Theo phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 do Bộ GD&ĐT công bố, phần lớn các môn đều lệch phải. Riêng môn tiếng Anh, phổ điểm năm nay khá lạ với 2 đỉnh. Đỉnh thứ nhất khoảng tích điểm là 4 - 5 điểm, đỉnh thứ 2 là khoảng 7 - 8 điểm.
Theo đánh giá của GS Nguyễn Tiến Thảo, Đại học Quốc gia Hà Nội, phổ điểm xét tuyển các khối năm nay không khác biệt nhiều giữa năm 2021 và 2020. Điểm chuẩn khó dự đoán nhất là các tổ hợp sử dụng môn tiếng Anh (A1 và D1) ở phân khúc 24 - 26 điểm. Những ngành học điểm chuẩn năm trước lấy 26 điểm trở lên thì năm nay tăng 1 - 1,5 điểm. Còn các ngành lấy 22 - 24 điểm năm trước có thể tăng 3 - 4 điểm.
Còn lại các ngành học khác, điểm chuẩn có thể tăng tối đa 1,5 điểm do các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh năm 2021 phong phú hơn năm 2020. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh năm 2021 (gần 764.000 thí sinh/544.578 chỉ tiêu) xét tuyển đại học cũng nhiều hơn năm 2020 (643.122 thí sinh/500.000 chỉ tiêu). Phân khúc những ngành học trên 27,5 điểm sẽ ít ảnh hưởng và tăng không đáng kể.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Ngoại thương cho biết, quy định nhiều năm nay của trường là điểm trúng tuyển đối với tổ hợp A00 phải cao hơn 0,5 điểm đối với các tổ hợp còn lại có môn ngoại ngữ. Sở dĩ trường đưa ra chuẩn này là trong các tổ hợp khối D của trường (D1 - D7) đều có hai môn là Văn và Ngoại ngữ, điểm thi hằng năm không cao như tổ hợp A00. Tuy nhiên, năm nay, điểm tiếng Anh cao hơn các năm khác rất nhiều.
Theo PGS. Hiền, thống kê từ phổ điểm, mức điểm từ 26 đến 27 điểm trở lên đối với tổ hợp D1, A1 cao hơn năm trước. Thí sinh đạt mức điểm này cơ bản đều có chứng chỉ ngoại ngữ và đã trúng tuyển ở các trường đại học phương thức xét tuyển kết hợp. Số thí sinh tham gia xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều nên cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến điểm chuẩn của các tổ hợp không có môn tiếng Anh đối với thí sinh đạt ngưỡng điểm từ 26 điểm trở lên ở tổ hợp A1, D1.
Tuy nhiên, bà Hiền nhận định, với ngưỡng điểm từ 24 - 26 điểm ở hai tổ hợp có môn tiếng Anh, sẽ có sự biến động đáng kể về điểm chuẩn. Những thí sinh này thường chưa tham gia xét tuyển kết hợp. Trong khi đó, số lượng thí sinh ở tổ hợp A1 và D1 đạt được mức điểm này năm nay tăng từ 200 đến 300% so với năm ngoái.
Chia sẻ với các thí sinh, theo bà Hương, năm nay thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng. Nhiều thí sinh đã xét tuyển theo phương thức riêng nên sẽ rút ra khỏi hệ thống trước khi xét tuyển theo kết quả THPT. Do đó, các thí sinh nên giữ cho mình tâm thế tốt, bình tĩnh lựa chọn ngành nghề mình yêu thích và môi trường học tập phù hợp nhưng cũng đừng quên đăng ký một vài nguyện vọng an toàn cho mình ở những vị trí ưu tiên lựa chọn tiếp theo.
Về việc phổ điểm tiếng Anh năm nay "lạ" có ảnh hưởng gì đến điểm thi của Đại học Ngoại thương? Bà Hương cho rằng, trên thực tiễn, qua nhiều năm nay, phần lớn các thí sinh xét tuyển vào Đại học Ngoại thương đều có năng lực ngoại ngữ tốt với điểm thi tiếng Anh ở mức cao. Do đó, về cơ bản phổ điểm tiếng Anh năm nay sẽ không làm ảnh hưởng đến xét tuyển của trường.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, điểm xét tuyển đại học năm nay so với năm trước không biến động nhiều. Trường sẽ giữ ổn định điểm chuẩn như năm trước. Tuy nhiên, có thể tăng cục bộ ở một số mã ngành hot như Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế... (tổ hợp xét tuyển A0, A1, D1...)
Do đó, ông khuyên các thí sinh nên chọn nhiều nguyện vọng dự phòng để tránh rủi ro nếu trượt nguyện vọng 1 do điểm chuẩn quá cao.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, những ngành học liên quan đến các tổ hợp xét tuyển A1, D1 và D7, mức điểm chuẩn sẽ cao hơn so với năm trước từ 1 đến 1,5 điểm. Tuy nhiên các ngành top đầu từ 25 đến 28 điểm không tăng nhiều.
Bình luận