn hơn.
Các cô nàng nên lựa chọn loại cọ má hồng có lông mềm, kẽ hở giữa các sợi lông thưa để phấn không bám quá nhiều, tránh để lớp make up của chúng ta trông lạ thường.
4. Cọ tạo khối (Kabuki Brush)
Cọ tạo khối giúp những đường nét trên khuôn mặt rõ ràng và sắc sảo hơn. Đầu cọ tạo khối thường có phần lông dẹp, sắc và mịn để hỗ trợ tạo khối những vùng cần nhấn nhá nổi bật như sống mũi, gò má, xương hàm,… tạo nét hài hòa, tinh xảo, sắc bén từng đường nét trên khuôn mặt.
5. Cọ đánh phấn mắt (Eyeshadow Brush)
Cấu tạo của cọ đánh phấn mắt có đầu cọ hình chổi, nhỏ, dẹt với nhiều kích thước sử dụng ở những vị trí khác nhau của đôi mắt. Sử dụng cọ đánh phấn mắt giúp bạn kiểm soát được lượng phấn lấy ra, thao tác đánh phấn nhanh và giúp màu phấn lên đều và đẹp hơn so với sử dụng bằng tay.
6. Cọ tán phấn mắt (Eyes Crease Brush)
Cọ tán phấn mắt có đầu oval, lông mềm và dài hơn cọ đánh bầu mắt bình thường, giúp bạn điều chỉnh được độ đậm, nhạt của màu mắt, khiến đôi mắt trở nên sắc sảo và tinh tế hơn.
7. Cọ kẻ mắt (Eyeliner Brush)
Cọ kẻ mắt có đầu cọ siêu mảnh, nhỏ, sẽ giúp bạn điều chỉnh đường kẻ viền mí mắt tới viền đuôi mắt một cách chỉn chu, hạn chế bị lem khi kẻ mắt.
8. Cọ che khuyết điểm (Concealer brush)
Cọ che khuyết điểm với đầu cọ mảnh, nhỏ, giúp bạn dễ dàng lấy phần kem, phấn che khuyết điểm che đi trọng tâm những vùng da có mụn, nốt ruồi, nốt thâm,... giúp kem tệp vào da tạo cảm giác mềm mịn, không bị bệt mà căng bóng tự nhiên.
9. Cọ môi (Lips Brush)
Khi sử dụng cọ môi để tán son sẽ giúp đôi môi của bạn trở nên đẹp và chuẩn màu nhất vì đầu cọ hình tròn, nhỏ, dễ dàng dặm và tán son đều, điều chỉnh được viền môi theo ý thích của bạn.
Bình luận